Thắp sáng ước mơ hoàn lương cho những người lầm lỡ
Những năm qua, ngoài việc quản lý, giam giữ chặt chẽ các loại đối tượng phạm nhân, bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cơ sở giam giữ, Đảng ủy, Ban Giám thị Trại giam Nghĩa An đặc biệt quan tâm đến công tác hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân, khơi dậy khát vọng hoàn lương, giúp phạm nhân có cơ hội tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống sau khi chấp hành xong án phạt tù.

Dạy nghề may tạo việc làm ổn định cho phạm nhân ở Trại giam Nghĩa An -Ảnh: N.T.H
Phạm nhân Đoàn Quốc Huy, Đội trưởng Đội may số19, Phân trại 1, Trại giam Nghĩa An, chia sẻ: “Trước khi bị bắt vào trại giam, em không nghĩ là mình có được nghề may thành thạo như hiện nay. Bởi vì, lúc ở ngoài xã hội em theo bạn bè đua đòi, ham chơi lêu lỏng, chưa có suy nghĩ chín chắn, chưa biết quý trọng giá trị lao động.
Nhưng từ khi vào chấp hành án phạt tù tại Trại giam Nghĩa An, được Ban Giám thị, Hội đồng cán bộ, nhất làcán bộ quản giáo phụ trách quan tâm giáo dục, giúp đỡ, động viên, tạo môi trường thuận lợi để em được học tập, cải tạo tiến bộ, nhận ra lỗi lầm của mình và đặc biệt là được hướng nghiệp, dạy, truyền nghề giúp em thêm quý trọng giá trị của việc lao động, tích cực học hỏi nâng cao tay nghề, nên đến nay em đã học được nghề may thành thạo.
Các phạm nhân khác khi vào chấp hành án phạt tù cũng được hướng dẫn, truyền dạy các nghề khác nhau như: chăn nuôi, trồng trọt, may mặc, đan lát, làm mi mắt giả, tóc giả, khâu giày da, đá mỹ nghệ, mộc mỹ nghệ,..., thắp sáng niềm hy vọng có nghề nghiệp thành thạo để làm lại cuộc đời.
Dự định của em sau khi chấp hành xong án phạt tù sẽ sử dụng kiến thức và kỹ năng nghề may học được trong trại giam để đến các công ty, xưởng may công nghiệp tìm việc làm. Sau khi tích lũy được một số vốn, em sẽ mở cho mình xưởng may gia công để nuôi sống bản thân và gia đình, ổn định cuộc sống”.
Đại úy Nguyễn Quyết Thắng, cán bộ quản giáo Phân trại 3, Trại giam Nghĩa An cho biết: “Với phương châm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban chỉ huy đơn vị đó là lấy tình yêu thương và trách nhiệm để cảm hóa, giáo dục phạm nhân cải tạo tiến bộ trở thành những công dân tốt, có ích cho xã hội, ngoài công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân, tôi cũng nỗ lực cố gắng nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi các kiến thức và kỹ năng nghề may gia công để tổ chức hướng dẫn, dạy nghề cho các phạm nhân trong đội mình quản lý.
Thông qua hướng nghiệp, dạy nghề, hầu hết các phạm nhân đều hăng say lao động, tích cực giúp đỡ nhau trong học tập để nâng cao tay nghề, đến nay các phạm nhân trong đội tôi quản lý đều thuần thục các kỹ năng, kỹ thuật gia công hàng may mặc. Từ tình cảm chân thành của cán bộ đến việc hăng say, tích cực trong lao động đã phần nào giúp các phạm nhân vơi bớt đi nỗi nhớ người thân, gia đình, cũng như dần xóa bỏ mặc cảm lỗi lầm mình mắc phải, từ đó hướng thiện và mong muốn sớm được trở về với cuộc sống đời thường, làm lại cuộc đời”.
Theo quy định pháp luật về Thi hành án hình sự, việc tổ chức cho phạm nhân lao động vừa là quyền lợi, nghĩa vụ, vừa là yêu cầu bắt buộc trong thời gian chấp hành án phạt tù. Mục đích chính là giáo dục, cải tạo phạm nhân thông qua lao động, học nghề, từng bước rèn luyện hành vi, nhân cách, đồng thời sản xuất ra của cải vật chất cho phạm nhân, tạo điều kiện để phạm nhân sau khi hết thời hạn chấp hành án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng.
Trên cơ sở kế hoạch lao động, sản xuất, dạy nghề được Cục C10 phê duyệt hằng năm và căn cứ điều kiện khí hậu, đất đai, nhân lực, Đảng ủy, lãnh đạo Trại giam Nghĩa An chỉ đạo cụ thể hóa kế hoạch công tác tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân.
Trong đó, tập trung nhân lực chăm sóc, làm cỏ, khai thác mủ cao su; phát triển diện tích rau xanh và trồng, đa dạng các loại rau, củ, quả; phát triển, chăm sóc đàn gia súc, gia cầm, nuôi cá nước ngọt để cung cấp tại chỗ rau xanh, thực phẩm cho cán bộ, chiến sĩ và phạm nhân. Tổ chức trồng một số loại cây nhằm phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Liên doanh, liên kết với các đối tác tổ chức gia công một số nghề thủ công như: làm mi mắt giả, tóc giả, nghề may, inox, xây dựng, đan bàn ghế nhựa, khâu giày dép, mộc vàđá mỹ nghệ...
Đến nay, Trại giam Nghĩa An đã tổ chức cho phạm nhân lao động, học nghề, chủ động liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp tạo việc làm ổn định cho trên 75% phạm nhân lao động trong nhà xưởng. Quản lý, sử dụng có hiệu quả diện tích đất đai, phát huy thế mạnh, tiềm năng, thổ nhưỡng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp thực tế, phục vụ công tác lao động, dạy nghề và tạo thêm nguồn thu, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ và phạm nhân.
Với ngành nghề đã học được trong trại giam, nhiều phạm nhân sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về với cuộc sống đời thường đã có cơ hội tìm kiếm việc làm, tạo dựng cuộc sống ổn định, hạn chế tỉ lệ tái phạm tội.