Thắt chặt chi tiêu, du lịch 'tại chỗ' lên ngôi

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, giá vé máy bay tăng mạnh, nhằm tiết kiệm chi phí, xu hướng du lịch 'tại chỗ' được ưa chuộng trở lại.

 Thắt chặt chi tiêu, du lịch "tại chỗ" lên ngôi trở lại. Ảnh minh họa

Thắt chặt chi tiêu, du lịch "tại chỗ" lên ngôi trở lại. Ảnh minh họa

Giá vé máy bay "đắt đỏ"

Vừa có chuyến đi Đà Nẵng với gia đình, chị Thảo Nguyên (28 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội) liên tục canh đặt vé máy bay trước 2 tháng chuẩn bị cho chuyến đi Sài Gòn vào cuối tháng này: "Tháng trước đi Đà Nẵng, tôi đã phải đặt vé trước 3 tháng mới "săn" được giá rẻ vì năm nay giá vé cao hơn nhiều so với năm ngoái, tăng khoảng 1 triệu đồng cho chặng Hà Nội – Đà Nẵng. Bởi vậy, chuyến đi Sài Gòn tới tôi cũng đã đặt trước 2 tháng, thức đêm để canh đợt khuyến mãi để lấy được giá hợp lý nhất".

Theo Cục Hàng không Việt Nam (HKVN), từ đầu năm 2024 đến nay, giá vé trung bình hàng phổ thông trên một số đường bay (giá đã gồm thuế, phí) của các hãng HKVN đều tăng so với cùng kỳ năm 2023, nhưng vẫn bảo đảm nằm trong khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách theo quy định hiện hành.

Giá vé máy bay tăng mạnh trong thời gian qua (Ảnh chụp màn hình)

Giá vé máy bay tăng mạnh trong thời gian qua (Ảnh chụp màn hình)

Cụ thể, đối với chặng Hà Nội – TPHCM, giá vé trung bình của Vietnam Airlines khoảng 2,64 triệu đồng (tăng khoảng 14% so với cùng kỳ năm 2023), Vietjet Air khoảng 1,74 triệu đồng (tăng 25%), Bamboo Airways khoảng 2 triệu đồng (tăng 11%) và Vietravel Airlines khoảng 1,5 triệu đồng (tăng 15%). So với mức giá tối đa theo quy định (3,4 triệu đồng, chưa bao gồm thuế, phí), mức giá vé trung bình cả các hãng hiện đang ở mức 44,1% đến 77,6%.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, giá vé máy bay tăng mạnh thời gian qua trong xu hướng chung của thế giới do chịu tác động bởi nhiều yếu tố chính.

Bao gồm: Giá nguyên liệu tăng cao; chênh lệch tỷ giá ngoại tệ; việc triệu hồi động cơ của nhà sản xuất Pratt&Whitney (PW) tác động đến việc giảm đội tàu bay, việc tiếp nhận các tàu bay mới và chi phí bảo dưỡng tàu bay dừng khai thác tăng; giá thuê tàu bay tăng cao và tình hình cung giảm - cầu tăng trong vận tải hàng không.

Du lịch "tại chỗ" lên ngôi

Du lịch "tại chỗ" được hiểu là hình thức du lịch không cần di chuyển đến các địa điểm xa xôi, mang lại trải nghiệm du lịch ngay tại nơi bạn sinh sống hoặc gần nơi bạn sống.

Xu hướng du lịch "tại chỗ" bắt đầu xuất hiện vào thời điểm đại dịch Covid-19. Khi điều kiện di chuyển hạn chế, xu hướng này bỗng nổi lên như một lựa chọn an toàn và hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thư giãn, nghỉ ngơi của mọi người.

Trong bối cảnh giá vé máy bay cao như hiện nay, tâm lý và xu hướng du lịch của nhiều người phần nào chịu ảnh hưởng, nhiều người đã lựa chọn hình thức du lịch "tại chỗ" này thay vì đến các nơi xã hội nhằm tiết kiệm chi phí.

Theo đại diện CTCP Lữ hành và Sự kiện Thuận An - Ascend: "Giá vé máy bay cao hơn nên khách hàng dè dặt hơn trong việc lên kế hoạch đi du lịch".

Dựa vào tâm lý thực tế của khách hàng, phía Ascend cho biết, giá vé máy bay cao đã ảnh hưởng đáng kể tới tâm lý khách hàng, tạo ra các xu hướng như là: Đặt vé sớm; nghiên cứu kỹ chi phí, thức đêm săn vé giá rẻ.

Đặc biệt là nhiều người tìm kiếm các lựa chọn thay thế khác tiết kiệm hơn, thay vì đến Nha Trang, Phú Quốc, Đà Nẵng thì chuyển sang các địa điểm gần, di chuyển bằng đường bộ, để giảm chi phí đi lại, như: Hạ Long, Ninh Bình, Yên Tử…; thậm chí là lựa chọn đi nước ngoài với chi phí rẻ hơn đi nội địa như Thái Lan.

Dự định đi Đà Nẵng vào hè này, chị Đặng Phương Thảo (26 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã phải đổi địa điểm tới Cô Tô (Quảng Ninh) bởi: "Giá vé máy bay đi Đà Nẵng phải tăng gần gấp đôi so với năm ngoái, chiếm tới 50% chi phí du lịch tôi dự tính".

Chị cho biết, chị thường xuyên đi du lịch vào các dịp lễ hội, đặc biệt là vào mùa hè, song, năm nay, mặt bằng giá vé máy bay tăng quá cao, ảnh hưởng không nhỏ tới chi phí, kế hoạch du lịch của chị.

"Nhiều khi chi phí đi du lịch nước ngoài như Thái Lan còn rẻ hơn đi nội địa. Do vậy mà hè năm nay, tôi quyết định đi Cô Tô (Quảng Ninh), riêng không phải đi máy bay đã giúp tôi tiết kiệm đáng kể chi phí, thoải mái chi tiêu cho các hoạt động ăn chơi hơn", chị chia sẻ.

Nhu cầu du lịch cao, song, xu hướng thắt chặt chi tiêu gia tăng, du lịch "tại chỗ" được ưa chuộng (Ảnh minh họa: NVCC)

Nhu cầu du lịch cao, song, xu hướng thắt chặt chi tiêu gia tăng, du lịch "tại chỗ" được ưa chuộng (Ảnh minh họa: NVCC)

Được biết, xu hướng này không chỉ xuất hiện ở các nhóm khách lẻ mà còn gia tăng mạnh ở các nhóm khách đông, đi nhóm, đi đoàn… nhằm đảm bảo mục tiêu tiết kiệm chi phí.

Đánh giá về xu hướng này, đại diện Ascend cho rằng, du lịch "tại chỗ" thực chất đã xuất hiện từ năm 2023 khi giá vé máy bay bắt đầu tăng kể, cùng với bối cảnh kinh tế suy thoái, ảm đạm, kéo dài tới năm nay, khiến xu hướng này càng gia tăng mạnh hơn nữa.

Mặc dù vậy, lượng khách du lịch lại tăng mạnh trong năm nay so với năm ngoái. Tại Ascend, 6 tháng đầu năm 2024, lượng khách lựa chọn đi du lịch bằng đường bay tăng gấp 2,8 lần so với cùng kỳ; còn lượng khách lựa chọn đi du lịch bằng đường bộ tăng gấp 8,6 lần so với cùng kỳ. Như vậy, nhu cầu du lịch của người dân vẫn cao nhưng trong tâm lý thắt chặt chi tiêu, nên lựa chọn du lịch gần được ưa chuộng hơn.

Minh Anh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/that-chat-chi-tieu-du-lich-tai-cho-len-ngoi-20240712165236849.htm