Thắp lửa yêu thương
Giữa Tây Nguyên đại ngàn, Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh cùng lãnh đạo chính quyền, các linh mục, tu sĩ và bà con giáo dân trên địa bàn huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk đã thắp lên một ngọn lửa. Lửa của yêu thương bập bùng, ấm áp nối những bàn tay nắm lấy bàn tay, không phân biệt tôn giáo, dân tộc trong vòng xoang rộn ràng, hòa cảm - như một bức tranh sinh động của tình đoàn kết, nghĩa đồng bào ở một vùng đất gian khó đang chuyển mình vươn lên.
Năm 2019 huyện Lăk nằm trong danh sách 74 huyện nghèo của cả nước, và xếp cuối cùng trong 15 huyện của tỉnh Đắk Lắk. Đây là địa phương có tới hơn 63% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, trình độ dân trí không đồng đều. Dù có có diện tích tự nhiên rất rộng 1.256km2, nhưng diện tích đất sản xuất chỉ khoảng 15%. Thiếu đất sản xuất, chưa kể địa hình chia cắt đồi núi, đất đai bạc màu làm cho năng suất, sản lượng, chất lượng kém, đời sống của bà con gặp nhiều khó khăn so với địa bàn khác.
Nhưng chỉ 3 năm sau, Quyết định số 353/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho thấy Đắk Lắk chỉ có 2 huyện nghèo là Ea Súp và M’Drắk. Như vậy, theo quyết định này, từ năm 2022 huyện Lắk không nằm trong danh sách 74 huyện nghèo (giai đoạn 2021 – 2025) của cả nước.
Xuất phát điểm thấp so với cả nước, lại nằm “ở cuối bảng xếp hạng” của tỉnh, làm thế nào huyện Lắk lại chuyển mình một cách ngoạn mục vươn lên, thoát khỏi diện huyện nghèo? Trả lời cho câu hỏi này, Tỉnh ủy viên, Bí thư huyện ủy Võ Ngọc Tuyên, trong cuộc gặp gỡ với Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh đã khẳng định: “Đoàn kết là sức mạnh”.
Đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo. Tinh thần đoàn kết vừa là sức mạnh vừa là động lực để Ban Thường vụ huyện ủy Lắk ban hành những quyết sách lấy dân làm gốc, dân là chủ thể thực hiện như Nghị quyết số 02-NQ/HU về tập trung huy động các nguồn lực xây dựng và phát triển huyện Lắk trở thành khu du lịch trọng điểm của tỉnh vào năm 2030; Nghị quyết số 05-NQ/HU về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi giai đoạn 2021 - 2025.
Các nghị quyết được ban hành với mục đích cuối cùng là chăm lo đời sống cho nhân dân để không ai bị bỏ lại phía sau. Nhờ đó, Lắk đã bước ra khỏi danh sách 74 huyện nghèo của cả nước và cũng nhờ vậy Lắk đã vươn lên đứng thứ 11/15 huyện trong “bảng xếp hạng” của tỉnh Đắk Lắk. Đây vừa là kết quả, vừa là động lực để cán bộ và nhân dân các dân tộc, tôn giáo trên địa bàn tiếp tục nỗ lực xây dựng quê hương giàu đẹp.
Trong cuộc gặp gỡ thân tình với Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh, ông Võ Ngọc Tuyên đã dành nhiều tình cảm để nói lời tri ân đến đồng bào các dân tộc, tôn giáo, trong đó có đồng bào Công giáo, đã có những đóng góp quan trọng để huyện Lắk đạt được thành quả như ngày hôm nay.
Điều mà người đứng đầu huyện ủy Lắk nhắc đến nhiều là sự gắn bó chân thành, hợp tác, chia sẻ của các vị chức sắc tôn giáo, như việc “Tôi thường ăn cơm với cha Thế, 2 tuần không gặp là thấy thiếu thiếu”; rồi có một điều đặc biệt đáng quý là “tất cả các vị chức sắc tôn giáo ở đây đều thuộc lòng Nghị quyết 05 để tuyên truyền tới đồng bào có đạo”. Có như thế chủ trương mới đi vào cuộc sống và con đường đến đích sẽ nhanh hơn, thành công hơn.
“
Tất cả các vị chức sắc tôn giáo ở đây đều thuộc lòng Nghị quyết 05 để tuyên truyền tới đồng bào có đạo
Bí thư huyện ủy Lắk Võ Ngọc Tuyên
Chúng tôi tìm gặp cha Thế - Linh mục Gioan Baotixita Trịnh Đình Thế - linh mục quản nhiệm Giáo họ Lạc Thiện, Giáo xứ Giang Sơn, Giáo phận Ban Mê Thuột, người được Bí thư huyện ủy Võ Ngọc Tuyên nhắc đến nhiều lần với sự chân tình, thân ái. 11 năm gắn bó với mảnh đất này, Linh mục Trịnh Đình Thế bảo rằng, mỗi ngày trôi qua là một ngày vui, nhất là khi ông khuyên bảo, hướng dẫn đồng bào sống sao cho đúng, ví dụ tham gia giao thông thì phải học luật, thi bằng lái; vào bệnh viện nên có thẻ bảo hiểm y tế; hủ tục thì phải bỏ; muốn thoát nghèo phải chăm chỉ làm ăn...
Thân thương, gần gụi là vậy nên chỉ cần 1 tuần ông không vào thăm buôn, từ trẻ tới già lại rối rít gọi điện hỏi thăm vì tưởng “cha đau ốm”. Sự quan tâm mộc mạc chân thành của đồng bào dành cho vị chủ chăn nói lên những yêu thương ở chiều ngược lại khi mà Linh mục Trịnh Đình Thế đã âm thầm bền bỉ, bằng sức lực và trái tim, lan tỏa tình yêu Thiên Chúa trên mảnh đất này.
Giáo hội Công giáo luôn giữ những nguyên tắc căn bản dựa trên tình yêu dành cho Thiên Chúa và cho con người. “Ta yêu Chúa vì Chúa yêu ta. Ta yêu người như Chúa yêu ta”. Hãy cứ tốt lành, tử tế với mọi người vì một lẽ mọi người được Thiên Chúa tạo dựng và yêu thương. Với Linh mục Trịnh Đình Thế, sứ mệnh đó luôn được ông thực hành qua những bài giảng trên Thánh đường và hành động trong đời sống.
Ông bảo, lúc nào cũng phải dự trữ mấy cái hòm (quan tài- PV) để khi bà con nghèo khó có người thân qua đời, cần thì đến lấy. “Ai nghèo thì cho. Chẳng bao giờ phân biệt tôn giáo, dân tộc, có đạo hay không có đạo”, cha Thế chia sẻ và cho rằng khi vào nhà thờ ông là linh mục nhưng ra ngoài xã hội, gặp các vị bên chính quyền, linh mục lại là anh em. Từ sự hiệp thông chia sẻ của những người anh em như thế đã giúp ông thêm động lực để làm nhiều việc ý nghĩa cho cả hai phía đạo - đời.
“
Khi vào nhà thờ tôi là linh mục nhưng ra ngoài xã hội, gặp các vị bên chính quyền, linh mục lại là anh em
Linh mục Trịnh Đình Thế
Nhìn ra khuôn viên khang trang của Nhà thờ Giáo họ Lạc Thiện được xây dựng từ năm 2019, cha Thế xúc động nhớ lại những ngày “chân ướt chân ráo” đến nơi này nếu như không có đồng bào cưu mang và chính quyền hỗ trợ, con đường loan báo Tin Mừng của một linh mục như ông không thể có ngày hôm nay. Và ngay cả khi có nhà thờ, nhưng do địa bàn rộng, mỗi lần bà con đi lễ rất vất vả, ông lại được chính quyền hỗ trợ, tạo điều kiện thành lập các điểm nhóm sinh hoạt.
“Chủ nhật hàng tuần, chúng tôi thay nhau đi tới các điểm nhóm làm lễ cho bà con. Mình vất vả một chút nhưng đổi lại hàng trăm người vui, thế là bao mệt nhọc tan biến”, cha Thế cười tươi chia sẻ. Và chúng tôi hiểu rằng, đằng sau nụ cười hồn hậu ấy, sâu thẳm trong tâm can ông, vùng đất này đã không chỉ còn là nhiệm sở để thực hiện sứ vụ mà đã là nhà, là quê hương.
Quê hương là nơi chân ta có thể rời đi nhưng tim ta lại luôn hướng về. Với linh mục Phêrô Nguyễn Văn Phương, Quản xứ Hòa Nam, Dòng tu Đa Minh, mảnh đất này cũng đã trở thành một nơi chốn đi về như thế. Gắn bó với Lắk từ nhiều năm trước, từ lúc bàn tay ông vun trồng những mầm cây bé xíu nay đã vươn thành những vạt rừng xanh tươi.
Đó là những tháng ngày nhiệt thành đi đến với từng gia đình trong những bản làng xa xôi để nâng đỡ đời sống thực hành đức tin. Đó cũng là những tháng ngày trăn trở sứ vụ giáo dục con người, tìm nguồn hỗ trợ, nâng đỡ đời sống vật chất cho người dân, nhất là trẻ em nghèo hiếu học.
Năm 2009 khi cha Phương đến Lắk, nơi này mới có khoảng 2000 giáo dân bây giờ con số đã gấp 5 lần, khoảng 10.000 giáo dân. Sự phát triển của Giáo họ là một minh chứng sinh động cho chính sách của Đảng và Nhà nước ta về tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Trong sứ vụ truyền giáo đó là một chứng nhân tốt lành nhưng điều cha Phương luôn trăn trở, hướng tới, đó là “truyền giáo không chỉ làm cho người ta biết đến Chúa mà còn phải làm thăng tiến xã hội con người”. Cho nên ông luôn khao khát được dấn thân trong những sứ vụ vì sự thăng tiến của con người, vì hạnh phúc, ấm no của đồng bào.
“
Truyền giáo không chỉ làm cho người ta biết đến Chúa mà còn phải làm thăng tiến xã hội con người
Linh mục Nguyễn Văn Phương
Đa Minh là một dòng tu lớn của Giáo hội Công giáo hoàn vũ. Ở Giáo phận Ban Mê Thuột, các linh mục, tu sĩ dòng Đa Minh đã có nhiều cống hiến cho Giáo hội và xã hội thông qua những việc làm bác ái, hiệp thông xây dựng cùng chính quyền. Với tinh thần dấn thân phục vụ, các linh mục, tu sĩ đã truyền cảm hứng, thực sự làm chứng cho Tin Mừng yêu thương giữa lòng dân tộc trong mọi lĩnh vực trên vùng đất Tây Nguyên.
Không chỉ là mái nhà của miền Trung khi có chức năng phòng hộ rất lớn, Tây Nguyên còn được xem là nóc nhà của Đông Dương. Làm gì, sống như thế nào trên nóc nhà lừng lững này luôn là nỗi trăn trở không chỉ vì Tây Nguyên, vì sự phát triển bền vững của Tây Nguyên mà còn vì sự phát triển bền vững của đất nước.
Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh- người được Giáo hoàng Giáo hội Công giáo hoàn vũ phong tước phẩm vì những cống hiến cho Giáo hội và xã hội - rất nặng lòng với Tây Nguyên. Ông cho rằng, trong chiều dài lịch sử, dù còn nhiều khó khăn nhưng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã và đang có đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước.
“
Đồng bào dân tộc tại các tỉnh Tây Nguyên vẫn luôn là nền tảng văn hóa, lịch sử quan trọng để giữ gìn, phát triển kinh tế, xã hội trên mảnh đất hết sức thiêng liêng này.
Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh
Vì thế, điều đầu tiên mà Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh luôn mong mỏi, gửi gắm các linh mục, tu sĩ khi đến thực hiện sứ vụ tại Tây Nguyên nói chung hay huyện Lắk nói riêng, trước hết phải xem mình là một công dân của nơi này trên tinh thần đồng hành và cộng tác.
Đây chính là tinh thần mà Giáo hoàng Giáo hội Công giáo hoàn vũ Phanxico đã nhấn mạnh trong Thư gửi Cộng đoàn Công giáo Việt Nam nhân sự kiện Việt Nam và Tòa Thánh Vatican đã công bố và thông qua Quy chế Văn phòng đại diện thường trú tại Việt Nam. Đức Giáo hoàng Phanxico đã nhắn nhủ tới đồng bào Công giáo Việt Nam rằng, dấu ấn cuộc sống của người Công giáo ở trong thế gian là ưu tiên thực thi bác ái, bằng cách sống Phúc âm giữa lòng dân tộc và đồng hành với dân tộc.
Trong khởi đầu mới đầy hy vọng, dưới sự gắn kết của Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh, các linh mục, tu sĩ dòng Đa Minh đã có cuộc gặp gỡ chân tình với lãnh đạo chính quyền huyện Lắk. Cuộc gặp gỡ đánh dấu một bước tiến quan trọng trong tiến trình để các linh mục, tu sĩ Dòng Đa Minh tham gia chính thức cùng với chính quyền địa phương - thi hành sứ vụ mà Giáo hội và Dòng Đa Minh đã giao phó- vì hạnh phúc, ấm no của đồng bào.
Có lẽ không một quốc gia nào trên thế giới có sự tích nguồn gốc “đồng bào” như ở Việt Nam. Với người Việt, đồng bào là những người có cùng nguồn gốc từ bọc trứng của mẹ Âu Cơ, năm xưa chia nhau lên rừng xuống biển, sinh sống và giữ gìn non sông gấm vóc ở khắp mọi miền Tổ quốc.
Thư chung năm 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam đã khẳng định đường hướng – một nếp sống đạo của người Công giáo Việt Nam là: “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”.
Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh đã mang sứ mệnh ấy để dựng xây ước mong của mình. Đó là sự hài hòa giữa tôn giáo và chính quyền để chăm lo cho đồng bào. Nhưng để có được điều đó, cần có những đối thoại để thông cảm và cộng tác trong các lĩnh vực xã hội. Trách nhiệm của tôn giáo là phục vụ con người về tâm linh nhưng không quên nghĩa vụ và trách nhiệm cổ vũ tín hữu xây dựng đời sống thường nhật trong trần thế.
“
Sự cộng tác tích cực giữa đạo và đời chắc chắn sẽ đem lại thịnh vượng và thái bình cho quốc gia.
Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh
Còn nhớ buổi hôm ấy, sau những đối thoại chân tình, Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh cùng lãnh đạo huyện ủy, UBND, UBMTTQ huyện Lắk, các vị linh mục, tu sĩ và những người bạn đồng hành đã tham gia Lễ hội mừng mùa với bà con đồng bào dân tộc tại buôn Lê, một buôn nhỏ nằm bên hồ Lắk. Ngọn lửa được thắp lên sáng rực giữa đêm rừng. Lửa của rừng thiêng liêng ấm áp. Lửa sáng đến đâu, âm thanh cồng chiêng vây quanh bập bùng đến đó. Những bàn tay nắm lấy bàn tay, không phân biệt tôn giáo, dân tộc tạo thành một vòng xoang rộn ràng, yêu thương.
Cùng tham gia với Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh có những người bạn đồng hành đặc biệt trên con đường thiện nguyện. Đó là ông Đặng Văn Thanh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Việt Phú An; ông Trần Thiện, Chủ tịch Cảng quốc tế Long Sơn; ông Võ Nguyễn Như Nguyện, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vạn Phát Hưng; bà Võ Thanh Thủy, ông Nguyễn Văn Hiệu...Tại huyện Lắk, đoàn đã trao 100 suất quà cho các hộ gia đình khó khăn ở buôn Lê; trao 100 suất quà cho các gia đình nghèo ở Giáo họ Lạc Thiện. Nhân dịp này, Đoàn cũng đã tới chào thăm Ban Tôn giáo tỉnh Đắk Lắk; Phòng PA02, Công an tỉnh Đắk Lắk.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/thap-lua-yeu-thuong-10267269.html