Thấp thỏm chờ được tái định cư
Sau gần 3 tháng, kể từ sau vụ sạt lở tại núi Ma Lào, gần 10 hộ dân thôn Cả (xã Ban Công, huyện vùng cao Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) vẫn chưa thể trở về nơi ở cũ, bởi nguy cơ sạt lở luôn rình rập. Hiện tại, cuộc sống của những hộ dân này lâm vào cảnh 'ăn nhờ, ở đậu'.
Có mặt tại hiện trường vụ sạt lở, mọi dấu vết vẫn in hằn trên từng ngôi nhà, tường rào. Mặc dù nhiều khối đá lớn tràn xuống nhà dân đã được lực lượng chức năng di dời đến vị trí an toàn, thế nhưng những mảng tường vỡ, mái nhà đổ nát thì vẫn còn đó. Gần chục hộ dân sinh sống dưới chân núi Ma Lào từng quần tụ, đông đúc là thế thì nay trở nên vắng bóng. Hộ thì chuyển đến điểm trường lẻ ở tạm, hộ đi ở nhờ nhà họ hàng, người thân. Một số hộ ít nguy cơ ảnh hưởng hơn thì vẫn phải bám trụ tại chỗ, sống trong nỗi lo thường trực.

Sau gần 3 tháng xảy ra vụ sạt lở, gần 10 hộ dân tại thôn Cả, huyện vùng cao Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa được di dời, tái định cư. Ảnh: Nguyễn Chung
Ông Bùi Văn Hanh - một trong trong những hộ bị thiệt hại nặng nề kể rằng: Theo thường lệ, vợ chồng ông đi ngủ sớm sau bữa cơm tối để sáng mai lên nương. Nhưng đêm hôm đó, không hiểu “trời xui, đất khiến” thế nào mà cả hai vợ chồng đều trằn trọc không ngủ được. Đến nửa đêm, bất ngờ ông Hanh bỗng nghe thấy tiếng nổ nhỏ nhưng đanh, vọng từ đỉnh núi. Ông chỉ kịp hét lên rồi kéo vợ chạy lao ra khỏi nhà. Không đầy 1 phút sau, những tảng đá lớn tày gian nhà từ trên núi ầm ầm lao xuống, đè sập căn nhà của vợ chồng ông trong phút chốc. Không có thiệt hại về người, nhưng toàn bộ tài sản tích cóp của gia đình, phút chốc đã bị vùi lấp trong đất đá.
“Sau khi xảy ra sạt lở, chúng tôi và nhiều hộ dân khác được chính quyền xã sơ tán khẩn cấp ra khỏi vùng sạt lở, đến ở tạm trong nhà của anh em, họ hàng. Nhìn khu nhà cũ tuy đã bị đổ nát, chúng tôi vẫn muốn được quay về nhưng không dám vì tình trạng sạt lở vẫn chưa dừng lại, trong khi mùa mưa giông đã bắt đầu” - ông Hanh nói.
Với gia đình anh Bùi Văn Công, có nhà nằm ngay dưới vị trí sạt lở đến nay cũng chưa thể tìm được nơi ở mới. Kể từ ngày vụ sạt lở xảy ra, gia đình anh phải đi ở nhờ nhà người thân. Căn nhà hiện tại đang bày bán hàng tạp hóa, ban ngày có khách thì anh vẫn tranh thủ ra bán, tối đến lại đóng cửa, đi ở nhờ. “Chúng tôi chỉ mong sớm được các cấp chính quyền hỗ trợ để được di dời đến nơi ở mới an toàn hơn. Chứ giờ có cho quay lại nhà cũ cũng không dám vì ở đây, cứ hễ mưa là sợ núi lở” - anh Công bày tỏ.
Cùng có chung tâm trạng phấp phỏng với người dân trong vùng sạt lở, ông Bùi Văn Dũng - Trưởng thôn Cả cho biết: "Hiện tại, trong khu vực bị ảnh hưởng bởi sạt lở tại núi Ma Lào có 9 hộ dân phải di dời. Trong đó, có 6 hộ đã phải di dời đến ở tạm nhà người thân và điểm trường lẻ thôn Cả, Trường Tiểu học Ban Công. Mong muốn lớn nhất của người dân thôn Cả hiện nay là Nhà nước sớm có giải pháp xử lý triệt để nguy cơ sạt lở và có chính sách hỗ trợ di dời, bố trí tái định cư, để bà con sớm ổn định cuộc sống".
Trao đổi với phóng viên về tình hình sinh sống của bà con trong vùng bị sạt lở ở thôn Cả, ông Nguyễn Thế Nghị - Chủ tịch UBND xã Ban Công cho biết: Ngay sau khi xảy ra sạt lở, UBND xã đã huy động lực lượng đến hiện trường, tổ chức sơ tán người dân và tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm. Tại vị trí sạt lở, xã đã phân công lực lượng theo dõi, cắm biển cảnh báo. Tuy nhiên, qua khảo sát, đánh giá nguy cơ địa chất và xây dựng phương án xử lý, hiện vẫn còn nhiều tảng đá lớn mắc lại trên đỉnh núi Ma Lào và có thể lăn xuống bất cứ lúc nào nên nguy cơ tái sạt lở là rất cao. Đặc biệt, vị trí sạt lở là tuyến đường chính của bà con thôn Cả ra trung tâm xã, nếu tình trạng sạt lở tái diễn, sẽ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao.
“Chúng tôi đã đề xuất cấp trên cho phép xây dựng khu tái định cư mới để ổn định nơi ở lâu dài cho các hộ bị ảnh hưởng. Trong lúc chờ đợi, người dân nơi đây vẫn đang phải sống trong cảnh lo âu, tạm bợ. Việc phải đi ở nhờ, ở tạm để lại nhiều khó khăn, bất cập trong sinh hoạt và sản xuất” - ông Nghị cho biết.
Còn theo ông Mai Hữu Phúc - Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước: “Trước mắt, chúng tôi đã yêu cầu chính quyền xã tạm thời bố trí nơi ở cho các hộ dân phải di dời khỏi vùng sạt lở, tại các gia đình trong anh em, họ hàng, trường học. Khuyến cáo người dân không quay về sinh sống trong các căn nhà cũ để tránh rủi ro nếu sạt lở tiếp tục diễn ra. Đồng thời, chúng tôi cũng đã làm tờ trình báo cáo UBND tỉnh, xin phương án di dời tái định cư theo các hình thức hình thức xen ghép, xây dựng mặt bằng cho các hộ dân nói trên. Phương án đã có nhưng do chưa bố trí được nguồn vốn nên vẫn chưa thể di dời các hộ dân như dự kiến”.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/thap-thom-cho-duoc-tai-dinh-cu-10304542.html