Thảo luận về Dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Sáng 25/5, tiếp tục chương trình của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội tiếp tục tiến hành lấy ý kiến góp ý của đại biểu, các ý kiến thảo luận, tranh luận về Dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Các đại biểu tham dự họp trực tuyến Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV tại điểm cầu Lâm Đồng

Các đại biểu tham dự họp trực tuyến Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV tại điểm cầu Lâm Đồng

Tham dự tại điểm cầu Lâm Đồng có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XIV đơn vị tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Nguyễn Tạo, ĐBQH K’Nhiễu, đại diện Tòa án Nhân dân tỉnh, Thanh Tra tỉnh, đại diện Cục Thuế tỉnh và Sở Tài Nguyên và Môi trường cùng tham dự.

Các đại biểu tham dự kỳ họp đã được nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Nhiều ý kiến tán thành với phạm vi hòa giải, đối thoại của Dự thảo Luật. Có ý kiến đề nghị cân nhắc áp dụng đối với cả những trường hợp tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, nhưng đương sự không lựa chọn khởi kiện mà lựa chọn cơ chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, Dự thảo Luật đang quy định phạm vi điều chỉnh là đối với những trường hợp tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án mà đương sự có đơn khởi kiện gửi đến Tòa án. Trường hợp đương sự không khởi kiện tại Tòa án mà lựa chọn hòa giải, đối thoại thì pháp luật hiện hành đã có nhiều cơ chế hòa giải, đối thoại như: Hòa giải ở cơ sở theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở; hòa giải tranh chấp lao động cá nhân, tranh chấp lao động tập thể theo quy định của Bộ luật Lao động; hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã theo quy định của Luật Đất đai; đối thoại giữa người khiếu nại, người bị khiếu nại và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của Luật Khiếu nại… Đồng thời, tại Chương XXXIII của Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) đã có quy định Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án, theo đó, các bên có quyền đề nghị Tòa án xem xét, ra quyết định công nhận kết quả mà các bên đã hòa giải thành. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho được giữ phạm vi điều chỉnh như Dự thảo Luật.

Các đại biểu đã tiến hành thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Có ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh để hòa giải thêm một số việc như: Yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, yêu cầu xác định quyền sở hữu tài sản, yêu cầu phân chia tài sản chung, yêu cầu công nhận thỏa thuận về nuôi con… Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, theo quy định tại Điều 361 của BLTTDS thì các yêu cầu nêu trên được coi là việc dân sự và không có tranh chấp; trong khi đó, mục đích ban hành và phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật nhằm quy định cơ chế hòa giải để hỗ trợ các bên giải quyết tranh chấp dân sự. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ như phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật.

ĐBQH Nguyễn Tạo tiến hành thảo luận trực tuyến xoay quanh nhiều ý kiến khác nhau về Dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án

ĐBQH Nguyễn Tạo tiến hành thảo luận trực tuyến xoay quanh nhiều ý kiến khác nhau về Dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Tranh luận về việc góp ý cho Dự thảo Luật Hòa giải đối thoại, đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) có ý kiến về điều kiện công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành (Điều 33). Đại biểu cho rằng, theo quy định tại Khoản 6 Điều 33 của Dự thảo Luật thì “Trường hợp các bên thỏa thuận, thống nhất được một phần tranh chấp dân sự, một phần khiếu kiện hành chính thì chỉ được công nhận khi nội dung thỏa thuận, thống nhất đó độc lập, không liên quan đến các phần tranh chấp, khiếu kiện khác”. Tuy nhiên, Dự thảo Luật chưa quy định trong trường hợp giải quyết được một phần tranh chấp, khiếu kiện thì các phần tranh chấp, khiếu kiện khác chưa giải quyết được sẽ tiếp tục giải quyết như thế nào, đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định để thống nhất áp dụng. Về việc xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành (Điều 36), tôi thống nhất với việc tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định đương sự có quyền đề nghị, Viện Kiểm sát có quyền kiến nghị xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Điều 36 của Dự thảo Luật. Nhưng đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung cơ chế để có thể xem xét lại quyết định lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành trong trường hợp hết thời hạn 15 ngày thì người đại diện hợp pháp của họ hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến quyết định, Viện Kiểm sát cùng cấp hoặc cơ quan chức năng mới biết có vi phạm, hoặc có các lý do, căn cứ được nêu tại Điều 33 của Dự thảo Luật cần thiết phải xem xét lại quyết định đó.

Góp ý Dự thảo Luật tại Kỳ họp thứ 8 và trước Kỳ họp thứ 9 này, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng có đề xuất Phương án bầu hòa giải viên tại Tòa án như quy định về thủ tục bầu cử, miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm (Điều 86 Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân) nhưng chưa được xem xét, tiếp thu giải trình. Vì vậy, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quy định cơ chế bầu hòa giải viên theo hướng Tòa án Nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện đề xuất nhu cầu về số lượng hòa giải viên đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp lựa chọn và giới thiệu người đủ tiêu chuẩn theo quy định của Luật để HĐND có thẩm quyền theo luật định bầu hòa giải viên tại Tòa án. Nhiệm kỳ của hòa giải viên theo nhiệm kỳ của HĐND bầu ra. Chánh án Tòa án Nhân dân sau khi thống nhất với Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp đề nghị HĐND miễn nhiệm, bãi nhiệm hòa giải viên. Tiếp đó, cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp báo cáo, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu.

Cũng trong buổi sáng, các đại biểu tham dự được nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về Dự thảo Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Các đại biểu tiến hành thảo luận trực tuyến về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp. Đa số đại biểu bày tỏ sự cần thiết tiếp tục ban hành chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cho giai đoạn 2021-2025 nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, giảm bớt khó khăn cho người nông dân, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa; nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt trong việc ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và tình hình bất lợi về thiên tai, biến đổi khí hậu trong tình hình hiện nay.

Lại có ý kiến đại biểu cho rằng, việc Chính phủ đề nghị tiếp tục ban hành Nghị quyết của Quốc hội để thực hiện chính sách này là chưa thực sự phù hợp, vì đây là Nghị quyết quy định ngoài phạm vi của Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp, đã được thực hiện trong giai đoạn 2011-2020. Đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp để đảm bảo thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã trình bày báo cáo thẩm tra về dự thảo nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục chương trình thảo luận trực tuyến về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp.

NGUYỆT THU

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/chinhtri/202005/thao-luan-ve-du-an-luat-hoa-giai-doi-thoai-tai-toa-an-3005044/