Tháo 'vòng kim cô'

Câu lạc bộ (CLB) Hoàng Anh Gia Lai vừa đưa ra một thông báo khiến giới bóng đá nước nhà giật mình:

“Nhằm thu hút các lứa cầu thủ trẻ tài năng gia nhập học viện, đồng thời tạo điều kiện cho các cầu thủ tìm kiếm cơ hội phát triển sự nghiệp, kể từ ngày 22-8-2024, học viện sẽ ký hợp đồng đào tạo đối với các học viên mới với điều khoản phục vụ cho CLB Hoàng Anh Gia Lai sau khi hoàn thành chương trình đào tạo cho đến hết năm 24 tuổi (thay vì hết năm 28 tuổi như trong hợp đồng đào tạo trước đây)”.

Câu cuối cùng của dòng thông báo khiến giới mộ điệu lập tức liên hệ ngay tới lứa “gà nòi” khóa I xuất sắc do Học viện Hoàng Anh Gia Lai đào tạo. Đó là: Công Phượng, Văn Toàn, Tuấn Anh, Xuân Trường, Hồng Duy, Văn Thanh... những tài năng hàng đầu của bóng đá Việt Nam một thời lần lượt tạm biệt đội bóng phố núi đúng ở ngưỡng 27, 28 tuổi!

Văn Toàn, một trong số những gương mặt kể trên chua chát thừa nhận một thực tế khi sang Seoul E-Land của Hàn Quốc: “Tôi nghĩ, một cầu thủ Việt Nam 26, 27 tuổi mới ra nước ngoài là khá muộn. Tôi tiếc vì điều đó. Khi sang môi trường khác, tôi nhận ra những người ở đó đã hơn tôi những gì, họ có những điều kiện tốt nhất để phát triển. Tôi cũng ước mình được sang đây khi ít tuổi hơn, chứ không phải để đến bây giờ. Đó là điều khiến tôi thấy nuối tiếc”.

Nhiều cầu thủ trẻ vẫn bị trói buộc bởi hợp đồng đào tạo trẻ.

Nhiều cầu thủ trẻ vẫn bị trói buộc bởi hợp đồng đào tạo trẻ.

Jernej Kamensek, nhà môi giới châu Âu có nhiều năm hành nghề tại V-League đưa ra quan điểm: “Các cầu thủ Việt Nam cần phải xuất ngoại sớm hơn, khi mới chỉ 17-18 tuổi. Họ cần nhiều thời gian hơn các cầu thủ trong nước nếu như muốn thật sự thích nghi và thành công ở nước ngoài. Ví dụ như trường hợp của Quang Hải, cậu ấy cần phải lập tức xuất ngoại ngay khi thi đấu thành công ở Vòng chung kết U.23 châu Á 2018. Thời điểm ấy, Quang Hải cũng đã 21 tuổi. Nhưng muộn còn hơn không”.

CLB Hoàng Anh Gia Lai không phải đội bóng duy nhất của V-League hay hạng Nhất trói buộc cầu thủ bằng hợp đồng đào tạo trẻ kéo dài đến năm 28 tuổi. Thực tế, việc ghìm chân các cầu thủ trẻ đã diễn ra ở nhiều đội bóng Việt Nam.

Hồ Thanh Minh, cầu thủ mới chuyển đến Hà Nội FC suýt chút nữa phải phá hợp đồng. Lý do là bởi bất chấp việc anh đã được thanh lý hợp đồng chuyên nghiệp với CLB Huế thì cầu thủ người Tà Ôi này vẫn còn một bản hợp đồng đào tạo trẻ đến năm 25 tuổi với Đoàn Bóng đá Huế.

Đình Bắc, cầu thủ năm nay mới 20 tuổi, không thể thực hiện chuyển nhượng theo ý mình. Giấc mơ sang Nhật Bản chơi bóng của cầu thủ người Nghệ An coi như tạm khép lại ở thời điểm hiện tại, khi hợp đồng đào tạo trẻ giữa anh và CLB Quảng Nam chỉ có thể hết hạn sau đây 5-6 năm nữa!

Hiển nhiên, định nghĩa cầu thủ trẻ trong mắt các đội bóng ở Việt Nam đã bị biến tấu. Thay vì việc cầu thủ có thể được tự quyết tương lai của mình ở giai đoạn 18 đến 23 tuổi, họ sẽ phải thực hiện các nghĩa vụ hợp đồng đào tạo trẻ khi bản thân đã trưởng thành và chuẩn bị bước sang phía bên kia sườn dốc sự nghiệp.

Cần nhấn mạnh, hợp đồng đào tạo trẻ là cần thiết. Bản giao ước đó còn là nấc thang đầu giúp những tài năng của bóng đá Việt Nam tiến tới giấc mơ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Tuy nhiên, những điều khoản vô lý đến từ CLB chủ quản hay địa phương khiến các cầu thủ mắc kẹt trong "vòng kim cô" trói buộc nghiệt ngã.

Trở lại với CLB Hoàng Anh Gia Lai, việc lấy mốc 24 tuổi để cho phép cầu thủ ký hợp đồng chuyên nghiệp cho bản thân là một điều đáng ghi nhận. Nhưng ngay cả như vậy, đội bóng phố núi vẫn chưa chuẩn. Bởi lẽ, độ tuổi dành cho những cầu thủ trưởng thành vốn dĩ ở mốc 23, khi họ đã hoàn thành xong nghĩa vụ giải trẻ và đội tuyển trẻ, từ SEA Games cho đến U.23 châu Á.

"Vòng kim cô" xem chừng đã được đội bóng phố núi nới lỏng. Song thật sự mà nói, nó vẫn chưa được tháo gỡ hoàn toàn.

Bài và ảnh: TRỊNH MỸ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/thao-vong-kim-co-791841