Thắp sáng bản vùng cao
ĐBP - Nhiều năm trở lại đây với sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành, huyện Tuần Giáo đã và đang tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng lưới điện, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, huyện tập trung mở rộng kéo điện đến các bản vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tiến đến không còn bản 'trắng' điện lưới quốc gia.
Người dân bản Bó Lếch, xã Mùn Chung sử dụng điện trong vận hành máy chế biến thức ăn gia súc, gia cầm.
Sớm tinh mơ, từ trung tâm xã Mùn Chung đi gần 10km, chúng tôi về bản Co Sản, nằm cheo leo trên đỉnh núi. Co Sản là bản duy nhất của xã Mùn Chung chưa có điện lưới quốc gia, người dân sử dụng đèn dầu, bếp củi để sinh hoạt nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống. Trưởng bản Giàng A Phu nói: Thỉnh thoảng mình ra xã thấy người ta có điện mà “thèm” quá. Đứng trên bản mình buổi tối nhìn rõ các bản, đèn điện sáng lung linh, mình và bà con chỉ ước ao có điện.
Đem câu chuyện nghèo đói, thiếu điện lưới quốc gia của Co Sản trao đổi với ông Quàng Văn Thiên, Chủ tịch UBND xã Mùn Chung, chúng tôi được biết: Trước đây, xã đã phối hợp với các đơn vị chức năng tiến hành khảo sát kéo điện lưới quốc gia đến bản Co Sản, song do số hộ dân ít (28 hộ, 156 nhân khẩu), địa hình chia cắt nên khó có thể thực hiện dự án. Tuy vậy, bằng nhiều chính sách của Đảng và Nhà nước xã đã ưu tiên dành nhiều nguồn lực để hỗ trợ người dân Co Sản (hỗ trợ trâu bò, mái lợp, vốn vay hộ nghèo, cận nghèo...) để thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống.
Rời Mùn Chung chúng tôi tiếp tục xuôi theo quốc lộ 6, xen giữa cánh rừng là thấp thoáng những cây cột điện cao sừng sững, lúc bám đường, ven núi, đưa điện về vùng cao. Dừng chân tại bản Phung (xã Quài Cang) khi hoàng hôn đã dần buông. Trong ngôi nhà sàn khang trang, bừng sáng ánh điện, Trưởng bản Lò Duy Thiểm phấn khởi nói: “Trước đây chưa có điện, cuộc sống bà con cơ cực lắm! Vật dụng sinh hoạt, đồ điện tử hiện đại (ti vi, tủ lạnh, nồi cơm điện...) được xem là xa xỉ với bà con nơi đây. Ơn Đảng, Nhà nước, từ ngày có điện, cuộc sống của 156 hộ dân và diện mạo nông thôn mới ở bản Phung đã thay da đổi thịt, no ấm đủ đầy hơn. Có điện, được tiếp cận thông tin qua các chương trình truyền hình, phát thanh, bà con nắm bắt thêm nhiều thông tin hữu ích, nhất là việc thay đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, canh tác... Nhờ vậy, mà đời sống người dân phát triển hơn, nhiều hộ chăm chỉ làm ăn đã vươn lên khá giả, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 40/156 hộ.
Cùng Trưởng bản Lò Duy Thiểm đến thăm gia đình anh Lường Văn Thiện (bản Phung) khi anh đang bận rộn với công việc xay xát thóc, nghiền ngô phục vụ bà con trong bản. Tranh thủ giải lao, anh Thiện chia sẻ: “Trước đây, khi chưa có điện, để xát thóc, tôi chủ yếu dùng máy nổ chạy dầu. Từ ngày có điện, tôi đã thay hoàn toàn hệ thống máy xay xát bằng điện nên hiệu quả cao, chất lượng thóc, ngô thành phẩm đảm bảo”. Đặc biệt, từ khi có điện lưới quốc gia, không chỉ gia đình tôi mà nhiều hộ dân trong bản mua máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp (máy nghiền ngô, thái chuối...) góp phần giảm nhân công, tăng năng suất lao động.
Năm 2015 huyện Tuần Giáo vẫn còn 57 bản chưa có điện thì đến nay với sự quan tâm đầu tư của Trung ương, tỉnh, ngành Điện, số lượng bản “trắng” điện lưới quốc gia còn 27 bản, thuộc 12 xã; số hộ dân được sử dụng điện tăng lên 90%. Ông Bạc Cầm Trưởng, Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tuần Giáo cho biết: Để không còn bản “trắng” điện lưới quốc gia, thời gian tới Phòng tiếp tục tham mưu giúp UBND huyện đề nghị Ban Quản lý chuyên ngành thuộc Sở Công Thương, UBND tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng mạng lưới cấp điện cho các bản còn lại.
Cùng với đó, huyện chú trọng phối hợp thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân giải phóng mặt bằng thi công lưới điện. Đến nay tất các dự án đang thi công đã được giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện đúng thời gian, kế hoạch đề ra. Ước đến cuối tháng 11/2021 huyện Tuần Giáo sẽ đóng, cấp điện cho 5 bản: Háng Á, Xá Nhè (xã Rạng Đông); Chua Lú, Trung Dình (xã Pú Nhung); Pu Piến (xã Mường Mùn); rút số bản chưa có điện lưới quốc gia năm 2022 xuống còn 22 bản, nâng tỷ lệ hộ được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 92%. Từ đó, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, vật chất, mở ra cơ hội để người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững, hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới theo đúng lộ trình đề ra.
Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/187563/thap-sang-ban-vung-cao