Thắp sáng vũ điệu chữ Việt

Không dễ để khắc họa trọn vẹn chân dung ông đồ Nguyễn Hiếu Tín - tên tuổi quen thuộc trong cộng đồng những người yêu thư pháp chữ Việt.

Anh Nguyễn Hiếu Tín bên hiện vật rồng gỗ lũy

Anh Nguyễn Hiếu Tín bên hiện vật rồng gỗ lũy

Không dễ để khắc họa trọn vẹn chân dung ông đồ Nguyễn Hiếu Tín - tên tuổi quen thuộc trong cộng đồng những người yêu thư pháp chữ Việt. Bởi lẽ, anh có nhiều khía cạnh khiến người ta cảm phục, ngưỡng mộ, nhất là nỗ lực góp phần tôn vinh giá trị thư pháp chữ Việt nói riêng, văn hóa nước nhà nói chung.

Thế nhưng, người phụ trách Bộ môn Du lịch - Trường ĐH Tôn Đức Thắng này rất khiêm nhường khi nói về mình. Ngược lại, anh rất hào hứng khi nói đến công việc: "Mối quan hệ giữa du lịch và văn hóa như là hai mặt của một vấn đề, rất chặt chẽ và biện chứng. Tôi may mắn được tiếp cận trực quan, được trải nghiệm nhiều điều liên quan mật thiết đến văn hóa…, nên thấy được những giá trị cần được chia sẻ, giới thiệu với các bạn trẻ làm du lịch".

Có thể nói, Nguyễn Hiếu Tín luôn dành trọn đam mê thổi hồn vào chữ Việt. Anh không chỉ là một ông đồ tài hoa mà còn là người gieo trồng cảm hứng, dìu dắt nhiều bạn trẻ đến với thư pháp, cùng nâng niu vẻ đẹp chữ Việt và lan tỏa niềm tự hào về nguồn cội, bản sắc dân tộc.

Năm 2006, anh bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ với đề tài "Thư pháp và thư pháp chữ Việt". Mối duyên lành của ông đồ 8X này với thư pháp bắt đầu từ năm 2000. Từ đó đến nay, thư pháp chữ Việt như người bạn tri âm, song hành suốt hành trình làm việc của anh.

Họa tự chữ long của ông đồ Nguyễn Hiếu Tín

Họa tự chữ long của ông đồ Nguyễn Hiếu Tín

Năm 2007, anh xuất bản cuốn sách đầu tay "Thư pháp là gì?". Cùng năm, anh được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm CLB Thư pháp đầu tiên của Nhà Văn hóa Thanh Niên TP HCM, rồi mở lớp dạy thư pháp chữ Việt tại đây. Anh là một trong những thành viên sáng lập Phố Ông đồ - một hoạt động dịp Tết đến xuân về đặc sắc ở Nhà Văn hóa Thanh Niên, đến nay vẫn duy trì.

Anh Tín cho biết: "Theo thời gian, bộ môn thư pháp xuất hiện nhiều phong cách mới. Trong chiều hướng đó, tôi có thêm phong cách sáng tác tạm gọi là "họa tự" (vẽ chữ)". Hàng chục năm qua, anh luôn giữ thói quen sáng tác họa tự theo linh vật từng năm. Riêng năm Thìn này, anh đã sáng tác tổng cộng 9 tác phẩm về rồng, tượng trưng cho "cửu long vận hội" để chào mừng Tết cổ truyền.

Theo anh Tín, rồng là linh vật tưởng tượng, được nâng lên thành biểu tượng trong văn hóa phương Đông và là hình ảnh phổ biến với người Việt. Hình ảnh rồng thường đi kèm với mây trời, sóng nước. Trong đời sống sinh hoạt của người Việt, rồng gắn liền với ước vọng mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cơm no áo ấm.

"Rồng góp phần làm cho lễ hội dân gian Việt Nam thêm phong phú với nghệ thuật múa rồng, đua thuyền rồng. Đặc biệt, rồng là hình ảnh thiêng liêng, gắn với truyền thuyết về cội nguồn của dân tộc Việt "con Rồng cháu Tiên"; là ước mơ bay cao, bay xa với "Thăng Long" được đặt tên cho kinh đô thời nhà Lý…" - anh nhìn nhận.

Nguyễn Hiếu Tín còn có sở thích sưu tập, trong đó không thể không kể đến bộ sưu tập tem 12 con giáp. Vốn đam mê rồng, anh sở hữu nhiều con tem về linh vật này của các nước trên thế giới.

Bộ sưu tập hình ảnh rồng trên gốm Biên Hòa với 70 hiện vật của anh khiến không ít người trầm trồ. Từ độc long đến những hình ảnh phổ biến về rồng: ngư long hí thủy, long phụng hòa viên… được thể hiện trên gốm với hoa văn tinh tế, độc đáo.

Anh Tín còn dành sự yêu quý đặc biệt đối với một hiện vật về rồng ấn tượng. Đó là khúc gỗ lũa tự nhiên từ rễ cây sao xanh mang hình dáng rồng uốn lượn, dài 2,5 m và khá nặng. Chú rồng gỗ lũa quý giá này được anh trưng bày tại tư gia - Trà quán Ông Đồ. Trà quán này là điểm hẹn lý thú mà những người yêu văn hóa Việt thường tìm đến để gặp gỡ, chuyện trò cùng người giảng viên đa tài.

Tại lễ trao Giải Mai Vàng lần thứ 28-2022 do Báo Người Lao Động tổ chức, ông đồ Nguyễn Hiếu Tín được mời viết thư pháp, tặng chữ cho đại biểu và văn nghệ sĩ.

HẠ VY

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thap-sang-vu-dieu-chu-viet-196240216095818629.htm