Tháp Bà Po Nagar thờ ai?
Từ khi cụm tháp Bà Nha Trang do người Việt tiếp quản, tháp chính được gọi là tháp Đông Bắc, để thờ Thiên Y A Na Thánh Mẫu, theo tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Tượng thờ hiện nay là tượng của tháp Chăm xưa còn lưu lại.
Ở thành phố Nha Trang (tiếng Chăm là Yjatran/Ya Tran/Ia Tran) hiện vẫn tồn tại một nhóm tháp Chăm rất nổi tiếng – nhóm tháp Po Inư Nagar/Nưgar (tiếng Sanskrit là Nagara ). Cụm tháp này hiện còn bốn tháp nhưng theo một số nhà nghiên cứu thì nhóm này đầy đủ phải là sáu tháp.
Nhóm tháp Po Nagar có niên đại từ giữa thế kỷ VIII đến thế kỷ XIII, đã trải qua nhiều lần bị đốt phá, cướp phá, phải xây dựng lại. Tháp được xây dựng đầu tiên vào thế kỷ VII, xây bằng gỗ, bị quân Java kéo sang đốt phá. Sau, tháp được xây lại bằng gạch và hoàn thành vào năm 784.
Lúc bấy giờ, vua Champa ở phía Bắc là Vikrantavarman thôn tính vùng Kauthara của các tiểu vương quốc ở phía Nam.
Để đánh dấu chiến thắng này, nhà vua cho xây dựng tháp thờ nữ thần Parvati/Bhagavati (vợ thứ hai của thần Shiva – một trong ba vị thần tối cao của Ấn Độ giáo). Vị nữ thần Ấn giáo này đã được Champa tiếp biến thành nữ thần Bhagavati Kautharesvari (Nữ thần xứ Cau – xứ Kauthara) rồi được bản địa sâu hơn bằng việc nâng cấp thành Yang Pu Nagara (Mẹ Xứ Sở).
Tháp chính, tức kalan (kalan: đền thờ chính) thờ Nữ thần Po Inư Nagar. Tháp chính có niên đại thế kỷ XI. Tháp cao khoảng 23 mét, gồm ba phần: đế tháp, thân tháp và mái tháp, thu nhỏ dần theo chiều lên, tầng trên là hình ảnh thu nhỏ của tầng dưới. Trên các tầng tháp được trang trí bằng các linh vật (như ngỗng, dê, voi), hình người (tu sĩ cầu nguyện, tiên nữ Apsara). Tháp có bốn cửa nhưng chỉ mở cửa hướng đông, ba hướng còn lại đều là cửa giả.
Bên cạnh tháp chính, về phía nam có một tháp cao khoảng 18 mét, để thờ thần Shiva. Tháp này có bộ mái là một khối cao lớn khum khum hình dạng một quả chuông úp nhưng cũng có người nhìn mái tháp có hình dáng một củ hành. Nhìn tổng thể, tháp nam có hình dạng một linga khổng lồ – biểu tượng của thần Shiva được thờ phổ biến nhất. Bên trong tháp nam cũng thờ một bộ linga-yoni.
Cùng dãy với hai tháp trên, phía ngoài cùng là một tháp nhỏ, nhỏ nhất trong 4 tháp, cao khoảng 8 mét, mái hình thuyền hay còn gọi là hình yên ngựa, niên đại khoảng thế kỷ XIII, thờ thần Sanhaka (con trai đầu của thần Shiva). Bên trong tháp cũng có thờ một linga-yoni.
Dãy sau, ngay sau lưng tháp chính, có một tháp nhỏ được xây dựng vào đầu thế kỷ IX, thờ thần Ganesa, là con trai thứ hai của thần Shiva. Thần Ganesa có hình dạng rất đặc biệt, mình người đầu voi, biểu tượng của sự thông thái, may mắn. Tháp này cao 9 mét, có mái hình yên ngựa. Độc đáo của mái tháp này ở chỗ nằm ngang, tức là theo trục bắc - nam, chứ không theo trục đông - tây như tháp nhỏ của dãy trước. Đây là tháp còn nguyên vẹn nhất trong cụm tháp. Trên ba mặt của thân tháp cũng là ba cửa giả còn giữ được các tượng điêu khắc bằng gạch nung: cửa giả phía nam là tượng Chim thần Garuda (biểu tượng của thần Visnu), cửa giả phía bắc là đầu Sư tử, cửa giả phía tây là Nữ thần Indra cưỡi voi. Bên trong tháp cũng thờ một linga-yoni.
Như vậy, trong bốn tháp của nhóm tháp Po Nagar, tất cả đều thờ ngẫu tượng linga-yoni. Cả bốn yoni trong bốn tháp đều có vòi quay/chảy về hướng bắc. Riêng tháp chính, không phải là một linga đặt trên yoni mà là nữ thần Pavarti ngồi trên yoni. Vị nữ thần Ấn Độ giáo này đã được Champa hóa thành Po Inư Nagar (Bà Mẹ Xứ Sở) sáng tạo ra muôn loài, sáng tạo ra Vương quốc Champa.
Từ năm Quý Tỵ 1653, xứ Kauthara/Kaut Hara (tức Khánh Hòa ngày nay) sáp nhập vào Đại Việt. Tháp Po Nagar, từ đó, do người Việt quản lý, thờ phượng. Tục thờ Mẫu của người Việt đã Việt hóa tục thờ Mẹ Xứ Sở của cư dân Chăm bản địa. Nói cách khác, vị Nữ thần Po Inư Nagar của người Chăm đã được Việt hóa thành Thiên Y A Na Thánh Mẫu/Thiên Y A Na Diễn Bà Chúa Ngọc/Chúa Ngọc Diễn Phi…
Từ khi cụm tháp Bà Nha Trang do người Việt tiếp quản, tháp chính được gọi là tháp Đông Bắc, để thờ Thiên Y A Na Thánh Mẫu, theo tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Tượng thờ hiện nay là tượng của tháp Chăm xưa còn lưu lại. Tuy vậy, đầu thật của tượng đã bị mất, đầu tượng thờ hiện nay đã được thay bằng ximăng, vẽ mặt màu nâu đậm, gần giống với các tượng Mẫu của đạo thờ Mẫu (nhưng có người nhận xét là giống Phật Bà Quan Âm).
Gần đây, trong tháp chính thờ Bà, trên hai ban thờ hai bên, người ta đặt thêm hai tượng nhỏ, bên tay phải Bà là Công chúa Quý, bên tay trái Bà là Hoàng tử Trí. Cả hai tượng thờ này cũng mặc y vàng, đầu đội khăn vàng, đeo các vòng tương tự như Bà.
Cạnh tháp Đông Bắc là tháp Nam để thờ Ông Nam Hải – chồng của Thánh Mẫu Thiên Y A Na. Tháp Đông Nam người Việt gọi là Dinh Cố, thờ bố mẹ nuôi của Bà Thiên Y A Na. Tháp sau lưng tháp Đông Bắc là tháp Tây Bắc, còn gọi là Dinh Cô Cậu, thờ hai người con của Bà Thiên Y A Na.
Hằng năm, từ ngày 21 đến 23 tháng Ba (Âm lịch) diễn ra Lễ hội Tháp Bà Po Nagar (còn gọi là Lễ hội Vía Bà) nhằm tôn vinh và ghi nhớ công đức Thiên Y A Na Thánh Mẫu, cũng là Yang Po Inư Nagar của dân tộc Chăm, vị nữ phúc thần được thờ chính tại cụm tháp Nha Trang.
Nguồn PLO: https://plo.vn/thap-ba-po-nagar-tho-ai-post733207.html