'Thập niên mất mát' ở Trung Quốc

Xu hướng cắt giảm chi tiêu tiêu dùng ở Trung Quốc ngày càng gia tăng trong bối cảnh kinh tế suy yếu. Thậm chí, nhiều người còn so sánh hoàn cảnh của Trung Quốc với 'thập niên mất mát' của Nhật Bản.

Một quầy bán thịt lợn ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Một quầy bán thịt lợn ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Cô Olivia Wang là một nhà tư vấn nhập cư ở Bắc Kinh. Một đêm đi chơi với bạn bè từng tiêu tốn của cô ít nhất 1.000 Nhân dân tệ (138 USD). Cựu nhân viên ngành tài chính thường có thói quen ăn tối tại một nhà hàng có giá trung bình từ 200 đến 300 Nhân dân tệ mỗi người, sau đó đến spa hoặc tiệm massage ở trung tâm thành phố Bắc Kinh.

Tuy nhiên, cô Wang giãi bày rằng: “Bây giờ, mọi người thường nói về những buổi tụ tập có giá khoảng 40 đến 50 Nhân dân tệ mỗi người, chọn những bữa ăn thịnh soạn như món hầm lớn thay vì những món ăn phương Tây cầu kỳ. Ngay cả dịch vụ massage, họ cũng tìm kiếm những lựa chọn có giá dưới 100 Nhân dân tệ. Rõ ràng là, mọi người đã trở nên tiết kiệm hơn rất nhiều. Họ đang quay trở lại với lối sống giản dị hơn, thay vì chịu chi để chứng tỏ giá trị của bản thân”.

Xu hướng cắt giảm chi tiêu tiêu dùng đang diễn ra ở Trung Quốc, khi người dân trở nên tiết kiệm hơn trong bối cảnh kinh tế sa sút và thị trường việc làm không chắc chắn. Sự thay đổi này đã thúc đẩy nhiều doanh nghiệp tung ra các lựa chọn “thân thiện với ngân sách” được gọi là “bữa ăn của người nghèo” - một thuật ngữ thu hút được sự chú ý của giới trẻ trên mạng xã hội vì nó đề cập đến những thực đơn cơ bản và rẻ nhất.

“Bữa ăn của người nghèo”

Các thương hiệu ẩm thực lớn cũng liên tục hạ giá. McDonald's cung cấp các bữa ăn ở mức 13,9 Nhân dân tệ, chuỗi nhà hàng Hefu Noodle và Rice Village cũng có các món ăn với giá lần lượt là 9 Nhân dân tệ và 3 Nhân dân tệ. Và khi ngày càng có nhiều nhà hàng tham gia vào xu hướng này, những nhà hàng khác cảm thấy buộc phải chạy theo hoặc tung ra những bữa ăn phù hợp túi tiền của người tiêu dùng hơn. Dưới áp lực để tồn tại, nhiều cơ sở ăn uống cao cấp một thời cũng buộc phải hạ giá hoặc đưa ra các lựa chọn hợp lý.

Theo nhà tư vấn ngành tiêu dùng tại Analysys Ying Tao, từ góc độ kinh doanh, “bữa ăn của người nghèo” luôn tồn tại - chúng là những mặt hàng giá rẻ được thiết kế để thu hút khách hàng, một số nhắm thẳng vào đối thủ cạnh tranh.

Nhà tư vấn này nhận định: “Trở lại thời điểm niềm tin của người tiêu dùng ở mức cao, không ai có thể gọi thực đơn như vậy là ‘bữa ăn dành cho người nghèo’. Tuy nhiên, do áp lực công việc gia tăng và tăng trưởng thu nhập trì trệ, thuật ngữ này đã mang tính hài hước xen lẫn tự ti. Sự phổ biến hiện nay của cụm từ ‘bữa ăn dành cho người nghèo’ cũng phản ánh thực tế là tâm lý tiêu dùng của giới trẻ ngày càng nhạy cảm hơn”.

Nhà tư vấn Ying Tao bổ sung: “Thuật ngữ này có một số điểm tương đồng với khái niệm nền kinh tế Diaosi phổ biến cách đây một thập kỷ”. Bắt nguồn từ văn hóa Internet Trung Quốc, đặc biệt là những năm sau năm 2010, “Diaosi” (looser) hay kẻ thua cuộc, ban đầu dùng để chỉ những cá nhân bị gạt ra ngoài lề xã hội, thường là những người trẻ tuổi, có thu nhập thấp và thiếu sự công nhận của xã hội, trong khi thuật ngữ này thường được sử dụng một cách mỉa mai.

Cái gọi là nền kinh tế Diaosi đề cập đến xu hướng tiêu dùng được thúc đẩy bởi các nhóm cụ thể trong xã hội, những người thường chọn các sản phẩm có giá phải chăng nhưng có chức năng đáp ứng nhu cầu cơ bản của họ. Theo nhà tư vấn Ying Tao, từ “bữa ăn của người nghèo” đến “nền kinh tế Diaosi”, những xu hướng này đều nêu bật cách những người trẻ đối mặt với khó khăn khi công việc nặng nhọc và tăng trưởng thu nhập hạn chế. Họ đã hài hước chuyển sang thái độ cam chịu tự ti trước những thách thức và bất ổn về tương lai.

“Giá thấp” là chiến lược cốt lõi

Nắm bắt xu hướng tiêu dùng hiện nay, “gã khổng lồ” giao hàng theo yêu cầu Meituan cho biết họ đã thâm nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị ngành và khám phá “các mô hình kinh doanh đổi mới” để đưa ra nhiều lựa chọn đáng giá hơn.

Meituan thông báo họ đã mở rộng dịch vụ mua theo nhóm với tên gọi “Pin Hao Fan” phù hợp túi tiền, cung cấp các bữa ăn giá rẻ tới nhiều thành phố hơn. Và trong quý đầu tiên của năm 2024, Meituan đã giới thiệu các cửa hàng vệ tinh có thương hiệu – một mô hình mới nơi các nhà hàng độc quyền cung cấp dịch vụ giao đồ ăn “chất lượng cao” và “đáng giá”, mà không cung cấp dịch vụ ăn uống tại cửa hàng.

Theo báo cáo kết quả công bố vào tháng trước, Meituan đã ghi nhận tăng trưởng 28% về khối lượng giao hàng trong quý I/2024. Chuyên gia Xu Tianchen nhận định: “Nâng cấp và hạ cấp tiêu dùng có xu hướng cùng tồn tại với chu kỳ kinh tế. Trong trường hợp của Trung Quốc, tiêu dùng đang ở giữa chu kỳ đi xuống bắt đầu từ năm 2022 và có thể sẽ kéo dài từ 5 đến 6 năm”.

Ông nói thêm, các công ty hàng tiêu dùng thiết yếu, chẳng hạn như các nhà sản xuất thực phẩm và đồ uống sẽ có khả năng phục hồi tốt hơn; đồng thời, các nhà sản xuất thuốc lá và rượu, có xu hướng tăng giá trong thời kỳ suy yếu. Chuyên gia Xu Tianchen bày tỏ: “Nếu lịch sử là kim chỉ nam thì “thập niên mất mát” của Nhật Bản thực sự là thời kỳ mà một số lượng lớn các công ty sản xuất hàng tiêu dùng không thiết yếu đã nổi lên”.

Trong thời kỳ bong bóng kinh tế của Nhật Bản hồi những năm 1990, trong khi hầu hết các nhà hàng gặp khó khăn thì việc mở rộng chuỗi nhà hàng Ý “thân thiện với ngân sách” với tên gọi Saizeriya đã đạt được thành công lớn. Và trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế trì trệ ở Trung Quốc, Saizeriya cũng ngày càng trở nên nổi tiếng, đặc biệt “bữa ăn dành cho người nghèo” có giá cả phải chăng đã thu hút thực khách trẻ tuổi trên mạng xã hội.

Thành Nam (P/v TTXVN tại Hong Kong)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/thap-nien-mat-mat-o-trung-quoc/341804.html