Thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, ngày 29-5, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024 và nhiều nội dung quan trọng khác. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Quốc hội dành 1 ngày thảo luận ở hội trường về: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; thực hành kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023; công tác tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023. Phiên thảo luận được truyền hình, phát thanh trực tiếp để cử tri và nhân dân theo dõi.

Góp ý đối với việc phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023 và của những tháng đầu năm 2024, đại biểu Tạ Minh Tâm, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Tiền Giang thống nhất kết quả phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023 và của những tháng đầu năm 2024 thể hiện tại các báo cáo trình kỳ họp.

Đồng thời, đại biểu Tạ Minh Tâm bày tỏ sự quan tâm đến kết quả rà soát, xử lý vướng mắc, bất cập về thủ tục hành chính trong giai đoạn từ năm 2021 đến tháng 3-2024. Theo Báo cáo chuyên đề số 248/BC-CP cho thấy sự tập trung, quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự tham gia trách nhiệm của các cơ quan liên quan, các hội đoàn, của doanh nghiệp và người dân; góp phần quan trọng trong phát triển của đất nước, đặc biệt trong giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, các báo cáo trình tại kỳ họp cũng cho thấy, từ kết quả cụ thể rà soát, xử lý vướng mắc, bất cập về thủ tục hành chính đối chiếu các mục tiêu, chỉ tiêu, yêu cầu nhiệm vụ cụ thể của từng mặt công tác phải hoàn thành cho đến hết năm 2025. Nhiều nội dung, lĩnh vực, nhiệm vụ công tác đã được chỉ ra kết quả chưa tương xứng mức độ quan tâm; chưa tương ứng với lộ trình thời gian ấn định; trọng tâm thực hiện có ngành, lĩnh vực chưa đáp ứng kỳ vọng. Các nội dung - số liệu cụ thể đã được phân tích thấu đáo tại Báo cáo số 2839/BC-UBPL15 của Ủy ban Pháp luật.

Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang tại kỳ họp thứ 7.

Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang tại kỳ họp thứ 7.

Bên cạnh đó, sự gắn kết, đồng bộ giữa cải cách thủ tục hành chính với chuyển đổi số, mà cụ thể và trực tiếp là Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đánh giá của các cơ quan thẩm quyền là còn khó khăn, vướng mắc với 5 điểm nghẽn được chỉ ra về thể chế, hạ tầng công nghệ thông tin, dịch vụ công, dữ liệu và nguồn lực; cũng như sự thiếu đồng bộ giữa các lĩnh vực trong xây dựng, khai thác, ứng dụng, chia sẻ dữ liệu.

Ngoài ra, vấn đề chưa hoàn thiện các nội dung liên quan đến thủ tục hành chính của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Chỉ riêng nội dung thuộc thẩm quyền Quốc hội thể hiện tại Phụ lục số 7 kèm theo Báo cáo số 248/BC-CP của Chính phủ đã thống kê có 37 luật trong danh sách các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh, phân cấp thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư.

Vấn đề nữa trong nội dung này, đó là khoảng trống pháp lý điều chỉnh việc kiểm soát thủ tục hành chính nội bộ mà Nghị định 63/2010/NĐ-CP về kiểm soát thủ tục hành chính và các nghị định sửa đổi, bổ sung ở các năm 2013, 2016, 2017 vẫn chưa có quy định. Trong khi đó thủ tục hành chính nội bộ có tác động không nhỏ đến hoạt động thực thi công vụ; đến công tác quản lý điều hành của các cơ quan nhà nước.

Từ những phân tích nêu trên, đại biểu Tạ Minh Tâm kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan chức năng quan tâm khẩn trương hoàn thiện thể chế có liên quan đến công tác cải cách hành chính nói chung, công tác cải cách thủ tục hành chính và đặc biệt là trong xây dựng, ban hành thủ tục hành chính khi thực thi - triển khai các chủ trương, chính sách mới. Bên cạnh công tác tự rà soát, xử lý của các cơ quan chức năng; tiếp tục phát huy hiệu quả công tác dân nguyện của Quốc hội và cơ quan dân cử các cấp. Qua các hoạt động này, nhiều nút thắt, điểm nghẽn về thủ tục hành chính được phát hiện và kịp thời tháo gỡ, tạo đồng thuận cao trong cử tri và nhân dân.

Đồng thời, kiến nghị Quốc hội đưa định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm về công tác cải cách thủ tục hành chính vào nghị quyết kỳ họp. Đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, xử lý các vướng mắc, bất cập về thủ tục hành chính - gắn với thực hiện đồng bộ, hiệu quả Đề án 06 phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, và có báo cáo Quốc hội tại các kỳ họp sau.

Kiến nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo tháo gỡ các vấn đề Ủy ban Pháp luật đã nêu tại Báo cáo số 2839/BC-UBPL15 trong xử lý vướng mắc, bất cập đối với thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên cơ sở khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tiếp tục có cải tiến Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công cấp tỉnh và các cổng thông tin điện tử theo hướng hỗ trợ người dân tiếp cận và sử dụng dễ dàng hơn, tăng tính thân thiện với người dùng. Có nhiều giải pháp thu hẹp “khoảng cách số” liên quan đến điều kiện tiếp cận Chính phủ điện tử và dịch vụ công điện tử giữa các các bộ phận dân cư, bảo đảm không để ai đứng bên lề của tiến trình điện tử hóa, số hóa dịch vụ công.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, các đại biểu cũng đã thẳng thắn chỉ ra những vướng mắc, hạn chế của nền kinh tế, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp, thị trường bất động sản, thị trường vàng, chương trình phục hồi phát triển kinh tế…Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục các chính sách hỗ trợ, miễn giảm thuế, phí, tiền sử dụng đất… để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp; tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân và doanh nghiệp.

Trong 2 năm trở lại đây, với những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và sự vào cuộc của các bộ, ngành, các địa phương, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Chính phủ cũng từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, thủ tục hành chính để thu hút vốn đầu tư công, kích hoạt vốn đầu tư trong hình thức đối tác công - tư, đạt nhiều kết quả tích cực. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, Chính phủ cũng đã có các giải pháp về mở rộng thương mại, tăng cường xuất khẩu, đàm phán ký kết các hiệp định hợp tác FTA… để kích cầu thị trường trong nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết thúc phiên thảo luận

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết thúc phiên thảo luận

Phát biểu kết luận Phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, sau một ngày thảo luận tại hội trường, đã có 57 đại biểu phát biểu, 3 đại biểu phát biểu tranh luận. Quốc hội cũng đã dành thời gian thích hợp để các Bộ trưởng (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước) và 2 Phó Thủ tướng Chính phủ tham gia phát biểu, giải trình thêm một số vấn đề có liên quan.

Nhìn chung, không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm. Các ý kiến phong phú, toàn diện, sâu sắc, thể hiện tâm huyết của các vị đại biểu đối với các vấn đề quan trọng của đất nước và các vấn đề mà đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm. Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã được ghi chép đầy đủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan của Chính phủ, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến phát biểu tại hội trường, các ý kiến thảo luận tại tổ để đưa các nội dung quan trọng vào Nghị quyết chung của kỳ họp.

T.H

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202405/doan-dai-bieu-quoc-hoi-tinh-tien-giang-thao-luan-ve-tinh-hinh-thuc-hien-ke-hoach-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-1011711/