Thấp thoáng 'bóng ma' suy thoái kinh tế Mỹ từ làn sóng sa thải lao động
Các đợt thông báo cắt giảm nhân sự dồn dập từ các công ty lớn ở Mỹ thổi bùng lo ngại về một đợt suy thoái kinh tế sắp diễn ra.
Loạt đại công ty thông báo cắt giảm nhân sự, hạn chế tuyển dụng
Hai năm trước, đại dịch đã gây ra suy thoái kinh tế nghiêm trọng nhất từng được ghi nhận, dẫn đến làn sóng sa thải nhân viên khi các doanh nghiệp phải thắt lưng buộc bụng. Cuộc suy thoái sâu nhưng ngắn, về mặt kỹ thuật, chỉ kéo dài hai tháng. Kể từ đó, nền kinh tế lớn nhất hành tinh đã phục hồi trở lại.Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ gần mức thấp nhất trong 50 năm, chi tiêu của người tiêu dùng cho đến nay đã chịu đựng được lạm phát lịch sử.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, một loạt công ty thông báo sa thải nhân viên đã làm gia tăng lo ngại của các nhà đầu tư cũng như giới chuyên gia rằng nền kinh tế Mỹ có thể đang tiếp tục đứng trước một đợt suy thoái tiếp theo - được dự đoán là nông nhưng kéo dài.
Ngày 30/6, người sáng lập kiêm CEO Meta Mark Zuckerberg cho biết Meta sẽ giảm quy mô tuyển dụng. "Tôi đánh cược đây có thể là một trong những đợt suy thoái tồi tệ nhất mà chúng ta từng thấy trong lịch sử gần đây", Zuckerberg nói với các nhân viên trong một phiên hỏi đáp hàng tuần được Reuters ghi lại.
Theo Reuters, công ty mẹ của Facebook có kế hoạch cắt giảm kế hoạch tuyển dụng kỹ sư ít nhất 30%. Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg nói rằng công ty đặt mục tiêu tuyển dụng từ 6.000-7.000 kỹ sư vào năm 2022, giảm so với mục tiêu ban đầu gần 10.000. Tính đến ngày 31/3/2022, Meta có 77.805 nhân viên trên toàn thế giới.
Meta cũng đang chứng kiến hàng loạt nhân sự rời công ty. Đáng chú ý là các quản lý cấp cao, trong đó người phụ trách bộ phận kỹ thuật và cơ sở hạ tầng David Mortenson, COO Sheryl Sandberg và Giám đốc AI Jerome Pesenti. Một trong những công ty công nghệ lớn nhất nước Mỹ đang chật vật trong việc giữ chân nhân viên, đặc biệt là những người có trình độ và vị trí cấp cao.
Đầu tháng 6, CEO Tesla Elon Musk cũng thông báo ngừng tuyển dụng trên toàn cầu và cắt giảm 10% nhân sự, với lý do “cảm giác tồi tệ” về nền kinh tế.
Trước đó, 2 công ty bất động sản Mỹ từng phát triển mạnh trong thời đại đại dịch là Redfin và Compass cũng đã tuyên bố sa thải 8% nhân viên. Redfin - từng liên tục tuyển dụng trong những năm gần đây - tính đến tháng 12/2021 có 6.500 nhân sự chính thức. Cổ phiếu của Redfin giảm 80% trong năm nay. Trong khi đó, Compass, công ty có 4.500 nhân sự đang hoạt động, cũng cắt giảm 10% nhân viên, với lý do "những tín hiệu rõ ràng về tốc độ tăng trưởng kinh tế đang chậm lại."
Các công ty trong lĩnh vực tiền điện tử cũng bị ảnh hưởng nặng nề trong đợt bán tháo mạnh khi niềm tin của nhà đầu tư lung lay, làm dấy lên lo ngại “mùa đông tiền số” cận kề. Coinbase cho biết họ đang sa thải khoảng 18% nhân sự với lý do kinh tế suy thoái. Giám đốc điều hành Brian Armstrong viết trong một thông điệp cho nhân viên: “Chúng ta dường như đang bước vào một cuộc suy thoái kinh tế. Cuộc suy thoái này có thể dẫn đến một mùa đông tiền điện tử tiếp theo và nhiều khả năng diễn ra trong một thời gian dài”.
Làn sóng sa thải có phải là điều đáng lo ngại?
Xu hướng ngừng tuyển dụng và sa thải nhân viên đang diễn ra mạnh mẽ nhất trong lĩnh vực công nghệ và tiền điện tử.
“Công nghệ gắn liền với đời sống thường ngày. Do đó, những gì đang diễn ra gần đây chỉ là thị trường đang tự điều chỉnh mình”, Russell Hancock, CEO Joint Venture Silicon Valley cho hay ở một góc nhìn lạc quan.
Một số ý kiến cho rằng, còn quá sớm để biết liệu làn sóng sa thải nhân viên có phải là dấu hiệu của tình trạng hỗn loạn rộng lớn hơn hay tín hiệu của suy thoái kinh tế hay không.
Nhà kinh tế về lực lượng lao động Aaron Sojourner nói: “Các thông báo sa thải từ hàng chục công ty vẫn chỉ là một phần nhỏ, rất nhỏ của lực lượng lao động”. Ông cho rằng Mỹ đã chứng kiến sự tăng trưởng việc làm rất nhanh và ổn định. Vì vậy, có rất nhiều lý do để thị trường lao động giảm tốc. Liệu chiều hướng có tiêu cực hay không vẫn chưa rõ ràng. Ông Sojourner và nhà kinh tế học Paul Goldsmith-Pinkham là hai trong những người đầu tiên dự đoán làn sóng với gần 3,5 triệu nhân viên bị sa thải chỉ trong một tuần hồi tháng 3/2020 - con số này gần gấp ba lần ước tính của Goldman Sachs.
Cho đến nay, ông không thấy bằng chứng cho thấy thị trường lao động mạnh mẽ đang chùng xuống. Tuy mọi thứ không chắc chắn, nhưng ông rất lạc quan.
Ông cảnh báo các nhà quan sát nên nhớ rằng rất nhiều vấn đề kinh tế của nước Mỹ bắt nguồn từ việc mọi thứ đang quá tốt. Ông nói: “Mọi người đang phàn nàn rằng người tiêu dùng có quá nhiều tiền, chi tiêu quá nhiều và làm tăng giá. Mọi người đều đang làm việc và muốn được làm việc”.
Nhưng ở góc nhìn quan ngại hơn, nhiều người đang lo sợ về một đợt suy thoái kinh tế. Nhất là khi làn sóng sa thải nhân viên của một loạt đại công ty công nghệ diễn ra trong bối cảnh lạm phát gia tăng với tốc độ nhanh nhất trong bốn thập kỷ ở Mỹ khiến các nhà hoạch định chính sách thuộc Cục Dự trữ Liên bang (FED) buộc phải nhanh chóng tăng lãi suất. Trong đó, mức tăng lãi suất vào tháng 6 lên tới 0,75%.
Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết: “Mục đích của việc tăng lãi suất là nhằm làm chậm lại tốc độ tăng trưởng để nguồn cung có cơ hội bắt kịp nhu cầu. Đó là một sự điều chỉnh cần thiết." Ông nhấn mạnh: "Có quá nhiều cú sốc đang đẩy lạm phát lên cao. Trách nhiệm khó khăn của FED là hạ nhiệt lạm phát nhưng không làm suy thoái kinh tế".
Kể từ khi FED bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 3, các chỉ số thị trường về kỳ vọng lạm phát đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, các cuộc khảo sát khác cho thấy người tiêu dùng dự đoán giá sẽ tiếp tục leo thang. Ông Powell trước đó đã nói về việc đưa nền kinh tế hạ cánh nhẹ nhàng, nhưng sau đó thừa nhận rằng những nỗ lực của ngân hàng trung ương nhằm giảm nhu cầu tiêu dùng và kinh doanh để hạ nhiệt lạm phát “rất có thể sẽ dẫn đến một số nỗi đau” cho nền kinh tế.
Ngân hàng Thanh toán Quốc tế đã cảnh báo trong báo cáo thường niên rằng nguy cơ “lạm phát đình trệ" và "hạ cánh khó khăn” sẽ xảy ra nếu lạm phát ở mức cao kéo dài khiến các ngân hàng trung ương kìm hãm tăng trưởng, thị trường tài chính cũng như các công ty mắc nợ rơi vào tình trạng căng thẳng. Giám đốc điều hành của JPMorgan Jamie Dimon cũng cảnh báo về một "cơn bão" kinh tế sắp tới.
Bài viết liên quan
ECB yêu cầu các ngân hàng tính đến rủi ro suy thoái ‘Nữ kiệt’ giới đầu tư Cathie Wood: Kinh tế Mỹ đã suy thoái