Giới phân tích địa chính trị thế giới cho rằng, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) có khả năng trở thành đồng minh tiếp theo tại Trung Đông rời khỏi quỹ đạo của Mỹ.
“Mọi chuyện bắt đầu với Saudi Arabia. Trong chuyến thăm Riyadh vào tháng 7 năm ngoái, Tổng thống Mỹ Biden đã nhận được sự chào đón thiếu nồng nhiệt".
"Tiếp đó, Saudi Arabia đã chọn Trung Quốc làm trung gian trong việc nối lại quan hệ ngoại giao với Iran. Diễn biến bất lợi nữa đối với Mỹ có thể đến từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất”, nhà báo Kenneth Rapoza đưa ra nhận xét trên ấn phẩm Forbes.
"Ví dụ điển hình của sóng gió giữa Washington và Abu Dhabi đó là Mỹ đã thất bại trong việc buộc UAE chống lại Liên bang Nga, khi họ vẫn đang giúp Moskva lách lệnh trừng phạt", nhà bình luận của tờ Forbes lưu ý.
Ngoài ra sự xấu đi trong quan hệ giữa Mỹ và UAE còn được thể hiện qua việc Tổng thống Joe Biden đề nghị người đứng đầu quốc gia này đến Washington vào mùa hè năm 2022. Tuy nhiên chuyến thăm vẫn chưa diễn ra, ông Rapoza nhấn mạnh.
"UAE là một phần quan trọng của chiến lược Trung Đông mà Washington theo đuổi", ông Stanislav Tarasov - Giám đốc trung tâm nghiên cứu Trung Đông - Caucasus của Nga nói với phóng viên tờ PolitExpert (PE) trong cuộc trả lời phỏng vấn.
Mỹ theo đuổi một chính sách đặc biệt, rất nhạy cảm, đó là lan tỏa sức mạnh và ảnh hưởng chính trị đối với mọi cường quốc trong khu vực. Nhưng giờ đây, UAE đang rời xa đồng minh khi họ chứng kiến Washington hết lần này đến lần khác thua cuộc.
“Có hai thời điểm chứng kiến thất bại nặng nề của Washington tại khu vực Trung Đông: thứ nhất - Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, sau đó thất thế trong mối quan hệ giữa Saudi Arabia và Iran (hai nước đã được Trung Quốc hòa giải)".
"Khoảng trống quyền lực và ảnh hưởng do Mỹ để lại ở Trung Đông giờ đây đang được lấp đầy một cách rất nhanh chóng bởi Nga và Trung Quốc”, người đối thoại của tờ PE cho biết.
Trung Quốc bắt đầu biến sự hiện diện kinh tế của mình trong khu vực thành một nền tảng địa chính trị. Chuyên gia Tarasov nhận xét UAE đang chọn một đối tác mới, nhưng việc họ hướng về phía Đông - theo Nga và Trung Quốc đã gây ra tâm trạng khó chịu đối với Mỹ.
“Và nước Mỹ, ngoại trừ việc đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt thì họ không thể làm bất cứ điều gì khác,” nhà khoa học chính trị Tarasov lưu ý.
Tất nhiên sẽ không có sự rạn nứt hoàn toàn giữa UAE và Mỹ, đặc biệt là trong tương lai gần, nhưng quan hệ sẽ dần trở nên nguội lạnh. Chuyên gia phân tích người Nga cho rằng bất chấp những bất đồng, hai bên vẫn đối xử với nhau bằng sự tôn trọng.
“Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất quan tâm đến nhiều công nghệ của Mỹ, bao gồm cả công nghệ quân sự. Có một mối gắn kết kinh tế trong quan hệ của họ với Washington".
"Do vậy một sóng gió không có nghĩa là phá vỡ hoàn toàn. UAE sẽ duy trì liên hệ với Mỹ, nhưng họ sẽ không còn như trước, và dần dần, Abu Dhabi sẽ trở nên độc lập với Washington", ông Tarasov nhấn mạnh.