Thắp sáng bản làng vùng cao

3 tháng hè là dịp giáo viên được 'xả hơi' sau một năm miệt mài với bục giảng và các hoạt động giáo dục. Nhưng với các thầy cô giáo Trường Tiểu học và THCS Na Lốc (huyện Mường Khương) thì mùa hè lại là mùa đi 'xóa mù chữ'.

Cơn mưa nặng hạt khiến tuyến đường từ trung tâm xã Bản Lầu tới thôn Pạc Bo trở nên lầy lội, nhiều đoạn nước dâng ngập ngang bánh xe. Tôi và cô bạn đồng nghiệp phải dò dẫm trong bóng tối gần 30 phút mới tới nơi.

19 giờ, những ánh đèn pin của người dân đến điểm trường thôn Pạc Bo học xóa mù chữ lấp loáng trong màn mưa. Lớp học lúc này có hơn 20 học viên. Cô Lý Thị Thơm và cô Đỗ Thị Thanh Thúy, Trường Tiểu học và THCS Na Lốc rủ nhau đi chung xe cho đỡ vất vả. Lớp học kết thúc lúc 22 giờ, đường vắng không có đèn cao áp, nhiều hôm hai chị em mò mẫm cả tiếng đồng hồ mới về tới nhà. Đường từ trung tâm xã Bản Lầu đến thôn Pạc Bo đã được mở rộng nhưng mùa mưa lũ nhiều đoạn sạt lở. “Những hôm mưa to, đập tràn Đồi Gianh nước dâng cao, chảy xiết, tôi và cô Thúy phải ngủ lại điểm trường” - cô Thơm kể.

Cô Thơm là người Dao, từng dạy học ở địa bàn khó khăn của Mường Khương nên hiểu rất rõ hoàn cảnh của các học viên, vì nhiều lý do mà họ không được đến lớp, không được đi học, lâu dần ngại giao tiếp. Có người nói ngọng, không nói được dấu ngã, các vần khó như uya, uyên, uyết… cô đã dùng các phương pháp gợi mở nhẹ nhàng để học viên thêm tự tin, mạnh dạn hơn khi học. Vì học viên là những người lớn tuổi, tiếng phổ thông còn hạn chế nên nhiều khi cô phải sử dụng “thế mạnh” tiếng Dao để hướng dẫn học viên từng con chữ, cách đọc, cách cầm bút viết, truyền tải bài học gắn liền với cuộc sống.

Sau một thời gian được tham gia lớp dạy xóa mù chữ cho bà con, cô Thơm chia sẻ: Thấy các học viên vui vẻ khi dần dần biết đọc, biết viết, giao tiếp tự tin… tôi có thêm động lực để hoàn thành nhiệm vụ. Ngoài giờ học, tôi dành thời gian trò chuyện, tâm sự với học viên để hiểu thêm về hoàn cảnh sống, tập quán, văn hóa của người Dao tuyển, từ đó giúp tôi dễ dàng hơn trong việc giảng dạy, đồng thời học hỏi thêm nhiều vốn sống, kinh nghiệm, kiến thức thực tế.

Cùng đứng lớp với cô Thơm là cô Đỗ Thị Thanh Thúy, giáo viên Mỹ thuật, Trường Tiểu học và THCS Na Lốc. “Công việc tại trường cả ngày, có những tối rất mệt nhưng chỉ cần đến lớp, thấy chị em chăm chú nghe giảng là tôi có thêm động lực. Có những hôm học viên ở lại chép bài muộn nên hơn 23 giờ tôi mới về đến nhà” - cô Thúy trải lòng.

Cô Thơm bật máy chiếu rồi đọc to bài thơ “Tiếng thác Leng Gung”, bên dưới, các học viên đồng thanh đọc theo. Học trò nhiều tuổi nhất lớp học - bà Lý Thị Hường năm nay ngoài 60 tuổi nheo nheo mắt nhìn lên bảng, giọng đọc còn ngọng nghịu nhưng vẫn không giấu được niềm vui: "Trước khi theo học lớp ban đêm này, nhà tôi chỉ mỗi tôi không biết chữ. Nhiều khi xã, thôn triển khai văn bản, mình không biết đọc, rất phiền toái. Từ ngày lớp học xóa mù chữ được tổ chức tại bản, tôi bảo với chồng và các con sẽ đi học. Đến nay, sau 4 tháng theo học, tôi đã biết đọc, biết viết, làm các phép toán đơn giản...".

Đặng Thị Tươi là học viên ít tuổi nhất lớp. Ngày nhỏ, gia đình nghèo không có điều kiện nên chị Tươi không được đi học. Biết có lớp xóa mù chữ, chị Tươi được chồng con động viên đi học. Hiện tại, chị Tươi là học viên nhanh nhẹn, viết chữ đẹp nhất lớp, được các thầy cô chọn làm “trợ giảng” hỗ trợ các học viên cao tuổi trong lớp.

Nhìn các thầy cô tận tâm trên bục giảng, chúng tôi lại cố gắng đi học chăm chỉ.

Chị Đặng Thị Tươi chia sẻ.

Có mặt tại lớp học điểm trường Pạc Bo từ khá sớm, lặng lẽ quan sát các học viên, thầy giáo Thào Hà, chủ nhiệm lớp cho biết: Lớp học xóa mù chữ thôn Pạc Bo diễn ra từ tháng 4/2024 với 25 học viên. Tham gia dạy xóa mù chữ có 24 giáo viên Trường Tiểu học và THCS Na Lốc. Đều đặn từ thứ 2 đến thứ 6 hằng tuần, các thầy cô luân phiên mỗi buổi 2 người đứng lớp. Năm nay nhà trường sáp nhập 2 cấp, hồ sơ sổ sách rất nhiều nên giáo viên nhà trường không có kỳ nghỉ hè. Sau nhiệm vụ trên trường, các thầy cô lại tiếp tục với nhiệm vụ xóa mù chữ. Học viên lớp đa số là người lớn tuổi, lao động thô sơ, nặng nhọc, ngón tay không còn linh hoạt, nhiều người có tâm lý mặc cảm, tự ti. Học viên nữ lại có con nhỏ, ban ngày làm nương, làm việc nhà, còn vất vả chăm con.

Để các học viên kiên trì theo đuổi con chữ, chúng tôi thường xuyên nắm hoàn cảnh của từng gia đình, những khó khăn họ gặp phải, từ đó tìm cách tuyên truyền, vận động để mọi người nhận thức được lợi ích của việc học.

Thầy Thào Hà, chủ nhiệm lớp cho biết.

23 giờ, lớp học kết thúc, ngoài trời mưa vẫn không ngớt, ánh đèn pin của học viên mờ dần sau những khúc cua. Hai cô giáo cặm cụi thu xếp sách vở, mặc áo mưa cùng nhau ra về trên cung đường quen thuộc, để rồi ngày mai lại có những đồng nghiệp tiếp nối hành trình của các cô, mang con chữ thắp sáng những bản vùng cao...

Thanh Huệ

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/thap-sang-ban-lang-vung-cao-post388459.html