Thất bại vì thiếu thông tin
Chính quyền địa phương cần có thông tin, định hướng cụ thể để tránh rủi ro cho nông dân
Gần đây, tại Tây Nguyên, hàng loạt hộ nông dân đang đối mặt với nhiều thách thức. Giá hồ tiêu liên tục giảm sâu, hiện chỉ còn trên dưới 50 ngàn đồng mỗi kg. Trong khi đó, cà phê cũng không lấy gì khả quan, khi giá bán cà phê nhân chỉ dao động quanh mức 35-43 ngàn đồng/kg … Chưa nói đến do tác động của thời tiết cực đoan nhiều vườn cây đối mặt với sâu bệnh, mất mùa…
Trước thực tế trên, nhiều hộ đã phải chuyển đổi sang trồng nhiều loại cây khác nhau với mục đích giá cả ổn định, có thu nhập để trang trải cuộc sống.
Trong đó, có nhiều hộ ở Gia Lai chuyển sang trồng cây sachi, mặc dù còn rất mơ hồ, chưa biết về thực hư giá trị kinh tế thế nào, và giá cả biến động ra sao.
Trở lại câu chuyện về cây sachi tại Tây Nguyên. Năm 2017 Công ty TNHH MTV Phương Phúc Nguyên được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cho phép triển khai trồng khảo nghiệm cây sachi trên địa bàn huyện Chư Sê, với diện tích gần 3ha và 9 hộ dân đăng ký trồng. Theo thỏa thuận, DN sẽ thu mua theo giá thị trường, nhưng giá sàn là 40 ngàn đồng/kg. Trên cơ sở đó, công ty đã triển khai mô hình khảo nghiệm trồng cây sachi tại xã Ia Blang, huyện Chư Sê (Gia Lai).
Một trong những hộ tham gia trồng khảo nghiệm, anh Nguyễn Viết Quyền, xã Ia Blang cho hay, tháng 2/2018, trên diện tích 1 sào hồ tiêu trước đây, gia đình đã xuống giống 200 cây sachi. Sau thời gian thử nghiệm, anh Quyền nhận thấy cây sachi dễ thích nghi với môi trường, chịu hạn tốt, ít dịch bệnh, thời gian ra quả chỉ sau 6-8 tháng và cho thu hoạch quanh năm. Với giá bán vào thời kỳ đầu, từ 50 ngàn đồng đến 140 ngàn đồng/kg, gia đình anh có lãi.
Tại thời điểm đó, các Công ty TNHH Macca Sachi Tây Nguyên (huyện Chư Sê) và nhiều DN khác cũng nhanh tay ký hợp đồng liên kết sản xuất với nông dân để trồng sachi với diện tích khoảng 200ha, trồng tập trung chủ yếu ở các huyện Chư Sê, Chư Prông, Chư Pưh, Chư Pah và Đăk Đoa.
Tuy nhiên về sau, nhiều DN phối hợp nông dân mở rộng diện tích trồng cây sachi một cách thiếu quy hoạch, và người dân cũng trồng tự phát, dẫn đến sachi bắt đầu có dấu hiệu khủng hoảng thừa vào giữa năm 2019, giá bán bắt đầu có chiều hướng sụt giảm, hiện chỉ còn 15 - 20 đồng/kg. Thậm chí, nhiều DN đã ký hợp đồng trước đó với người dân, nhưng giờ thu mua cầm chừng hoặc ngưng hẳn không thu mua.
Bà Nguyễn Thị Huế Ngọc, xã Ia Blang, huyện Chư Sê, một trong những hộ được Công ty TNHH MTV Phương Phúc Nguyên ký hợp đồng trồng sachi vào những ngày đầu, lúc ký hợp đồng, DN cam kết sẽ thu mua với giá thấp nhất 40 ngàn đồng/kg. Nếu giá thị trường cao hơn thì sẽ mua theo giá thị trường. Tin rằng sachi có thể cải thiện đời sống giữa lúc kinh tế gia đình đang kiệt quệ vì hồ tiêu, nên bà Ngọc đầu tư trồng sachi trên diện tích 3.000m2 đất. Song, chỉ đợt đầu bán được với giá cao (120 ngàn đồng/kg), rồi sau đó giá bắt đầu sụt giảm xuống còn 70 ngàn đồng/kg, rồi 40 ngàn đồng/kg; hiện tại còn 15 ngàn đồng/kg… Giá thấp đã đành, phía DN không mặn mà thu mua nên gia đình đành chặt bỏ hết…
Tương tự, anh Kyoi là một trong những hộ đầu tiên trên địa bàn xã Kdang (huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai) đưa cây sachi về trồng trong vườn cà phê. Nhưng hiện tại gia đình anh Kyoi đã phá bỏ hết sachi để trồng chanh dây, vì càng để lâu càng tốn công chăm sóc, mà thu hoạch về cũng không có ai mua.
Theo TS. Phạm Công Trí, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, cây sachi là cây trồng mới, có nguồn gốc từ Nam Mỹ, khảo nghiệm ở Việt Nam chỉ vài năm trở lại đây, các nghiên cứu chủ yếu đánh giá ban đầu, quy mô nhỏ. Những nghiên cứu trên diện tích lớn ở các vùng khí hậu khác nhau chưa nhiều. Thực tế tại Việt Nam, cây sachi chưa có quy trình sản xuất, chưa có công nghệ chế biến sau thu hoạch và chưa có thị trường ổn định nên việc trồng loại cây này tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Tại Đăk Lăk, sachi được trồng tập trung tại các huyện Krông Búk, Krông Pắc, Krông Năng, Ea Kar, thị xã Buôn Hồ… với tổng diện tích hơn 200ha. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk cho hay, sản phẩm từ cây sachi tại Đăk Lăk chưa có thị trường tiêu thụ ổn định, quy trình chế biến, sản xuất cũng chưa hình thành. Vì vậy, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân không nên mở rộng diện tích ồ ạt, chỉ trồng khảo nghiệm ở các diện tích nhỏ, tránh thiệt hại cho người trồng khi cung vượt quá cầu.
Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/that-bai-vi-thieu-thong-tin-92318.html