Tháo ngòi tranh chấp, cách nào?
Nắm bắt, giải quyết bức xúc của người lao động và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật tại doanh nghiệp sẽ giúp ngăn ngừa tranh chấp từ gốc
Năm 2021, tình hình tranh chấp lao động (TCLĐ) tập thể tại TP HCM giảm so với những năm trước song TCLĐ cá nhân lại tăng do tác động của dịch Covid-19. Đây là thông tin được Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP HCM cung cấp trong Tọa đàm "Những giải pháp hạn chế tình hình TCLĐ tập thể và cá nhân tại cơ sở" do LĐLĐ thành phố tổ chức sáng 5-5.
Chủ yếu do lỗi của người sử dụng lao động
Theo báo cáo của Ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ TP HCM, năm 2021, trên địa bàn thành phố xảy ra 7 vụ TCLĐ tập thể, số người tham gia là 3.696 (giảm 4 vụ so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, 3 vụ xảy ra tại các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trong nước và 4 vụ tại các DN có vốn đầu tư nước ngoài.
Nguyên nhân tranh chấp chủ yếu là do quyền và lợi ích của người lao động (NLĐ) chưa được người sử dụng lao động (NSDLĐ) bảo đảm hoặc chưa thực hiện đúng thỏa thuận đã cam kết. Đa phần tranh chấp liên quan đến các vấn đề thưởng Tết giảm, chậm trả hoặc nợ lương, nợ BHXH...
Riêng về TCLĐ cá nhân, bà Nguyễn Văn Hạnh Thục, Phó chánh Thanh tra Sở LĐ-TB-XH TP HCM, cho hay năm 2021, dù phải trải qua hơn 4 tháng thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19 nhưng cơ quan này lại tiếp nhận và xử lý lượng đơn, thư nhiều hơn những năm trước. Cụ thể, Thanh tra Sở đã tiếp nhận và giải quyết 390 đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của NLĐ, trong khi các năm trước chỉ tiếp nhận khoảng 200-300 đơn thư/năm. Qua xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo cho thấy đa phần là do NSDLĐ vi phạm các quy định về hợp đồng lao động.
Năm 2021, nhiều DN gặp khó khăn do dịch Covid-19 dẫn đến tình trạng nợ BHXH gia tăng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều vụ TCLĐ cá nhân và tập thể thời gian qua. Đại diện BHXH TP HCM cho biết tổng số tiền DN nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp trong năm qua là 2.241 tỉ đồng, chiếm 3,36%.
Tính đến hết quý I/2022, số nợ BHXH bắt buộc là hơn 4.058,86 tỉ đồng, chiếm 6.84% so với kế hoạch thu BHXH bắt buộc. Để thu hồi nợ, BHXH TP HCM đã sử dụng nhiều biện pháp quyết liệt như thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí gửi hồ sơ đề nghị cơ quan công an điều tra, khởi tố hình sự. Tuy nhiên, đến nay, chưa có DN nợ nào bị xử lý theo quy định của Bộ Luật Hình sự dẫn đến tình trạng "lờn thuốc" khi mỗi năm cơ quan BHXH lặp đi lặp lại hoạt động thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính, cảnh báo khởi tố hình sự...
Tăng cường kiểm tra, giám sát doanh nghiệp
Khẳng định nguyên nhân TCLĐ chủ yếu do lỗi từ NSDLĐ, các đại biểu tham gia tọa đàm cho rằng cùng với việc tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho NLĐ thì cũng cần tăng cường phổ cập kiến thức pháp luật cho cả NSDLĐ để họ hiểu được quyền, nghĩa vụ, cũng như trách nhiệm của mình trong việc thực hiện đúng quy định pháp luật.
Ông Nguyễn Hữu Trí - Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Bình Chánh, TP HCM - cho biết phần lớn TCLĐ tập thể xuất phát từ các vụ TCLĐ cá nhân mà nguyên nhân là do DN vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ. Để khắc phục tình trạng này, trước đây, LĐLĐ huyện phối hợp với Phòng LĐ-TB-XH tổ chức các buổi tuyên truyền, tập huấn pháp luật cho NSDLĐ, song hầu như không có chủ DN nào tham gia mà chỉ cử nhân viên đi thay. Vì thế, các lần thanh tra, kiểm tra sau đó vẫn phát hiện sai phạm tại những DN có tên trong danh sách dự tuyên truyền, tập huấn.
"Để việc tuyên truyền pháp luật đúng đối tượng và nâng cao ý thức chấp hành luật pháp của chủ DN, các cơ quan chức năng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm nhắc nhở, uốn nắn, đồng thời kiên quyết xử lý đơn vị cố tình vi phạm pháp luật để tạo tính răn đe" - ông Trí đề nghị.
Ngoài lý do NLĐ và NSDLĐ chưa nắm hay chưa áp dụng đúng quy định pháp luật, ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, cho rằng nguyên nhân dẫn đến TCLĐ còn do các bức xúc của NLĐ chưa được nắm bắt, giải quyết kịp thời. Do vậy, để ngăn ngừa tranh chấp, cùng với việc tăng cường, mở rộng các hình thức tuyên truyền pháp luật cho cả NLĐ lẫn DN, các cấp Công đoàn cần nắm chắc tình hình quan hệ lao động, nhất là tâm tư tình cảm, việc làm, thu nhập của NLĐ cũng như việc thực hiện pháp luật tại đơn vị, DN, từ đó đề xuất hướng xử lý, tháo gỡ vướng mắc. Bên cạnh đó, cán bộ Công đoàn cần nâng cao trình độ, kỹ năng thương lượng nhằm làm cầu nối trong các cuộc đối thoại, giải quyết TCLĐ trên cơ sở hài hòa lợi ích các bên.
"Công đoàn cũng cần thúc đẩy DN thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát theo hướng mỗi đoàn viên, NLĐ cùng tham gia việc giám sát thực thi pháp luật của DN, để từ đó sớm phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm của NSDLĐ nhằm ngăn ngừa tranh chấp kịp thời" - ông Tâm lưu ý.
Bà NGUYỄN THỊ BẠCH MAI, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy TP HCM:
Khuyến khích đối thoại
Tổ chức Công đoàn có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giải quyết TCLĐ. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, sắp tới, tổ chức Công đoàn sẽ đối mặt với nhiều thách thức nhưng cũng là cơ hội. Do vậy, cùng với việc phát huy vai trò trong giải quyết TCLĐ - như nắm bắt thông tin, giữ vai trò cầu nối trong các cuộc hòa giải, thương lượng và phối hợp cùng DN tổ chức đối thoại định kỳ, thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể... nhằm bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho NLĐ - tổ chức Công đoàn cũng cần dồn sức xây dựng tổ chức, phát triển đoàn viên, nâng cao trình độ, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ... để chủ động nắm bắt thời cơ trong tình hình mới.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cong-doan/thao-ngoi-tranh-chap-cach-nao-20220505191905275.htm