Thạo nghề, giỏi ngoại ngữ: 'Chìa khóa' mở cánh cửa việc làm
Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, thời điểm này, hơn 80% các vị trí việc làm có thu nhập cao, ổn định trong doanh nghiệp (DN) đều yêu cầu về trình độ chuyên môn và năng lực ngoại ngữ. Đáp ứng xu thế hội nhập, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh chú trọng đổi mới việc dạy và học ngoại ngữ.
Đáp ứng nhu cầu tuyển dụng
Hiện nay, nhiều DN, nhất là DN có vốn đầu tư nước ngoài có nhu cầu tuyển dụng lao động đã qua đào tạo, thành thạo ngoại ngữ ở các chuyên ngành: Cơ khí chế tạo chính xác, chế tạo khuôn mẫu phục vụ các lĩnh vực điều khiển thông minh, gia công chi tiết máy, tự động hóa, vi mạch điện tử, bán dẫn, chế biến thực phẩm theo hướng tinh chế. Tuy nhiên, theo đánh giá của bộ phận nhân sự DN, trong quá trình tuyển dụng, nhiều người trẻ bỏ lỡ cơ hội có được công việc tốt, mức lương cao do chưa thành thạo tiếng Anh hoặc một ngoại ngữ khác.
Anh Đỗ Văn Toàn, ở xã Tiên Nha (Lục Nam) vừa tốt nghiệp Trường Cao đẳng công nghệ Việt - Hàn Bắc Giang tháng 7/2024. Trong quá trình học, anh được thực tập ở một số dây chuyền liên quan đến gia công chi tiết máy và được nhiều DN đánh giá thạo nghề. Thế nhưng khi thi tuyển vào một DN có vốn đầu tư Trung Quốc, anh chỉ trúng tuyển một vị trí có mức lương trung bình do không thành thạo ngoại ngữ. Bởi vậy, thời gian này, anh tập trung học tiếng Trung Quốc để đáp ứng tốt hơn yêu cầu công việc. Anh đặt mục tiêu sử dụng tiếng Trung Quốc thuần thục để có thể trao đổi, đàm phán với đối tác về đơn hàng, về tính năng, thao tác kỹ thuật vận hành máy.
Thực tế, trình độ ngoại ngữ của học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa cao. Do khi vào học nghề, các em chú trọng kỹ năng thực hành, vận hành thiết bị, máy móc, chưa đẩy mạnh học ngoại ngữ. Trong khi, cùng trình độ chuyên môn, tay nghề nhưng lao động biết sử dụng ngoại ngữ sẽ thuận lợi hơn trong quá trình tìm kiếm việc làm và có thể lựa chọn vị trí làm việc tốt hơn. Thậm chí, người thạo ngoại ngữ có cơ hội phát triển nghề nghiệp, thăng tiến nhanh hơn tại các vị trí quản lý của DN, nhất là DN lớn, DN nước ngoài.
Mới đây, ngay sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng kỹ thuật công nghiệp, anh Nguyễn Tuấn Tú, ở xã Lam Cốt (Tân Yên) được tuyển dụng vào Công ty TNHH SEOJIN Việt Nam, ở Khu công nghiệp Song Khê - Nội Hoàng (TP Bắc Giang). Anh được nhà tuyển dụng đánh giá cao khi trả lời phỏng vấn bằng tiếng Hàn Quốc. Do là DN có vốn đầu tư Hàn Quốc nên ở các vị trí chủ chốt đều sử dụng nhân lực thành thạo tiếng Hàn Quốc. Thực tế, thạo nghề, giỏi ngoại ngữ có nhiều lợi thế trong tuyển dụng nên ngay khi tham gia chương trình đào tạo nghề, nhiều bạn trẻ cũng song hành học ngoại ngữ.
Đẩy mạnh đào tạo ngoại ngữ
Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 500 DN có vốn đầu tư nước ngoài. Theo thông tin từ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, các DN có vốn đầu tư nước ngoài ở các khu công nghiệp: Đình Trám, Quang Châu, Vân Trung (Việt Yên) đang rất cần lao động thạo nghề, giỏi tiếng Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Nắm bắt xu thế tuyển dụng, những năm học gần đây, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh không chỉ giảng dạy tiếng Anh mà còn tuyển sinh các lớp học tiếng Hàn Quốc, tiếng Nhật Bản, tiếng Trung Quốc.
Để đáp ứng yêu cầu tuyển dụng, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ. Năm học này, Trường Cao đẳng kỹ thuật công nghiệp (Bắc Giang) có hơn 7 nghìn học sinh, sinh viên.
Ông Đào Đức Quảng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Để học sinh, sinh viên chú trọng học ngoại ngữ, nhà trường bổ sung giáo trình, chương trình đào tạo tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, tiếng Hàn Quốc theo 2 trình độ: Cơ bản và chuyên ngành, đồng thời giảng dạy bằng tiếng nước ngoài ở một số tiết của các môn chuyên ngành. Nhà trường tập trung giảng dạy ngoại ngữ theo hướng giao tiếp thành thạo, hiểu các thông số kỹ thuật, vận hành máy, sửa chữa, bảo dưỡng khi xảy ra sự cố”.
Nhà trường linh hoạt lồng ghép nhiều hoạt động bổ ích trong môn ngoại ngữ như: Câu lạc bộ học nghề bằng tiếng Trung Quốc; giảng dạy một số môn học liên quan đến tự động hóa, cơ khí chế tạo bằng tiếng Anh; hội thi thuyết trình vận hành máy bằng tiếng nước ngoài. Do trình độ tiếng Anh đầu vào của học sinh, sinh viên chưa cao, ngay khi vào học năm thứ nhất, nhà trường phân loại trình độ, xếp lớp học môn ngoại ngữ theo năng lực để các em dễ dàng tiếp thu bài giảng.
Nắm bắt xu thế tuyển dụng, những năm học gần đây, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên các huyện, thị xã, tỉnh không chỉ giảng dạy tiếng Anh mà còn tuyển sinh các lớp học tiếng Hàn Quốc, tiếng Nhật Bản, tiếng Trung Quốc. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tích cực đổi mới hình thức, nội dung, phương pháp dạy học, linh hoạt lồng ghép vào các giờ ngoại khóa, thực hành để học sinh nâng cao kỹ năng nghe, nói. Để nâng cao kỹ năng thực hành giao tiếp, một số trường nghề liên kết với các trung tâm ngoại ngữ, trường cao đẳng, đại học ngoài nước cho học sinh, sinh viên giao lưu, học tập, mở rộng “vốn” ngoại ngữ.
Hiện nay, Trường Cao đẳng công nghệ Việt - Hàn Bắc Giang, Trường Cao đẳng kỹ thuật công nghiệp đang liên kết đào tạo với 10 trường đại học, cao đẳng dạy nghề ở các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Trong chương trình đào tạo, nhiều em được cử đi học ở nước ngoài trong thời gian từ 3-12 tháng nên trình độ ngoại ngữ được cải thiện, nâng lên rõ rệt. Theo rà soát, khoảng 95% học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đều có việc làm sau khi tốt nghiệp. Trong số này có từ 10-12% các em thạo nghề, giỏi ngoại ngữ được tuyển dụng vào những vị trí quan trọng trong dây chuyền sản xuất của các DN lớn, DN nước ngoài.
Bài, ảnh: Minh Thu