'Thập kỷ vàng' của tăng trưởng kinh tế Đức đã đi đến hồi kết?
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định những năm thuận lợi của kinh tế Đức đã đi qua và nền kinh tế đầu tàu châu Âu này đang chứng kiến thập kỷ vàng của tăng trưởng đi đến hồi kết.
Theo giới chức và chuyên gia kinh tế Đức, tăng trưởng của nền kinh tế đầu tàu châu Âu này ước giảm mạnh trong năm 2019, qua đó sẽ làm dấy lên cuộc tranh luận về cách Berlin sử dụng thặng dư ngân sách như thế nào để thúc đẩy tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) và các nhà kinh tế hàng đầu của nước này dự báo sau khi ghi nhận mức tăng 1,5% trong năm 2018, tăng trưởng kinh tế của Đức năm 2019 sẽ chỉ đạt khoảng 0,5%.
Nhà kinh tế Carsten Brzeski, thuộc ngân hàng ING, cho rằng những năm thuận lợi của kinh tế Đức đã đi qua, ít nhất về mặt tăng trưởng. Chuyên gia này dự đoán kinh tế Đức năm 2019 có lẽ sẽ tăng trưởng ở mức yếu nhất kể từ năm 2013.
Còn chuyên gia Holger Schmieding của ngân hàng Berenberg cũng đưa ra một nhận định tương tự rằng Đức đang chứng kiến “thập kỷ vàng” của tăng trưởng kinh tế dần đi đến hồi kết.
Các xung đột thương mại, bất ổn chính trị, đà giảm tốc của tăng trưởng toàn cầu và tốc độ thay đổi gần như chưa từng có trong ngành công nghiệp ôtô đã đè nặng lên ngành chế tạo vốn là “xương sống” của kinh tế Đức trong những năm gần đây. Song, tiêu dùng nội địa vững với tỷ lệ thất nghiệp thấp đã giúp nền kinh tế lớn nhất châu Âu thoát khỏi suy thoái.
Giới quan sát chỉ ra rằng nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu của Đức sẽ “dễ thở” hơn một chút khi năm 2020 bắt đầu. Điều này là nhờ việc Mỹ và Trung Quốc ký kết thỏa thuận thương mại "Giai đoạn 1," trong khi tiến trình Brexit trở nên rõ ràng hơn phần nào sau chiến thắng vang dội của ông Boris Johnson tại cuộc bầu cử tháng trước tại Anh.
Tuy nhiên, cơ quan xếp hạng tín nhiệm toàn cầu Moody’s mới đây cảnh báo về khả năng môi trường toàn cầu sẽ xấu đi. Và diễn biến này sẽ ảnh hưởng tới đà tăng trưởng tại các nền kinh tế thành viên Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) trong năm 2020.
Bundesbank dự báo tăng trưởng kinh tế của Đức năm nay sẽ gần như tương đương mức tăng của năm 2019 là 0,6%, trong khi các nhà kinh tế và một số nhà phân tích ngân hàng mong đợi một sự phục hồi nhẹ là khoảng 1%.
Đà tăng trưởng thấp kéo dài và vô số thách thức về mặt cấu trúc - từ dân số già hóa đến cơ sở hạ tầng lạc hậu và sự chuyển đổi của ngành công nghiệp ôtô sang ôtô điện - đã dẫn đến ngày càng nhiều lời kêu gọi hối thúc Berlin hành động mạnh mẽ hơn.
Các nhà quan sát cho rằng Đức đã “mắc kẹt” trong chính sách “không nợ mới” (còn được gọi là "số không đen").
Trong những năm gần đây, hàng tỷ euro trong thặng dư ngân sách của chính phủ đã không được triển khai hiệu quả để đạt mức tăng trưởng kinh tế tối đa.
Theo số liệu mới nhất của Bộ Tài chính Đức, thặng dư ngân sách mà nước này đạt được năm 2019 là 13,5 tỷ euro (15 tỷ USD), con số cao kỷ lục mới và vượt mức kỷ lục xác lập hồi năm 2015 là 12,1 tỷ euro.
Bộ Tài chính Đức cho hay đây là năm thứ sáu liên tiếp Đức ghi nhận cân bằng ngân sách mà không phát sinh thêm khoản nợ mới nào.
Tuy nhiên, Đảng liên minh cầm quyền của Thủ tướng Angela Merkel đang mâu thuẫn về cách thức sử dụng khoản thặng dư ngân sách kỷ lục này.
Những người theo phe bảo thủ đang kêu gọi cắt giảm thuế doanh nghiệp, còn Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz, người theo phe trung tả, lại ủng hộ việc đầu tư công.
Chuyên gia Brzeski của ngân hàng ING cho rằng, kinh tế Đức chưa thực sự cần những kích thích ngắn hạn. Thay vào đó, thặng dư ngân sách nên được sử dụng để đẩy mạnh các nỗ lực đầu tư vào các lĩnh vực như số hóa nền kinh tế, nâng cấp cơ sở hạ tầng và giáo dục.
Như một động thái đáp lại những lập luận như vậy, Chính phủ Đức ngày 14/1 cho biết sẽ “bơm” 62 tỷ euro (khoảng 69 tỷ USD) để hiện đại hóa hệ thống mạng lưới đường sắt của nước này.
Đây là một phần trong kế hoạch lớn nhằm khuyến khích người lao động lựa chọn phương tiện giao thông công cộng “xanh” hơn./.