Thắp sáng ngọn lửa yêu nước từ sự kiện 14-3-1988

Ngày không bao giờ quên đó, 64 cán bộ, chiến sĩ hải quân đã dũng cảm hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc ta

Sáng 14-3, tại Khu Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, đoàn cán bộ Tổng LĐLĐ Việt Nam do ông Trần Văn Thuật - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam - dẫn đầu đã cùng lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa và đông đảo cán bộ của tỉnh cùng thân nhân liệt sĩ đã tổ chức lễ tưởng niệm 64 anh hùng, liệt sĩ hy sinh ở Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa).

Dũng cảm chiến đấu, hy sinh

Tại lễ tưởng niệm, bà Lê Thị Minh Hiền, Trưởng Ban Tuyên giáo LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa, ôn lại thời khắc lịch sử tại đảo đá Gạc Ma.

Theo đó, đầu tháng 3-1988, hải quân Trung Quốc huy động 2 hạm đội đến khu vực quần đảo Trường Sa, tăng số tàu chiến hoạt động thường xuyên từ 9-12 chiếc. 5 giờ ngày 14-3-1988, tàu HQ 605 được điều động từ đảo Đá Đông đến đảo Len Đao, cắm cờ Tổ quốc, khẳng định chủ quyền và quyết tâm bảo vệ biển đảo của Việt Nam. Tàu HQ 604, HQ 505 được điều từ đảo Đá Lớn về Gạc Ma và Cô Lin, với 92 chiến sĩ.

Tàu HQ 604 và HQ 505 thả neo được 30 phút thì tàu hộ vệ của Trung Quốc chạy đến Gạc Ma, dùng loa khiêu khích, vờn quanh đảo uy hiếp. Cán bộ, chiến sĩ tàu 604 và 505 động viên nhau giữ vững quyết tâm bảo vệ đảo.

Trước đó, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân chỉ thị quyết giữ vững Gạc Ma và Cô Lin; thả xuồng chuyển vật liệu làm nhà lên đảo ngay trong đêm 13-3. Lực lượng của Lữ đoàn 146 bí mật đổ bộ, cắm cờ Tổ quốc và triển khai 4 tổ chiến đấu. Trung Quốc điều thêm 2 tàu hộ vệ trang bị pháo 100 ly đến khu vực đảo Gạc Ma.

Đoàn của Tổng LĐLĐ Việt Nam và lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa dâng hương, hoa tại lễ tưởng niệm 64 anh hùng liệt sĩ Gạc Ma Ảnh: KỲ NAM

Đoàn của Tổng LĐLĐ Việt Nam và lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa dâng hương, hoa tại lễ tưởng niệm 64 anh hùng liệt sĩ Gạc Ma Ảnh: KỲ NAM

6 giờ, tàu Trung Quốc thả 3 thuyền và 40 quân đổ bộ lên đảo rồi nổ súng, giật cờ của ta. Thiếu úy Trần Văn Phương hy sinh, hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh bị thương. Dù bị đối phương uy hiếp và tấn công nhưng bộ đội ta vẫn kiên cường. Không ép được bộ đội ta rút khỏi đảo, đến 7 giờ 30 phút, 2 tàu Trung Quốc bắn pháo gây hỏng nặng tàu 604 rồi bất ngờ cho quân xông về phía tàu ta. Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ chỉ huy bộ đội đánh trả quyết liệt.

Tàu Trung Quốc tiếp tục nã pháo dồn dập làm tàu ta bị thủng và chìm. Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ, Phó Lữ đoàn trưởng 146 Trần Đức Thông cùng một số cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh ở khu vực đảo Gạc Ma. Gạc Ma bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Tại Cô Lin và Len Đao, cán bộ, chiến sĩ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, giữ cho lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam tung bay trên đảo.

Dù tương quan lực lượng chênh lệch, phương tiện, vũ khí hạn chế, cán bộ và chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam đã chiến đấu dũng cảm, không quản hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Với chiến công oanh liệt, tàu HQ 505 được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Các cán bộ, chiến sĩ Vũ Phi Trừ, Trần Đức Thông, Vũ Huy Lễ, Nguyễn Văn Lanh, Trần Văn Phương cũng được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Thắt chặt thêm tình đồng đội

Tại lễ tưởng niệm, bà Nguyễn Thị Hường (ngụ tỉnh Nghệ An) đón xe khách vào để làm giỗ cho em trai là liệt sĩ Nguyễn Tất Nam (SN 1967) và đồng đội. Bà Hường nhớ lại năm 1985, bà tiễn em lên xe và đó là lần cuối cùng hai chị em bên nhau.

"Bây giờ em vẫn còn nằm lại biển Đông. Khu tưởng niệm này gia đình tôi coi như mộ của em" - bà Hường xúc động.

Cứ đúng ngày 14-3 này, Hội Cựu chiến binh Trường Sa TP Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) lại về Khu Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma để dâng hương, hoa lên đồng đội.

Tại lễ dâng hương năm nay, thượng tá Từ Công Tào cho biết năm 1986, ông công tác y tế tại đảo Song Tử Tây, sau đó về làm đội phó đội điều trị 486 - Vùng 4 Hải quân. Năm 1988, thượng tá Tào là người chữa trị cho 15 thương binh của trận hải chiến Gạc Ma, trong đó có anh hùng Nguyễn Văn Lanh. Thượng tá Tào nhớ đồng đội của ông khi đó có y sĩ Phan Huy Sơn (SN 1963, quê Nghệ An) làm quân y trên đảo Song Tử Tây, là bí thư chi đoàn nên rất nhiệt tình, tháo vát. Năm 1988, ông Tào đi đảo khác công tác, y sĩ Sơn được phân công đi Gạc Ma, đến ngày 14-3-1988 thì y sĩ Phan Huy Sơn hy sinh khi con trai đầu lòng bệnh nặng và vợ đang có bầu đứa con thứ hai.

Sáng cùng ngày, tại thị trấn Thiên Cầm (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh), các cựu binh Gạc Ma và thân nhân tổ chức lễ tưởng niệm anh hùng, liệt sĩ Gạc Ma.

Tại buổi lễ, cựu binh Lê Văn Thoa (ngụ tỉnh Bình Định) - người có mặt trên tàu HQ 604 trong trận hải chiến Gạc Ma - xúc động: "Suốt đời, tôi và đồng đội sẽ không bao giờ quên trận hải chiến đó để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. 64 đồng đội đã mãi mãi nằm lại giữa biển khơi. Đây là dịp để chúng tôi tri ân, tưởng nhớ đồng đội và cũng ôn lại kỷ niệm xưa, thắt chặt thêm nữa tình đồng đội và gia đình các đồng đội". Dịp này, nhà tài trợ đã trao nhiều suất quà cho các cựu binh và thân nhân anh hùng, liệt sĩ Gạc Ma.

Tại chân cầu Mân Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng, Hội Cựu chiến binh Lữ đoàn 83 Hải quân phối hợp Ban Liên lạc Bộ đội Trường Sa TP Đà Nẵng cũng tổ chức lễ tưởng niệm liệt sĩ trận Gạc Ma.

Tại buổi lễ, đại tá Nguyễn Văn Khánh, nguyên Phó Tham mưu trưởng tác chiến Lữ đoàn Công binh 83, Quân chủng Hải quân Việt Nam, nhắc tại lễ tưởng niệm, câu chuyện Gạc Ma, những người đã hy sinh không một ai bị lãng quên và không ai được phép quên lãng. Nhất là đối với thế hệ trẻ, không được phép quên ngày 14-3 1988, ngày mà 64 chiến sĩ đã ngã xuống để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Theo đại tá Khánh, thế hệ trẻ hiện nay khi tiếp cận thông tin trên mạng xã hội, phải luôn ghi nhớ và xác định dù bất cứ trong hoàn cảnh nào, điều kiện nào thì quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, điều đó là chân lý bất di bất dịch.

"Gạc Ma mãi mãi là chủ quyền của Việt Nam, nơi đây thấm đẫm máu của cán bộ chiến sĩ đã anh dũng ngã xuống. Tôi mong các bạn trẻ tiếp tục đấu tranh bảo vệ chủ quyền bằng trái tim nóng, cái đầu lạnh, để luôn hành xử làm sao có lợi nhất cho đất nước" - đại tá Khánh nhấn mạnh.

Ông Trần Văn Tiến, đại diện Hội Cựu chiến binh Lữ đoàn 83, cho biết hơn 15 năm qua, lễ tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma được tổ chức thường niên ở chân cầu Mân Quang. Tại đây, ngoài đồng đội, cựu binh còn có đại diện gia đình các liệt sĩ ở TP Đà Nẵng.

Có mặt tại lễ tưởng niệm tổ chức ở chân cầu Mân Quang, thiếu tá Nguyễn Thị Bính Lạc - vợ liệt sĩ Trần Văn Phòng, nhớ lại lúc nhận được tin chồng hy sinh ở Gạc Ma, bà ngã quỵ. Suốt thời gian dài bà vẫn ngóng tin chồng, cầu mong điều kỳ diệu sẽ xảy ra nhưng phép mầu đã không đến.

Kỳ Nam - Bích Vân - Vĩnh Gia

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/thap-sang-ngon-lua-yeu-nuoc-tu-su-kien-14-3-1988-20220314213402357.htm