Tháo nút thắt 'có tiền mà không tiêu được'

Ngành y tế còn nhiều nơi thiếu thốn, cần đầu tư song không đáp ứng tiêu chí, tiêu chuẩn được quy định tại Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ nên không thể chuyển nguồn chi từ những dự án không giải ngân được

Tại phiên họp bất thường tháng 8-2022, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) không đồng ý với đề xuất của Chính phủ điều chỉnh 932 tỉ đồng còn dư từ nguồn ngân sách hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong lĩnh vực y tế, an sinh xã hội và lao động - việc làm sang đầu tư 3 dự án thuộc ngành giao thông.

Nhu cầu lớn nhưng vướng quy định

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Trần Quốc Phương cho biết thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ đã xây dựng, hoàn thiện các danh mục nhiệm vụ, dự án một cách chặt chẽ, kỹ lưỡng, bảo đảm tuân thủ đúng nguyên tắc, tiêu chí, đối tượng, mục tiêu.

Trong tổng số 176.000 tỉ đồng được Quốc hội cho phép phân bổ cho các nhiệm vụ, dự án, Thủ tướng đã thông báo cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để hoàn thiện thủ tục đầu tư 264 nhiệm vụ, dự án với 172.568 tỉ đồng. Với 3.432 tỉ đồng còn lại, có 932 tỉ đồng thuộc lĩnh vực y tế, an sinh xã hội và lao động - việc làm đã thông báo cho các bộ, cơ quan liên quan và địa phương nhưng các cơ quan này đề xuất trả lại. Trong đó, 802 tỉ đồng thuộc lĩnh vực y tế và 130 tỉ đồng của lĩnh vực an sinh xã hội, lao động - việc làm. Do vậy, Chính phủ đề xuất điều chuyển số vốn 932 tỉ đồng sang lĩnh vực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng để đầu tư cho 3 dự án thuộc ngành giao thông.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường đánh giá đến nay, đã qua 1/3 thời gian thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhưng Chính phủ mới trình danh mục dự án sử dụng nguồn vốn của chương trình song cũng chưa hoàn thiện, vẫn còn một phần tiếp tục chờ hoàn thiện thủ tục đầu tư, là chậm, làm giảm hiệu quả, ý nghĩa. Ủy ban này đề nghị không điều chỉnh số vốn này sang lĩnh vực khác mà dành để tiếp tục sử dụng cho các nhiệm vụ, dự án thuộc lĩnh vực y tế, an sinh xã hội, lao động - việc làm chưa được bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn hoặc bố trí vốn chưa đầy đủ.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, PGS-TS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam, kiến nghị trong trường hợp không sử dụng số tiền còn dư gồm 802 tỉ đồng của lĩnh vực y tế cho đầu tư cơ bản, Chính phủ có thể xem xét dành khoản tiền này để chi trả hỗ trợ hơn 40.000 nhân viên y tế, trong đó có 20.000 người từ Bắc vào Nam tham gia hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19. Mức hỗ trợ có thể tương đương hệ số lương cơ bản. "Qua nắm bắt thông tin từ các đơn vị, chúng tôi ghi nhận cán bộ y tế nghỉ việc hoặc bỏ bệnh viện công ra ngoài làm việc chủ yếu do nguyên nhân về tâm lý, thu nhập thấp, lương và chế độ phụ cấp chưa bảo đảm nhu cầu cuộc sống" - Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam nói.

Nhân viên y tế đang đối mặt với khó khăn trăm bề, nhiều người nghỉ việc hoặc chuyển sang làm việc ở khối tư nhân Ảnh: Ngọc Dung

Nhân viên y tế đang đối mặt với khó khăn trăm bề, nhiều người nghỉ việc hoặc chuyển sang làm việc ở khối tư nhân Ảnh: Ngọc Dung

Các bộ vướng gì?

Tại phiên họp nói trên của UBTVQH, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết Nghị quyết 43, ngành y tế được giao 14.000 tỉ đồng để đầu tư. Sau khi rà soát kỹ, có 144 dự án bảo đảm các tiêu chí, tiêu chuẩn được chi theo Nghị quyết 43 với số vốn 13.198 tỉ đồng, giảm 802 tỉ đồng so với dự kiến ban đầu.

Giải thích thêm về số vốn ngành y tế "xin chưa sử dụng", Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết thực tế, nhu cầu đầu tư cho y tế rất lớn nhưng phải bám vào các quy định tại Nghị quyết 43 để thực hiện. Bộ Y tế đã rà soát rất kỹ, họp nhiều lần, có văn bản "trao đi, đổi lại" với các địa phương. "Bộ Y tế đưa ra mốc thời gian cụ thể, đến thời hạn mà địa phương không báo cáo thì có nghĩa là không có nhu cầu. Bộ không chờ đợi vì đã chậm tiến độ" - Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.

Liên quan đến số tiền Bộ Y tế được giao mà không tiêu được, trả lời phóng viên Báo Người Lao Động, PGS-TS Nguyễn Hoàng Long, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế), cho hay nội dung đầu tư phải thực hiện đúng theo Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết 43. Thời hạn giải ngân chỉ trong năm 2022-2023. Bộ Y tế đã xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn và các điều kiện lựa chọn dự án theo đúng quy định của 2 nghị quyết, gửi các địa phương, đơn vị đề xuất nhu cầu đầu tư. Tổng chi phí các địa phương, đơn vị đề xuất đầu tư là 59.000 tỉ đồng. Bộ Y tế cũng đã thành lập tổ công tác để rà soát kỹ, chỉ lựa chọn những dự án đạt tiêu chí, tiêu chuẩn.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng thành lập Tổ công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm tổ trưởng, có sự tham gia của Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ giúp rà soát danh mục dự án thuộc lĩnh vực y tế. Theo đó, 144 dự án với tổng vốn đầu tư 13.198 tỉ đồng do Bộ Y tế đề xuất thuộc quản lý của Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và 59 tỉnh, thành phố.

"Vốn đầu tư phải thực hiện giải ngân theo Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 Chính phủ. Vì vậy, không thể chi tiêu cho các mục đích khác trong lĩnh vực y tế dù ngành y còn thiếu thốn nhiều, cần đầu tư" - ông Long giải thích.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) cho biết có nhiều lý do khiến chưa thể giải ngân nguồn kinh phí 130 tỉ đồng dùng để đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng và hiện đại hóa các cơ sở trợ giúp xã hội, đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm theo đúng quy định tại Nghị quyết 43 của Quốc hội. Chẳng hạn, sau khi rà soát lại các dự án, có dự án chưa đáp ứng được nguyên tắc, tiêu chí được quy định tại Nghị quyết 43 của Quốc hội. Trong đó, 1 dự án không đủ tiêu chí, điều kiện để đầu tư do đất của dự án chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; 1 dự án đã bố trí được nguồn vốn khác nên không có nhu cầu sử dụng.

"Nếu có cơ chế cho phép khi danh mục đầu tư dự kiến không thực hiện được thì có thể lựa chọn danh mục đầu tư khác cũng trong lĩnh vực an sinh xã hội, lao động - việc làm; hoặc dự án ở địa phương này không làm được thì chuyển cho dự án của địa phương khác miễn cùng lĩnh vực thì sẽ tiêu được tiền" - Bộ LĐ-TB-XH nêu khó khăn.

Nay UBTVQH đã đồng ý tiếp tục sử dụng số tiền 932 tỉ đồng cho các lĩnh vực y tế, an sinh xã hội, lao động việc làm nên sau khi có hướng dẫn, Bộ LĐ-TB-XH sẽ làm thủ tục chuyển vốn cho các dự án khác hoặc địa phương khác chưa được bố trí vốn trung hạn.

Bình Dương: Còn dư 35 tỉ đồng

Ngày 30-8, ông Huỳnh Minh Chính, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương, cho biết địa phương còn dư 35 tỉ đồng đăng ký danh mục đầu tư từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, có 2 dự án xây mới trạm y tế, mỗi trạm hơn 12,4 tỉ đồng và 1 dự án xây dựng kho bãi vật tư y tế của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh với diện tích sàn là 1.000 m2, quy mô hơn 10 tỉ đồng.

Tuy nhiên, qua rà soát, UBND tỉnh nhận thấy việc đầu tư kho bãi vật tư y tế của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật từ nguồn vốn của trung ương là chưa phù hợp. Do vậy, ngành y tế đã kiến nghị và UBND tỉnh thống nhất đổi danh mục đầu tư từ dự án xây dựng kho bãi vật tư y tế của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật sang dự án nâng cấp, cải tạo một số khoa lâm sàng thuộc Trung tâm Y tế TP Thuận An; tổng mức đầu tư không thay đổi.

N.Thảo

TS VŨ TIẾN LỘC, đại biểu Quốc hội:

An sinh xã hội cần ưu tiên hàng đầu

Y tế, an sinh xã hội là những lĩnh vực cần ưu tiên cấp bách trong giai đoạn hồi phục sau dịch Covid-19. Lúc này, ngành y tế đang gặp khó khăn bủa vây liên quan đến cơ chế đấu thầu thuốc và vật tư y tế, thu nhập cho nhân viên, hệ thống y tế quá tải, không đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh... Vừa rồi, chúng ta đều nghe câu chuyện đau lòng liên quan đến bệnh viện phải sử dụng dao mổ rẻ, phải rạch 3 lần mới qua lớp da, ảnh hưởng rất lớn đến chăm sóc, điều trị người bệnh.

Nguồn vốn dành cho hạ tầng giao thông cần nhiều, bao nhiêu cũng không đủ. Nhưng ngành y tế cùng các lĩnh vực khác liên quan đến an sinh xã hội cần được ưu tiên hàng đầu. Nên có cơ chế linh hoạt trong xử lý nguồn vốn dành cho ngành y tế để không còn xảy ra tình trạng cần đầu tư cấp bách nhưng không giải ngân được, khó lại chồng thêm khó. Điều này sẽ tiếp thêm động lực cho ngành y, cho nhân viên trong ngành yên tâm cống hiến.

T.Dương ghi

NGỌC DUNG - VĂN DUẨN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/thao-nut-that-co-tien-ma-khong-tieu-duoc-20220830221747581.htm