Thắp sáng tương lai ở lớp học tình thương cầu Rạch Ông

Cứ 18h30 hàng ngày, trong căn phòng nhỏ dưới chân cầu Rạch Ông (quận 7) lại có những tiếng đọc sách vang lên, nơi ấy, tình thương được gửi gắm qua từng con chữ.

Chứng kiến những đứa trẻ đang ở độ tuổi đi học phải ở nhà phụ giúp gia đình, nhóm tình nguyện trẻ đã sáng lập nên lớp học tình thương cầu Rạch Ông (khu phố 3, quận 7, TP. Hồ Chí Minh) để mang cái chữ đến cho các em nhỏ không có điều kiện đi học vào mỗi buổi tối.

Hình ảnh lớp học vào những ngày đầu tiên hoạt động - (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Hình ảnh lớp học vào những ngày đầu tiên hoạt động - (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, đại diện nhóm tình nguyện cho biết, khoảng 8 năm trước, trong một lần ghé thăm khu lao động nghèo, anh Danh Tuấn Anh (27 tuổi, trú tại quận 7) nhận ra nhiều đứa trẻ nơi đây không được đi học dù đã đến tuổi tới trường. Anh ấp ủ trong mình suy nghĩ phải thực hiện một điều gì đó để giúp các em nhỏ thay đổi cuộc đời.

Anh bày tỏ nguyện vọng mở lớp dạy học miễn phí của mình và nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, với một căn phòng nhỏ vốn là nhà kho cũ, được hỗ trợ chi phí điện nước, đồng thời xin thêm vài bộ bàn ghế và tấm bảng cũ của một trường tiểu học gần đó. Vậy là từ đây lớp học tình thương đã được hình thành giữa khu lao động nghèo.

Các em nhỏ được học dưới sự chỉ dạy tâm huyết của thầy giáo - (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Các em nhỏ được học dưới sự chỉ dạy tâm huyết của thầy giáo - (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Ban đầu, việc thuyết phục phụ huynh đưa các em nhỏ đến lớp không hề dễ dàng, bởi nhiều người còn lo lắng, chưa tin tưởng anh. Thậm chí, nhiều phụ huynh còn xem nhẹ việc học của con em: "Phụ huynh của các trẻ nói, học biết mấy chữ vậy là được rồi, học nhiều cũng không để làm gì. Tôi lại phải cố thuyết phục họ cho con đi học", anh chia sẻ.

Khi đó, Tuấn Anh phải kiên nhẫn tới từng nhà, khuyên nhủ và thậm chí hỗ trợ thêm chi phí để họ đồng ý cho con đi học. Với những em nhỏ, việc giữ chân các em ở lại lớp cũng là thử thách lớn, bởi vì hoàn cảnh đặc biệt, cuộc sống gia đình mưu sinh nên nhiều em phải chuyển đi nơi khác theo cha mẹ hoặc không được gia đình quan tâm nên không thể tiếp tục theo học, khiến số lượng học sinh thường xuyên biến động.

Tuấn Anh chia sẻ, hiện nay, lớp học đã có khoảng 40 em học sinh trong độ tuổi từ 6 – 15 tuổi. Lớp học chỉ hoạt động vào các buổi tối, vì ban ngày các em còn phải phụ giúp gia đình, thậm chí một số em nhỏ còn làm thuê bên ngoài. Dần dần sau này khi thấy các em mình tiến bộ cả về kiến thức và sự lễ phép, đạo đức, nhiều phụ huynh không còn cản con đến lớp nữa, thậm chí còn giới thiệu cho gia đình khác có hoàn cảnh tương tự cho con được đi học.

Số lượng học sinh ngày càng nhiều mà diện tích lớp học nhỏ nên một số em phải học ngoài trời - (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Số lượng học sinh ngày càng nhiều mà diện tích lớp học nhỏ nên một số em phải học ngoài trời - (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Tuấn Anh cho biết thêm, những tiến bộ về kiến thức, sự lễ phép và niềm vui thích đi học của các em là nguồn động lực lớn nhất đối với thầy cô trong quá trình giảng dạy. Từ những đứa trẻ không biết mặt chữ, nhiều em giờ đã đọc, viết thông thạo. Khi mới mở lớp, chỉ có anh Tuấn Anh và hai người bạn tập trung vào dạy Toán và Tiếng Việt, chủ yếu để các em có thể đọc, viết và làm các phép toán cơ bản.

Các em nhỏ với mọi lứa tuổi tham gia học ngoài trời - (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Các em nhỏ với mọi lứa tuổi tham gia học ngoài trời - (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

“Lớp học có được như ngày hôm này còn nhờ có sự hỗ trợ to lớn từ các mạnh thường quân, các bạn sinh viên tình nguyện và chính quyền địa phương từ sách vở, dụng cụ học tập, bàn ghế để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các em được học tập”, Tuấn Anh chia sẻ.

Được biết, do các em còn trong tuổi ham chơi, nên rất khó tiếp cận để khuyên bảo. Sau một thời gian rút ra kinh nghiệm, tìm hiểu các em nhỏ thì thầy cô ở đây đã có sự thay đổi phương pháp dạy, thường xuyên tương tác qua lại giữa thầy và trò để các em nhỏ có hứng thú, cảm thấy được quan tâm, tạo động lực học tập tốt hơn.

Các em nhỏ được phổ biến và học bơi phòng chống đuối nước - (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Các em nhỏ được phổ biến và học bơi phòng chống đuối nước - (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Ngoài giờ học trên lớp, các em còn được tham gia các hoạt động ngoại khóa với sự góp sức hỗ trợ của các câu lạc bộ công tác xã hội từ nhiều trường đại học, giúp các em không chỉ đơn giản là được học tập mà còn được vui chơi lành mạnh.

Các em hào hứng trong buổi học vẽ do các anh chị tình nguyện viên tổ chức - (Ảnh: Dreamee Studio).

Các em hào hứng trong buổi học vẽ do các anh chị tình nguyện viên tổ chức - (Ảnh: Dreamee Studio).

Dẫu cho những khó khăn vẫn còn hiện diện, nhưng thầy cô nơi đây hy vọng rằng trong tương lai, những em nhỏ tại đây sẽ có cơ hội bước chân vào trường học chính thức, hòa nhập cùng bạn bè đồng trang lứa. Lớp học không chỉ mang lại con chữ mà còn đang gieo niềm tin về một tương lai tốt đẹp hơn cho trẻ em tại khu lao động này.

“Dù hành trình này còn nhiều gian nan, nhưng chỉ cần thấy các em tiến bộ từng ngày, tôi tin rằng mọi nỗ lực đều xứng đáng. Lớp học sẽ luôn là nơi nâng bước, để các em được vươn tới những ước mơ,” đại diện thầy cô ở lớp học tình thương chia sẻ.

Trường An

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thap-sang-tuong-lai-o-lop-hoc-tinh-thuong-cau-rach-ong-369262.html