Thắp lửa trên non, kỳ 2: Sáng tạo trong gian khó

Phát triển đảng viên, đặc biệt là đảng viên người dân tộc thiểu số (DTTS) ở miền núi, vùng cao luôn được cấp ủy Đảng các cấp của tỉnh quan tâm. Dù vậy, tại nhiều địa phương vẫn đang gặp không ít khó khăn khi thiếu nguồn. Đi tìm lời giải cho bài toán hóc bùa này rất cần sự nỗ lực từ cơ sở.

Đồng chí Lý Văn Mùa (bên phải), Bí thư Chi bộ xóm Lũng Cà, xã Thượng Nung (Võ Nhai) thường xuyên tranh thủ ý kiến của những đảng viên lớn tuổi, có nhiều kinh nghiệm để thực hiện tốt nhiệm vụ chỉ đạo, điều hành ở xóm.

Đồng chí Lý Văn Mùa (bên phải), Bí thư Chi bộ xóm Lũng Cà, xã Thượng Nung (Võ Nhai) thường xuyên tranh thủ ý kiến của những đảng viên lớn tuổi, có nhiều kinh nghiệm để thực hiện tốt nhiệm vụ chỉ đạo, điều hành ở xóm.

Từ khó khăn về lượng

Trong những năm qua, phát triển đảng viên đã có những chuyển biến tích cực trong việc củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của chi bộ thôn, xóm tại địa bàn các xã miền núi, vùng cao, vùng DTTS của tỉnh. Nhiều đảng viên mới kết nạp được giao nhiệm vụ tham gia quản lý hoạt động công tác Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân… đã phát huy năng lực và có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển của địa phương. Đảng viên Trần Thị Luyện, dân tộc Tày, sinh năm 1987, Chi bộ xóm La Đồng, xã La Hiên (Võ Nhai) vừa được kết nạp vào Đảng đầu năm nay chia sẻ: Tôi rất hạnh phúc khi là người con thứ 2 trong gia đình đứng trong hàng ngũ của Đảng. Được phân công tham gia quản lý hoạt động của Hội Phụ nữ, tôi tự hứa sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần đưa hoạt động của Chi hội ngày một đi lên…

Rõ ràng, phát triển đảng viên vùng khó là để góp phần củng cố, xây dựng, nâng cao sức chiến đấu, năng lực lãnh đạo của Đảng và trẻ hóa đội ngũ cán bộ. Tuy nhiên, dù được quan tâm nhưng công tác phát triển đảng trên địa bản tỉnh nói chung, tại các địa bàn miền núi, vùng cao, vùng DTTS nói riêng vẫn đang gặp không ít khó khăn. Ông Nông Đình Điệp, Phó Bí thư Thường trực xã Minh Tiến (Đại Từ) cho hay: Phần lớn hộ dân sinh sống trên địa bàn xã là người DTTS như Tày, Nùng… Đời sống của của bà con còn nhiều khó khăn, lớp trẻ đi làm ăn xa quê nên nguồn phát triển đảng của các chi bộ gặp rất nhiều khó khăn.

Cũng nằm trong tình trạng này, xã La Hiên (Võ Nhai) luôn phải cố gắng hoàn thành chỉ tiêu phát triển đảng viên hằng năm. Dù 4 năm trở lại đây, số đảng viên mới của Đảng bộ xã đều tăng theo từng năm (năm 2020 là 10, năm 2021 có 11 đảng viên, 2022 là 13 và năm 2023 là 17). Trong 6 tháng đầu năm nay, Đảng bộ mới kết nạp được 3 đảng viên; còn 11 quần chúng đã hoàn thiện hồ sơ và sẽ tiến hành kết nạp trong thời gian tới nhưng vẫn chưa đủ chỉ tiêu giao là 16 đảng viên mới. Thậm chí, có chi bộ, 2 đến 3 năm chưa kết nạp được đảng viên mới.

Trong khi nguồn kết nạp đảng vẫn rất khó khăn thì thật “tréo ngoe” là nhiều quần chúng ưu tú, tham gia tích cực các hoạt động ở địa phương, có mong muốn được đứng trong hàng ngũ của Đảng lại không đáp ứng được tiêu chí theo quy định. Bí thư Đảng bộ xã La Hiên Vũ Thị Bích Liên nói: Chúng tôi cảm thấy rất đáng tiếc khi có quần chúng ưu tú, trong đó có cả quần chúng người dân tộc Mông đáp ứng đủ các tiêu chí như trình độ văn hóa, lòng nhiệt huyết… nhưng lại từng tảo hôn hoặc vi phạm chính sách dân số.

Từ thực tế trên cho thấy, phát triển đảng viên ở vùng khó ở Thái Nguyên đang đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi cấp ủy các cấp phải có những giải pháp phù hợp với thực tiễn cuộc sống.

Đến sự linh hoạt trong vận dụng

Tăng cả chất và lượng là định hướng bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển đảng viên ở các địa bàn vùng khó của tỉnh. Trong đó, các địa phương chú trọng tìm nguồn kế cận để đào tạo, bồi dưỡng, dần thay thế những người đảm nhiệm các chức danh ở xóm, bản đã tuổi cao, năng lực hạn chế. Đồng chí Hoàng Xuân Trường, Bí thư Đảng ủy xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) - nơi có đông đồng bào DTTS sinh sống, nhất là đồng bào dân tộc Mông cho biết: Chúng tôi ưu tiên những quần chúng tâm huyết, có phẩm chất đạo đức, uy tín trong cộng đồng, những thanh niên ưu tú tích cực tham gia các hoạt động phong trào, có trình độ để tiếp nhận, chuyển tải hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến bà con.

Cũng với cách làm linh hoạt này, từ đầu năm 2024 đến nay, 4 xã có đông đồng bào DTTS sinh sống của huyện Võ Nhai là Cúc Đường, Sảng Mộc, Vũ Chấn, Nghinh Tường đã kết nạp được 13 đảng viên đều là người DTTS. Chất lượng các đảng viên mới được nâng lên khi nhiều người đã tốt nghiệp THPT, có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên…

Ngoài ra, để tạo nguồn phát triển Đảng, đảng ủy các xã vùng khó đã xây dựng kế hoạch, ban hành nghị quyết chuyên đề, giao chỉ tiêu cho từng chi bộ triển khai theo lộ trình, không chạy theo số lượng. Theo đồng chí Hà Mạnh Cương, Bí thư Đảng ủy xã Thượng Nung (Võ Nhai): Việc tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, tạo cơ hội; phân công đảng viên theo dõi, giúp đỡ, cử đi học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng đối với các quần chúng ưu tú được chúng tôi tiến hành thường xuyên, bài bản.

Theo đó, các chi bộ ở Thượng Nung vận động cả những quần chúng 6X “đời cuối” và 7X vào Đảng. Đồng chí Hà Mạnh Cương cho biết thêm: Chúng tôi bày tỏ mong muốn các bác có uy tín, còn sức khỏe thì hãy cùng cống hiến. Đồng thời, phân tích rằng trở thành đảng viên, các bác sớm nắm bắt được đường lối, chính sách, chỉ đạo của cấp trên, được dân chủ bàn bạc, quyết sách những vấn đề lớn ở xóm… “Nói phải củ cải cũng nghe” nên hằng năm, Đảng bộ xã đều hoàn thành chỉ tiêu kết nạp đảng viên mới. Hầu hết đối tượng kết nạp đều là người DTTS. Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, Đảng bộ đã tiến hành kết nạp được gần 20 đảng viên.

Có thể thấy, nhờ giải quyết tốt vấn đề nhận thức, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong đồng bào DTTS của các cấp ủy Đảng ở miền núi, vùng cao đã giúp cho công tác phát triển đảng vơi bớt khó khăn. Đáng nói, ở những địa bàn có yếu tố đặc thù, công tác phát triển đảng có sự ứng biến linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế. Đồng chí Hà Thị Bích Hồng, Bí thư huyện ủy Võ Nhai thông tin: Là địa bàn vùng cao duy nhất của tỉnh, công tác phát triển đảng viên ở vùng DTTS của huyện gặp không ít khó khăn. Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi tập trung vào các nguồn chính như giáo viên tại các điểm trường; trưởng các hội, đoàn thể cấp xóm, bản; lực lượng đoàn viên thanh niên ở địa phương, trường THPT... Đồng thời, tập trung nâng cao chất lượng đảng viên ở vùng sâu, xa bằng cách phân công đảng viên đang công tác ở các xã về tham gia sinh hoạt ở chi bộ còn nhiều khó khăn, có tính đặc thù. Những đồng chí đảng viên này chính là nhân tố, nòng cốt để tuyên truyền, định hướng và thực hiện công tác Đảng ở cơ sở.

Từ thực tế cho thấy, việc gỡ khó cho công tác quy hoạch, bồi dưỡng nguồn phát triển đảng viên cho vùng khó cũng phải phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương. Bên cạnh đó, việc tăng cường lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với công tác xây dựng các đoàn thể quần chúng vững mạnh toàn diện rất cần được các xã miền núi, vùng cao quan tâm.

Ông Hoàng Phong, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh nhận định: Thực hiện tốt các chính sách dân tộc, triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đang mở ra nhiều cơ hội cho vùng khó phát triển. Trong đó, việc phát triển ngành, nghề; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, giáo dục, y tế; hỗ trợ phát triển sản xuất… sẽ góp phần nâng cao đời sống cho đồng bào, để lớp trẻ yên tâm bám trụ làm giàu trên mảnh đất quê hương. Đây chính là điều kiện thuận lợi để có nguồn xem xét, bồi dưỡng, kết nạp đảng viên ở các địa bàn còn nhiều khó khăn…

Huệ Dinh

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/chinh-tri/202408/thap-lua-tren-non-ky-2-sang-tao-trong-gian-kho-cd80599/