Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ

Chiều 26/10, Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV tiếp tục chương trình làm việc, các đại biểu thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Các đại biểu tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn.

Đã có 26 đại biểu phát biểu ý kiến, 01 đại biểu tranh luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Các đại biểu cơ bản nhất trí sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Một số ý kiến đề nghị xem xét, sửa đổi một số điều cụ thể trong dự thảo Luật. Về quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, đa số các đại biểu tán thành phương án 1 nhưng đề nghị cần có cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, cơ quan chủ trì và tác giả như quy định của Nghị quyết số 20-NQ/TW. Một số ý kiến đề nghị không thu hẹp phạm vi xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ…

Đại biểu Hà Sỹ Huân phát biểu ý kiến từ điểm cầu tỉnh Bắc Kạn.

Thảo luận trực tuyến từ điểm cầu tỉnh Bắc Kạn, đại biểu Hà Sỹ Huân- Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn bày tỏ quan điểm nhất trí việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ lần này là yêu cầu cấp thiết đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Đại biểu cơ bản tán thành với các nội dung quy định trong dự thảo và góp ý một số nội dung cụ thể: Đại biểu cho rằng, dự thảo luật quy định “Tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học”. Việc quy định tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm văn học nghệ thuật là hợp lý; còn đối với khoa học thì không thể dùng với thuật ngữ sáng tạo mà phải là nghiên cứu. Do đó đề nghị Ban soạn thảo xem xét định nghĩa lại khái niệm. Luật cần bổ sung quy định: “Việc thực hiện các quyền nhân thân và tài sản đối với tác phẩm chung phải có sự thỏa thuận, thống nhất ý chí của các đồng tác giả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Đề nghị bổ sung cụ thể hình thức tuyên bố của chủ văn bằng (bằng văn bản hay hình thức khác) về hủy bỏ quyền đối với trường hợp chấm dứt hiệu lực của văn bằng bảo hộ…

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu./.

N.V - Văn Lạ

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/chinh-tri/202110/ky-hop-thu-hai-quoc-hoi-khoa-xv-thao-luan-ve-du-an-luat-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-luat-so-huu-tri-tue-919054b/