'Thắp sáng' kinh tế đêm Hà Nội

Kinhtdothi- Không chỉ sôi động ban ngày, Hà Nội về đêm sở hữu nhiều tiềm năng và thuận lợi để phát triển kinh tế đêm. Lợi thế địa lý cộng thêm cách làm mới sẽ tạo ra động lực phát triển rất mạnh, nâng vị thế của Thủ đô trên bản đồ du lịch trong nước và khu vực.

Hà Nội đẹp nhất về đêm

Hà Nội từ 19 giờ, nhiều con phố như: Tràng Tiền, Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Gai, Hàng Bông, Hàng Mã, Tạ Hiện, Mã Mây, Lương Ngọc Quyến… bắt đầu trở nên đông đúc và náo nhiệt. Người đổ về khu vực này không chỉ có các du khách người nước ngoài mà còn là người dân ở khắp Hà Nội và các tỉnh, thành trên cả nước, mong muốn một lần được sống trong cảnh về đêm của Thủ đô.

Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận thu hút đông người dân và du khách mỗi dịp cuối tuần

Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận thu hút đông người dân và du khách mỗi dịp cuối tuần

Hà Nội về đêm trong mắt du khách không chỉ là các cửa hàng tiện ích, các quán ăn uống, quán bar, cà phê, thời trang, mà còn xuất hiện nhiều loại hình kinh doanh ăn theo khác như: văn nghệ đường phố, kinh doanh các sản phẩm du lịch. Dường như tại đây, mọi rào cản về ngôn ngữ, văn hóa, ẩm thực… đã bị xóa nhòa. Ai cũng hòa quyện trong không gian nhộn nhịp, vui vẻ, cùng nhau tận hưởng hơi thở cuộc sống Hà Nội về đêm trong từng khoảnh khắc.

Nhà Thờ Lớn, Hoàng Thành Thăng Long, Cầu Nhật Tân, Cầu Long Biên, Văn Miếu, chợ Đồng Xuân -Gầm Cầu, đi bộ quanh Bờ Hồ, những con đường ven hồ Tây và quanh những hồ lớn khác bắt đầu chuyển sang một khung cảnh khác khi những ánh sáng hắt xuống mặt nước làm lung linh và huyền ảo hơn. Hà Nội có lẽ đẹp nhất về đêm! Nếu một ngày ở Hà Nội và chẳng thể ngủ, hãy mặc chiếc áo khoác mỏng, bước ra ngoài đường và nghe tiếng đêm Hà Nội thở.

Tất cả tạo nên không gian về đêm rất đặc trưng của Hà Nội. Đặc biệt, với một lượng lớn du khách tập trung về khu phố cổ đã tạo cơ hội việc làm rất lớn cho người lao động, tăng thu nhập cho các tiểu thương, thu hút khách du lịch.

Hà Nội cũng xác định, việc phát triển kinh tế ban đêm có thể coi là đòn bẩy cho du lịch khi dịch Covid-19 cơ bản được khống chế, tạo thêm nguồn thu cho người dân địa phương cũng như đóng góp cho ngân sách Nhà nước.

Với những định hướng của TP, các quận, huyện trên địa bàn cũng đã chủ động trong việc phát triển kinh tế đêm, nhiều địa phương dần trở thành những khu vực tiềm năng để phát triển kinh tế đêm trong tương lai.

Theo UBND TP Hà Nội, quận Hoàn Kiếm là địa bàn đã có những thành tựu về phát triển kinh tế đêm. Hoạt động này đóng góp không nhỏ vào nguồn thu nhập của quận và người dân nơi đây. Hiện quận Hoàn Kiếm đang trình Đề án tổ chức thí điểm phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.
Quận Tây Hồ cũng có kế hoạch phát triển kinh tế đêm với: Không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực đường phố tại phố Trịnh Công Sơn. Kể từ khi quận Tây Hồ triển khai Đề án “Không gian biểu diễn, ẩm thực đường phố quận Tây Hồ” nhận được sự quan tâm của người dân, khách du lịch và trở thành không gian đi bộ mới sau khu vực phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm. Dự kiến tại quận Ba Đình sắp tới sẽ mở khu phố ẩm thực đêm tại Đảo Ngọc - Ngũ Xã, trong đó trung tâm là trục Ngũ Xã - Nguyễn Khắc Hiếu...

Quận Hai Bà Trưng hiện đã đã có chủ trương để xây dựng Đề án hình thành tuyến phố đi bộ khu vực cổng Công viên Thống Nhất và Hồ Thiền Quang.

Đối với quận Long Biên, tuy là quận "trẻ" nhưng phát triển nhanh, có nhiều bứt phá, lợi thế phát triển về hệ thống giao thông vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy kết nối với các tỉnh, TP Lạng Sơn, Hải Phòng. Long Biên có tốc độ đô thị hóa nhanh, tiềm năng trở thành trung tâm đô thị mới bên sông với nhiều khu đô thị lớn và hiện đại, trung tâm thương mại. Thời gian gần đây, khu phố ẩm thực Ngọc Lâm thu hút khách hàng có nhu cầu về ẩm thực tới trải nghiệm và trở thành lựa chọn mới cho người dân Hà Nội về ăn uống.

Tại Sơn Tây, UBND thị xã cũng đang khẩn trương triển khai tuyến phố đi bộ xung quanh Thành cổ Sơn Tây nhằm hình thành một không gian giải trí, văn hóa, du lịch cho người dân và du khách. Riêng tại huyện Đông Anh, những năm gần đây, Đông Anh là huyện có tốc độ độ thị hóa nhanh, phát triển kinh tế bền vững, toàn diện. Đây là mảnh đất của văn hiến, lịch sử, với những di tích lịch sử quốc gia (Cổ Loa, đền Sái, khu sinh thái Cọ Xanh, vườn Xoài, làng nghề chạm khắc gỗ Liên Hà, nghệ thuật ca trù Lỗ Khê, rối nước Đào Thục....).

Khai phá kinh tế đêm

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thinh, tại nhiều nước trên thế giới, hoạt động về đêm không chỉ là sản phẩm du lịch hấp dẫn mà còn trở thành nguồn thu trụ cột cho ngành du lịch - giải trí quốc gia. Những hoạt động vui chơi giải trí, mua sắm, ẩm thực, lễ hội ban đêm đã đóng góp tới 6% GDP cho nước Anh, mang lại 102 tỉ USD cho Úc và ước tính đạt 400 tỉ yen tại Nhật Bản. Thủ đô New York (Mỹ) được mệnh danh là “TP không bao giờ ngủ”, Trung Quốc đang quyết tâm biến kinh tế ban đêm trở thành “mỏ vàng” thực sự.

Thủ đô Hà Nội là trung tâm hành chính - chính trị, kinh tế văn hóa của cả nước, có rất nhiều tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú, chất lượng, gắn liền với lịch sử văn hóa, truyền thống dân tộc. Bên cạnh đó là những lợi thế thiên nhiên mà không phải TP nào cũng có được, với đầy đủ loại hình cảnh quan thiên nhiên đa dạng, gắn liền với nếp sống văn hóa của người dân bản địa, sở hữu gần 6.000 di tích, khoảng 1.200 lễ hội, 1.350 làng nghề cùng nền ẩm thực đa dạng... Ngoài ra, Thủ đô Hà Nội có tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, rất thuận lợi cho phát triển kinh tế đêm. Với những yếu tố này, Hà Nội có nhiều tiềm năng để khai thác kinh tế đêm một cách hiệu quả, mang lại sức bật lớn cho Thủ đô.

Đảm bảo phát triển kinh tế đêm gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội

Đảm bảo phát triển kinh tế đêm gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội

Gần 2 năm trước, Hà Nội là một trong 10 địa phương được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn thí điểm kéo dài thời gian tổ chức các hoạt động dịch vụ ban đêm. Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)-TS Nguyễn Hồng Minh, sau đại dịch và sau giãn cách xã hội trên thế giới, Việt Nam vẫn được coi là một điểm sáng, có sức hút du lịch. Và Thủ đô Hà Nội có thể khởi động lại ngay, góp phần hỗ trợ cho sự hồi phục của nền kinh tế.

Ngay sau khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, Sở Du lịch Hà Nội đã phối hợp hiệu quả với cơ quan liên ngành, các DN xây dựng sản phẩm du lịch mới. Đặc biệt, SEA Games 31 diễn ra, ngành Du lịch Hà Nội đã chuẩn bị nhiều hoạt động, trong đó tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo mang đậm bản sắc Hà Nội, tích cực quảng bá hình ảnh Thủ đô thân thiện, hấp dẫn, khẳng định thương hiệu điểm đến tổ chức các sự kiện mang tầm quốc tế và khu vực.

KTS. Trần Huy Ánh, Ủy viên thường trực Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho rằng, việc mở rộng không gian đi bộ và sinh hoạt công cộng là tín hiệu đáng mừng với Thủ đô sau một thời gian dài tập trung phát triển các dự án bất động sản, dân số gia tăng và thiếu hụt điểm vui chơi. Đây cũng là xu hướng chung của các thành phố trên thế giới. Tuy nhiên, mỗi địa phương có một đặc thù khác nhau, từ lịch sử - địa lý, kinh tế - xã hội đến khả năng quản lý.

TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, lợi thế địa lý cộng thêm cách làm mới sẽ tạo ra động lực phát triển rất mạnh, từ đó, nâng vị thế của Thủ đô trên bản đồ du lịch trong nước và khu vực.

Phát triển sản phẩm du lịch ban đêm không chỉ thúc đẩy tiêu dùng trong nước và phát triển du lịch, mà thông qua đó còn phát triển lĩnh vực dịch vụ văn hóa, vui chơi, giải trí, dịch vụ ăn uống, dịch vụ mua sắm và du lịch diễn ra từ 6 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau. Một khi làm bài bản và chuyên nghiệp sẽ thúc đẩy được nền kinh tế ban đêm.

(Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Nguyễn Anh Tuấn)

Kinh tế ban đêm mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng gặp phải những rủi ro tiềm ẩn khác như an ninh, an toàn giao thông, ô nhiễm tiếng ồn, rác thải, áp lực về cung cấp hệ thống hạ tầng thiết yếu. Trong đó, chi phí lắp đặt hệ thống chiếu sáng, hệ thống camera giám sát,… xử lý chất thải, cung cấp điện, nước,… giám sát các vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm, kiểm soát chất lượng hàng hóa, xuất xứ hàng hóa, giá cả hàng hóa... cũng là vấn đề cần quan tâm. Theo các chuyên gia kinh tế, khó nhất của các TP lớn như Hà Nội để phát triển kinh tế ban đêm là quy hoạch đô thị, thiếu đất, thiếu không gian.

Bên cạnh đó, hiện các hoạt động kinh tế đêm tập trung vào một số lĩnh vực đặc thù chẳng hạn như ăn uống, mua sắm, giải trí, văn hóa, nghệ thuật thì phạm vi hoạt động cần mở rộng thêm các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, vận chuyển dịch vụ giao thông công cộng, truyền thông, tài chính, ngân hàng bổ trợ cho các hoạt động kinh tế đêm...

Do vậy, theo các chuyên gia, để thúc đẩy phát triển kinh tế đêm Hà Nội nói riêng và nhiều vùng trên cả nước nói chung, Nhà nước cần phát triển kinh tế ban đêm thông qua các kế hoạch, chính sách và đặc biệt sử dụng tốt công cụ quy hoạch phù hợp, gắn kết được sự tham gia tích cực của khu vực tư nhân và cộng đồng. Cần thu hút và lựa chọn các DN uy tín, giàu kinh nghiệm trong việc tham gia phát triển hoạt động kinh tế ban đêm lành mạnh ở địa phương.

Thảo Nguyên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/thap-sang-kinh-te-dem-ha-noi.html