'Thắp lửa' tình yêu sử Việt

71 năm đã trôi qua kể từ ngày Điện Biên Phủ vang vọng khúc ca chiến thắng, mở ra một chương mới cho dân tộc Việt Nam. Trong dòng chảy hối hả của xã hội hiện đại, ký ức về Điện Biên Phủ vẫn sống động, không chỉ là một trang sử hào hùng mà còn là nguồn cảm hứng bất tận, khơi dậy tình yêu lịch sử và khát vọng cống hiến trong thế hệ trẻ.

Những câu chuyện sống động

Trò chuyện với Nguyễn Hải Hà, cô nữ sinh xinh xắn đang học lớp 11G Trường THPT chuyên Quang Trung (TP. Đồng Xoài), mới cảm nhận rõ động lực khiến em theo đuổi môn học được nhiều bạn bè cho rằng “khô khan”, “khó nhớ” đó là Lịch sử. Hà từng đoạt huy chương vàng Olympic truyền thống 30/4 môn Lịch sử lớp 10; giải nhất cấp tỉnh và mới đây là giải ba cấp quốc gia. Những giải thưởng là kết quả, nhưng với Hà, việc hiểu sâu về lịch sử mang lại giá trị lớn hơn nhiều. “Việc tìm hiểu về quá khứ giúp em hiểu hơn về cội nguồn, văn hóa, truyền thống mà thế hệ trẻ chúng em đang kế thừa. Từ đó, giúp em tiếp cận đa dạng nền văn minh, văn hóa trên khắp địa cầu, tạo nền tảng vững chắc cho công cuộc hội nhập quốc tế và xây dựng cầu nối ngoại giao giữa các quốc gia” - Hải Hà chia sẻ.

Với Hải Hà, những chuyến tham quan không chỉ để “check in” mà là cơ hội để em tìm hiểu thêm nhiều kiến thức lịch sử, văn hóa của Việt Nam. Trong ảnh: Hải Hà tham quan Đại nội Huế - di tích lịch sử nổi tiếng tại thành phố Huế

Với Hải Hà, những chuyến tham quan không chỉ để “check in” mà là cơ hội để em tìm hiểu thêm nhiều kiến thức lịch sử, văn hóa của Việt Nam. Trong ảnh: Hải Hà tham quan Đại nội Huế - di tích lịch sử nổi tiếng tại thành phố Huế

Những ngày này, khi cả nước cùng hướng về kỷ niệm 71 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ thì những bài học từ trang sách càng làm em tự hào hơn về lịch sử dân tộc. Hà cho biết, chi tiết khiến em ấn tượng và ghi nhớ sâu sắc nhất khi học về Chiến thắng Điện Biên Phủ là khoảnh khắc những khẩu pháo của quân ta dồn dập tấn công vào trận địa của Pháp. Những người chiến sĩ băng qua cánh đồng Mường Thanh để tiến thẳng về Sở chỉ huy của Pháp, vẫy cờ chiến thắng trên nóc hầm của tướng De Casteries. Hình ảnh ấy đã khắc họa nên sự dũng cảm, kiên cường của bộ đội Việt Nam, cũng như cái giá phải trả của quân Pháp vì sự chủ quan, kiêu ngạo của họ. Ngay từ đầu cuộc chiến, người Pháp đã đánh giá sai sức mạnh của dân tộc Việt Nam, một sức mạnh được hun đúc bằng những giá trị văn hóa, văn hiến hàng ngàn năm, cùng niềm tự hào về những chiến công trong lịch sử chống giặc ngoại xâm. Bởi vậy, quân Pháp không phải chiến đấu với một đội quân, mà họ đang chiến đấu với một dân tộc quyết tâm bảo vệ nền độc lập bằng tất cả sức lực của mình, và điều đó đã góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954”.

Còn với cô học trò Nguyễn Thị Kim Liên, học sinh lớp 9/1 Trường THCS Tân Xuân, TP. Đồng Xoài, vừa xuất sắc giành giải nhì môn Lịch sử học sinh giỏi cấp tỉnh, việc em “hô biến” môn này trở nên dễ dàng hơn là nhờ phương pháp học hệ thống, chứ không chỉ dựa vào trí nhớ. Kim Liên cho biết, con đường đến với môn Lịch sử của em không hề dễ dàng, đặc biệt là trong bối cảnh xã hội hiện nay, khi mà nhiều bạn bè xung quanh quan tâm đến những môn học mang tính thực tiễn cao hơn.

Kim Liên tâm sự: “Em bắt đầu “bén duyên” với môn Lịch sử từ năm lớp 7 và kỳ thi vừa qua là lần thứ 6 em đồng hành với môn học này. Trước đây em từng có suy nghĩ Lịch sử là môn học khô khan, chỉ toàn những con số và sự kiện khó nhớ. Nhưng khi bắt đầu tìm hiểu sâu hơn, em nhận ra rằng: Nếu chỉ học thuộc lòng để thi thì sẽ chẳng bao giờ thấy được cái hay, cái “chất” của môn Lịch sử. Lịch sử không chỉ là những con số, mốc thời gian khô khan, mà là một mạng lưới phức tạp của những cuộc chiến, sự kiện, những diễn giải đa chiều và những bài học sâu sắc cả cho hiện tại”.

Khi có đam mê với môn học “ít người chọn” này thì với Hải Hà, Kim Liên…, lịch sử là những câu chuyện sống động về con người, khắc họa nên cả những vinh quang lẫn mất mát, đau thương của đất nước cùng những giá trị văn hóa được hun đúc qua bao thế hệ. Các em có thể say sưa kể về những trận đánh oanh liệt, những tấm gương hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sĩ, những câu chuyện cảm động về tình người trong chiến tranh… Với các em, hiểu lịch sử của đất nước không chỉ để nắm bắt những cái đã qua mà còn để tự tin hướng về phía trước. Bởi như Đại văn hào người Pháp Victor Hugo từng khẳng định: “Lịch sử là tiếng vọng của quá khứ trong tương lai và là ánh phản chiếu của tương lai trên quá khứ”.

Truyền lửa đam mê

Là người khơi gợi tình yêu lịch sử cho nhiều thế hệ học trò, trong đó có em Hải Hà là Nhà giáo Ưu tú Phạm Lê Trang Đài, Trường THPT chuyên Quang Trung. Nhắc về người cô đáng kính của mình, Hải Hà chia sẻ: “Học cùng cô, em cảm nhận cô là một giáo viên đầy tâm huyết. Không chỉ dành nhiều thời gian, công sức ôn luyện các đội tuyển quốc gia từ những ngày đầu thành lập, mà dù sắp nghỉ hưu nhưng cô không lúc nào ngừng nghỉ. Trên hành trình chinh phục kết quả các cuộc thi học sinh giỏi môn Lịch sử, cô Đài chính là người củng cố, giúp khả năng lập luận của em trở nên sắc bén hơn. Nhờ những bài kiểm tra hằng tuần và chấm chỉnh chi tiết của cô, em và nhiều bạn khác đã “viết dần lên tay”. Đây cũng chính là yếu tố quan trọng giúp chúng em đạt được những thành tích đáng tự hào".

Nhà giáo ưu tú Phạm Lê Trang Đài tham dự lễ tuyên dương học sinh, sinh viên, trí thức, nhà sáng tạo tiêu biểu, các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực năm 2024 tại Đền Hùng, huyện Phú Riềng

Nhà giáo ưu tú Phạm Lê Trang Đài tham dự lễ tuyên dương học sinh, sinh viên, trí thức, nhà sáng tạo tiêu biểu, các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực năm 2024 tại Đền Hùng, huyện Phú Riềng

Rất nhiều học sinh, nhất là các em trong đội tuyển học sinh giỏi môn Lịch sử yêu quý cô, bởi sự tận tình của cô dành cho học sinh trong những buổi ôn thi. Giai đoạn quan trọng đó bất kể ngày đêm, thậm chí sức khỏe không tốt, nhưng lúc nào cô Đài cũng bên cạnh học sinh, cùng các em soạn tài liệu và phân tích “hướng đi” phù hợp, thậm chí cập nhật tin tức mới cho đến tận khuya. Vì vậy, với học sinh, cô Đài không là một giáo viên mà còn là người truyền lửa, chỗ dựa tinh thần vững chắc để học sinh tự tin tham gia các cuộc thi.

Cô Phạm Lê Trang Đài cùng đội tuyển học sinh giỏi môn Lịch sử trong buổi khen thưởng thành tích kỳ thi Olympic 30-4 tại Trường THPT chuyên Quang Trung

Cô Phạm Lê Trang Đài cùng đội tuyển học sinh giỏi môn Lịch sử trong buổi khen thưởng thành tích kỳ thi Olympic 30-4 tại Trường THPT chuyên Quang Trung

Khi dạy về Chiến thắng Điện Biên Phủ, cô Đài cho biết, để giúp học sinh “sống” cùng lịch sử, cảm nhận được hào khí của chiến thắng, cô đã kết hợp nhiều phương pháp giảng dạy như sử dụng hình ảnh, video, âm thanh sống động để tái hiện không khí hào hùng của chiến dịch giúp học sinh dễ hình dung, khơi gợi cảm xúc mạnh mẽ cho người dạy, người học; sưu tập và kể những câu chuyện về con người cụ thể, những sự kiện đặc biệt trong chiến dịch, biến lịch sử trở nên gần gũi, sinh động và dễ đi vào lòng người hơn. Ngoài ra, cô còn khuyến khích học sinh bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ của mình về Chiến dịch Điện Biên Phủ. Những câu hỏi gợi mở, hoạt động thảo luận giúp khơi dậy sự đồng cảm và kết nối giữa thầy và trò, giữa học sinh với lịch sử…

Đối với cô, các sự kiện lịch sử quan trọng nói chung, Chiến thắng Điện Biên Phủ nói riêng là nguồn cảm hứng bất tận giúp cô khơi dậy tình yêu lịch sử và khát vọng cống hiến trong thế hệ trẻ. Nhất là trong xã hội hiện đại, khi thế giới đang thay đổi nhanh chóng, việc hiểu rõ về lịch sử, về cội nguồn của dân tộc càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Việc cùng nhau thắp lửa yêu sử Việt trong thế hệ trẻ chính là góp phần quan trọng để các em hiểu rõ hơn về quá khứ hào hùng của dân tộc, tự hào về truyền thống vẻ vang của ông cha. Qua đó các em có thêm động lực để xây dựng tương lai tươi sáng hơn cho đất nước.

Nhà giáo Ưu tú Phạm Lê Trang Đài

Phương Dung

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/172436/thap-lua-tinh-yeu-su-viet