Thảo luận về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và dự án Luật Phòng thủ dân sự

Chiều 1/11, Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và dự án Luật Phòng thủ dân sự. Đoàn ĐBQH tỉnh do đồng chí Bùi Minh Châu - Ủy viên BCH Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận với Đoàn ĐBQH các tỉnh Lạng Sơn, Hà Nam, Thừa Thiên Huế.

Về sự cần thiết ban hành Luật, các đại biểu nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Hợp tác xã (sửa đổi) nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý thống nhất, đầy đủ, góp phần thúc đẩy việc phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững theo đúng tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ năm BCH Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.

Về Tổ hợp tác, nhất trí về sự cần thiết bổ sung điều chỉnh Tổ hợp tác trong dự thảo Luật nhằm xác định địa vị pháp lý của Tổ hợp tác. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng: Nội dung quy định Tổ hợp tác trong dự thảo Luật còn khá mờ nhạt, chưa đủ cơ sở để Quốc hội xem xét, quyết định nhằm bảo đảm hiệu lực và tính khả thi thực hiện trên thực tế, do đó đề nghị bổ sung làm rõ hơn các điều kiện khác ngoài số lượng thành viên để chuyển đổi Tổ hợp tác thành HTX như các điều kiện về nguồn lực tài chính, tài sản, quy mô hoạt động…; nghiên cứu bổ sung về điều kiện tham gia và rút khỏi hợp đồng hợp tác giữa các thành viên Tổ hợp tác.

Về Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã, đề nghị cần làm rõ hơn quy định tại dự thảo Luật về nguồn hình thành Quỹ, cơ chế vận hành Quỹ và cơ quan chịu trách nhiệm quản lý Quỹ hỗ trợ phát triển HTX ở Trung ương và ở cấp tỉnh; tránh chồng chéo, trùng lặp với vai trò và chức năng của Ngân hàng Hợp tác xã và Quỹ tín dụng nhân dân.

Về tài sản, tài chính của HTX. Liên quan đến chế độ hạch toán, kế toán; nhiều đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, đề xuất quy định một cách phù hợp, khả thi các nội dung liên quan đến chế độ hạch toán, kế toán của HTX khi trình độ của cán bộ quản lý tại HTX nhìn chung còn hạn chế và quy mô, mô hình tổ chức hoạt động các HTX là khác nhau. Đối với hoạt động tín dụng nội bộ, các đại biểu cho rằng, Chính phủ dự kiến giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn về nội dung này nhưng cần làm rõ về nội hàm, điều kiện để HTX được thực hiện tín dụng nội bộ bảo đảm thống nhất với Luật Các tổ chức tín dụng; xem xét các giải pháp để phát huy vai trò của Ngân hàng Hợp tác xã, Quỹ tín dụng nhân dân đối với việc tạo các điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận các nguồn lực của HTX.

Về mô hình tổ chức quản trị đối với các hình thức tổ chức HTX, việc thiết kế hai mô hình quản trị (mô hình quản trị rút gọn và mô hình quản trị đầy đủ) như dự thảo Luật là phù hợp. Tuy nhiên, cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy định về quyền hạn, nghĩa vụ của Hội đồng quản trị và Đại hội thành viên, tránh việc lạm quyền, làm mất đi bản chất của HTX, bảo đảm quyền quyết định của Đại hội thành viên. Thực tiễn cho thấy, các HTX chủ yếu hoạt động với quy mô siêu nhỏ, dưới 10 thành viên; một số HTX được thành lập mang tính chất gia đình, chưa phát huy được vai trò hỗ trợ thành viên trong hoạt động sản xuất, kinh doanh theo đúng bản chất HTX. Do đó, đề nghị nghiên cứu quy định hợp lý về số lượng thành viên HTX; quy định về lộ trình tăng số lượng thành viên theo thời gian hoạt động của HTX; nghiên cứu các tiêu chí hỗ trợ ưu tiên cho HTX có nhiều thành viên và các quy định để khuyến khích các thành viên mới tham gia HTX.

Về dự án Luật Phòng thủ dân sự, ngày 30/8/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW “Về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo” xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là “Xây dựng Luật phòng thủ dân sự”. Các đại biểu cho rằng, việc xây dựng và ban hành luật sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện các hoạt động phòng thủ dân sự, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân.

Cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, qua thảo luận, đa số ý kiến các đại biểu nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền để thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục hạn chế của luật hiện hành, nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, phòng, chống tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, phù hợp với các cam kết quốc tế; các đại biểu cũng đề nghị hoàn thiện dự thảo Luật về một số nội dung như: tên gọi, khái niệm, phạm vi, đối tượng điều chỉnh; giải thích từ ngữ; các hành vi bị cấm; đối tượng báo cáo về phòng, chống rửa tiền; nghĩa vụ, trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; phân loại thách thức xử lý đối với các kết quả đánh giá rủi ro; tiêu chí phân loại mức độ rủi ro của từng loại khách hàng…

Khổng Thủy

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//quoc-hoi-hoi-dong-nhan-dan/thao-luan-ve-du-an-luat-hop-tac-xa-sua-doi-va-du-an-luat-phong-thu-dan-su/188312.htm