Thắp nẻo xuân vui

Xuân về, đồi núi trải dài trong màu cỏ non êm mượt. Những tia nắng dịu dàng lang thang khắp những con suối mát lành và triền bazan đất đỏ. Náu mình trong cái nắng, cái gió đại ngàn hòa khúc hoan ca vui mùa xuân mới. Kìa nhịp tim xuân đang lẫn vào tiếng cồng chiêng bập bùng, vào men rượu cần huyền thoại, để ngời lên trong hòa sắc Tây Nguyên ân tình mà sâu lắng, ảo huyền.

1. Tháng Giêng, hơi khói mờ sương thung lũng xa. Thông xanh nắng vàng thơm mật ngọt. Không gian, thời gian, văn hóa Tây Nguyên nối biển lên non. Vùng sơn nguyên-cao nguyên đất đỏ, nếp sống nương rẫy, văn hóa rừng… xanh sức sống nguyên xuân. Bao bọc xung quanh thế giới thực, một thế giới huyền ảo niềm tin. Rừng nguyên sinh bao người tử tế. Bao cung bậc hài hòa đều sinh ra từ bí ẩn của tự nhiên. Con người là muối, là hoa của đất.

Loại hình tự sự trường thiên-diễn xướng trong sinh hoạt cộng đồng làm nên hiện tượng văn hóa nổi bật và đặc trưng nhất Tây Nguyên xanh xuân hòa hợp. Màu sắc văn hóa Tây Nguyên qua những chi tiết nghệ thuật, không gian nghệ thuật, ngôn ngữ kể chuyện. Ngôi nhà sàn như niềm kiêu hãnh, trung tâm văn hóa buôn làng. Không gian nghệ thuật đậm màu sắc văn hóa Tây Nguyên với bao lễ hội, ăn mừng chiến thắng, cảm tạ thần linh, cầu bình an sức khỏe cho cá nhân và cả cộng đồng rộn ràng cồng chiêng, sống động hơi thở đại ngàn. Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, niềm tự hào các dân tộc đại ngàn.

Hỏi rằng vui Tết ở đâu. Cười rằng mình thoáng tận đâu xanh ngàn. Những gì còn ở trên đời đều tưng bừng nở trong lời cỏ hoa. Gót chân trần bay không gian phóng nhiệm. Nẻo đường xuân nghe ra bao sắc thái. Gia Lai, đầu nguồn bao sông suối. Ghềnh thác, đèo rừng nguyên sinh cảnh quan hùng vĩ, thơ mộng, hoang sơ. Mắt Biển Hồ-hạt ngọc Tây Nguyên. Thác nước đẹp… quanh mình là núi rừng, vách đá. Thác Phú Cường hùng vĩ nằm trên dòng chảy suối Ia Pết chảy ra sông Ayun về biển cả… mai hóa tóc mây xanh.

Xuân về, đồi núi trải dài trong màu cỏ non êm mượt. Những tia nắng dịu dàng lang thang khắp những con suối mát lành và triền bazan đất đỏ. Náu mình trong cái nắng, cái gió đại ngàn hòa khúc hoan ca vui mùa xuân mới. Kìa nhịp tim xuân đang lẫn vào tiếng cồng chiêng bập bùng, vào men rượu cần huyền thoại, để ngời lên trong hòa sắc Tây Nguyên ân tình mà sâu lắng, ảo huyền.

Thoảng nghe vang đâu đây tiếng hát của núi rừng. Những người hát trên đồi, theo nhịp bước mùa xuân trở lại. Những đôi môi biết cười, những thanh âm vang vọng đại ngàn xa tắp. Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng và những lời ca thênh thang theo mây ngang trời. Lời ca của những người con Tây Nguyên cứ kéo dài một kiếp người, từ lễ thổi tai để truyền ký ức đến men rượu cần cho phút thoáng quên giữa dòng đời tất bật.

Biển Hồ (TP. Pleiku) nhìn từ trên cao. Ảnh: Phan Nguyên

Biển Hồ (TP. Pleiku) nhìn từ trên cao. Ảnh: Phan Nguyên

2. Những nẻo đường xuân trong phút chốc bỗng hóa thành nẻo thơ, nẻo mơ qua “những miền mơ tưởng”. Mùa xuân cứ men theo tiếng ca, qua suối qua đèo. Những ngọn đồi tiếp nối, trong hơi xuân đất trời mở hội. Những rừng thông xanh, những hồ nước đầy, những vạt dã quỳ cuối mùa vàng tươi khắc khoải, những đôi mắt lúng liếng cười, như gọi về bao thuở nhớ quên.

Này những con đèo nối phố biển với phố núi: An Khê, Mang Yang, Chư Sê… ôm một vòng xanh non sự sống, từ Đông ngược về Tây, tìm về phía Nam nắng ngọt ấm lành. Qua con đèo An Khê hiểm trở-vùng đất giữa hai đèo mây lưu dấu dân gian, tìm đến cổng trời với thiên nhiên hùng vĩ, rồi xuôi Nam vượt đèo Chư Sê-cái tên tương truyền là biến âm của Chư Axeh (con ngựa) mà người Jrai ưu ái đặt tên cho một miền đất, ta nhận ra bao lớp trầm tích văn hóa, những vưu vật đại ngàn thâu vào gió núi, gửi hòa trong mây.

Triền cỏ lau An Khê mãi còn phất phơ trong nắng chiều gió lộng, những cây đoak ở Kông Chro vẫn tươm những giọt nồng đượm từ bờ môi đến ánh mắt người thương. Những rừng thông Mang Yang chạy dài như một tiếng chiêng, xuyên những đêm trăng lạnh phủ núi non trong tấm chăn dệt bởi khí trời. Về Đak Đoa nhớ đồi cỏ hồng Glar, nhớ khoai Lệ Cần ngọt bùi mà có lần nhà thơ Xuân Diệu đã thưởng thức và tấm tắc khen khi ghé thăm một gia đình người Huế lên Tây Nguyên định cư.

Ngang Biển Hồ, lại nhớ đôi mắt Pleiku trong hòa sắc dã quỳ đượm nồng. Sang Chư Sê là chạm ngõ “thủ phủ hồ tiêu”. Về Phú Thiện mở lòng cùng vựa lúa, đập Ayun Hạ. Xuôi về Krông Pa thiếu mưa, thừa nắng là cuộc tình tự với những đồng cỏ rộng trải dài, ngút ngát…

Cứ thế, những dốc và dốc nối dài, cho tim lăn đường mòn, những cánh bướm chập chờn bay bên vệ đường. Như đất trời, núi đồi và con người giao hòa trong không khí chiều lên. Tất cả cứ lẳng lặng, nhẹ thênh mà làm nên mạch hồn Tây Nguyên, mênh mang bao điều lạ.

3. Giữa núi và hồ, thiên nhiên quyện hòa trong những tương giao hòa điệu, mở muôn nẻo xuân trong khúc hoan ca vượt không gian, thời gian. Mùa xuân, những người hát trên đồi. Hát cho những màu sắc, âm thanh và mùi hương tụ hội. Hát cho những bình minh hé mở, những mầm non cựa quậy, những yêu thương theo cánh gió đi về… Nẻo xuân đã mở, người ơi bước vào. Và lắng nghe tim mình hòa nhịp cùng tiếng vọng xanh thầm, để nắng mở những cửa ngõ đâu đó trong bản thể riêng mình.

Chiêm bao xuân mình gặp lại mình. Nẻo đường xuân hạt mầm tách vỏ. Vòm trời xuân vút thẳng thông xanh. Vách núi xuân suối khẽ rì rào. Mây tóc xuân long lanh mắt đợi. Nụ cười xuân chim rừng ríu rít. Ché rượu xuân chếnh choáng hương men. Nguyên nguyên xuân… giao hòa lặng im!

LÊ TỪ HIỂN

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/742/202102/thap-neo-xuan-vui-5722899/