Kinh nghiệm công tác sinh hoạt chuyên môn và đào tạo bồi dưỡng lý luận chính trị

Trung tâm Chính trị cấp huyện là đơn vị sự nghiệp trực thuộc cấp ủy cấp huyện, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện. Trung tâm Chính trị cấp huyện có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức quản lý nhà nước, kiến thức, kỹ năng và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cho cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn cấp huyện; tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng lịch sử Đảng và lịch sử đảng bộ của địa phương; tham gia phối hợp trong công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận theo yêu cầu của cấp ủy.

Trung tâm Chính trị huyện Tam Đường hiện có 12 giảng viên (trong đó có 02 giảng viên chuyên trách, 10 giảng viên kiêm chức) thường xuyên tham gia giảng dạy tại các lớp đào tạo, bồi dưỡng; 100% giảng viên có trình độ cao cấp lý luận chính trị; 50% giảng viên có trình độ Thạc sĩ; 100% giảng viên ứng dụng khoa học công nghệ trong soạn giáo án và giảng dạy bằng Powerpoint; giảng viên thường xuyên cập nhật, bổ sung những nội dung mới vào bài giảng…

Thời gian qua, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã quan tâm hướng dẫn Trung tâm Chính trị thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng; trực tiếp hướng dẫn đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo các nghị quyết, chỉ thị, quyết định, kế hoạch của Trung ương, của tỉnh, nhất là hướng dẫn thực hiện Quyết định 883-QĐ/BTGTW, ngày 24/11/2021 của Ban Tuyên giáo Trung ương Ban hành Quy chế đào tạo, bồi dưỡng của Trung tâm chính trị cấp huyện.

Huyện ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo Trung tâm Chính trị thực hiện tốt việc mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng; chỉ đạo việc đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý theo Nghị quyết số 32-NQ/TW, ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý. Theo Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 09/2/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới. Trong điều kiện ngày nay, để nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị tại Trung tâm Chính trị cần phải xác định trước hết phải xuất phát từ việc nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị của đội ngũ giảng viên. Trong đó, sinh hoạt chuyên môn là một hoạt động hết sức quan trọng, thông qua hoạt động sinh hoạt chuyên môn, người giảng viên sẽ được bổ sung và nâng cao những kiến thức chuyên môn trong thực tiễn, những kỹ năng trong công tác giảng dạy và quản lý người học. Mặt khác, hoạt động sinh hoạt chuyên môn không chỉ giúp giảng viên nâng cao năng lực chuyên môn cho bản thân mà còn là không gian để giảng viên trao đổi, hỗ trợ, học hỏi lẫn nhau trong công tác.

Xác định sinh hoạt chuyên môn là một hoạt động hết sức quan trọng không thể thiếu trong công tác đào tào, bồi dưỡng nói riêng và hoạt động giáo dục lý luận chính trị nói chung. Trong những năm qua, Trung tâm Chính trị huyện Tam Đường luôn quan tâm, chú ý xây dựng kế hoạch và tổ chức hoạt động sinh hoạt chuyên môn cho giảng viên; hoạt động này được thực hiện thường xuyên hàng năm. Các hình thức sinh hoạt chuyên môn đã được Trung tâm Chính trị huyện Tam Đường thực hiện đó là: sinh hoạt theo chuyên đề; sinh hoạt theo nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng và sinh hoạt qua dự giờ, trao đổi rút kinh nghiệm. Thông qua sinh hoạt chuyên môn đã mở ra cho giảng viên nhiều chiều hướng nghiên cứu hay, cách tiếp cận khoa học để soạn giáo án, mở ra những phương pháp giảng dạy tích cực, phù hợp. Thông qua sinh hoạt chuyên môn còn giúp Trung tâm Chính trị nắm bắt được những thông tin, tình huống, thế mạnh của từng giảng viên, từ đó kịp thời điều chỉnh phân công nội dung giảng dạy cho phù hợp với năng lực, sở trường của giảng viên.

Từ năm 2020 đến nay, Trung tâm Chính trị huyện Tam Đường đã tổ chức 09 Hội nghị sinh hoạt chuyên môn theo chuyên đề, nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng; dự 46 giờ trên 12 giảng viên (trong đó trao đổi rút kinh nghiệm 28 giờ giảng trên 08 giảng viên). Hoạt động sinh hoạt chuyên môn tại Trung tâm được tổ chức thường xuyên, nội dung phong phú, đa dạng nên đã được giảng viên ủng hộ và tích cực tham gia.

Từ thực tiễn thực hiện hoạt động sinh hoạt chuyên môn trong công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, Trung tâm Chính trị huyện Tam Đường chia sẻ một số kinh nghiệm sau:

Thứ nhất, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Huyện ủy mà trực tiếp là Thường trực Huyện ủy phải quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn Trung tâm Chính trị xây dựng kế hoạch sinh hoạt chuyên môn, dự giờ giảng viên hàng năm. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc, nhắc nhở Trung tâm Chính trị nghiêm túc thực hiện quy chế đào tạo, bồi dưỡng và kế hoạch sinh hoạt chuyên môn, dự giờ đã được xây dựng.

Thứ hai, nâng cao nhận thức của đội ngũ giảng viên về yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị; ý nghĩa, vai trò của hoạt động sinh hoạt chuyên môn trong giảng dạy lý luận chính trị. Giảng viên chủ động chia sẻ, trao đổi, học tập kinh nghiệm, cách tiếp cận, phương pháp giảng dạy tích cực để đáp ứng xu thế thời đại.

Thứ ba, sự chủ động, sáng tạo của Ban Giám đốc Trung tâm Chính trị trong xây dựng kế hoạch sinh hoạt chuyên môn, dự giờ hàng năm. Nội dung kế hoạch phải cụ thể như: số lượng hội nghị sinh hoạt chuyên môn trong năm, hình thức thời gian tổ chức, thành phần tham gia, nội dung sinh hoạt chuyên môn, phân công giảng viên chuẩn bị nội dung... Trước khi tổ chức hội nghị sinh hoạt chuyên môn, chủ động gửi giấy mời hoặc thông báo đến các giảng viên, các thành phần tham dự hội nghị trước đó 15 ngày hoặc ít nhất 01 tuần, để giảng viên sắp xếp, bố trí thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và tham gia Hội nghị. Giảng viên kiêm chức đang giảng dạy lý luận chính trị tại Trung tâm Chính trị đều là lãnh đạo các cơ quan, ban, đoàn thể huyện, có cả các đồng chí là Thường trực Huyện ủy, vì vậy việc bố trí thời gian tổ chức sinh hoạt chuyên môn là hết sức khó khăn. Để tất cả giảng viên đều được tham gia sinh hoạt chuyên môn, ngay từ đầu tháng Trung tâm Chính trị cần phải căn cứ vào chương trình làm việc của Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Chấp hành huyện để xây dựng kế hoạch, phối hợp với giảng viên, xác định thời gian cụ thể, để các đồng chí giảng viên chủ động, xây dựng kế hoạch làm việc của cá nhân và tham gia sinh hoạt chuyên môn được đầy đủ. Vì vậy, việc sắp xếp thời gian tổ chức hợp lý, là yếu tố góp phần quan trọng, tạo nên thành công của buổi sinh hoạt chuyên môn.

Tuy nhiên, trong thực hiện hoạt động sinh hoạt chuyên môn của Trung tâm Chính trị huyện Tam Đường vẫn còn gặp phải một số hạn chế, khó khăn như: nội dung sinh hoạt chuyên môn chưa được đa dạng, chủ yếu do Trung tâm đề xuất; hình thức thực hiện chưa bài bản, chưa có nhiều đổi mới, sáng tạo; một số giảng viên kiêm chức tham gia dự giờ còn hạn chế.

Để hoạt động sinh hoạt chuyên môn trong công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị trong thời gian tới đạt hiệu quả cao, cần:

Một là, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cần có hướng dẫn chi tiết về hoạt động sinh hoạt chuyên môn, nghiên cứu khoa học để thống nhất thực hiện trong toàn tỉnh.

Hai là, Huyện ủy tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị nói chung và hoạt động sinh hoạt chuyên môn cho đội ngũ giảng viên nói riêng.

Ba là, nâng cao vai trò của giảng viên tham gia hoạt động sinh hoạt chuyên môn. Giảng viên phải chủ động nghiên cứu trước nội dung theo chủ đề sinh hoạt chuyên môn, tham gia và tích cực trao đổi, thảo luận.

Bốn là, trung tâm Chính trị huyện chủ động xây dựng kế hoạch sinh hoạt chuyên môn, dự giờ hàng năm. Đổi mới nội dung, hình thức tổ chức hoạt động sinh hoạt chuyên môn. Nội dung sinh hoạt chuyên môn phải đáp ứng được nhu cầu của đa số giảng viên; nội dung đưa ra để trao đổi, thảo luận phải đảm bảo yếu tố tính mới và vấn đề khó, hoặc những nội dung còn hạn chế trong giảng dạy mà đa số giảng viên quan tâm. Chuẩn bị tốt các điều kiện, bố trí thời gian và tiến hành tổ chức hoạt động sinh hoạt chuyên môn phù hợp. Duy trì và tạo không khí hoạt động sinh hoạt chuyên môn hào hứng, sôi nổi. Đối với người duy trì thảo luận nên áp dụng ba nguyên tắc: khuyến khích càng nhiều ý kiến càng tốt; hoan nghênh những ý kiến độc đáo và không chỉ trích hay phê bình ý kiến người khác.

B.T

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/ch%C3%ADnh-tr%E1%BB%8B/kinh-nghi%E1%BB%87m-c%C3%B4ng-t%C3%A1c-sinh-ho%E1%BA%A1t-chuy%C3%AAn-m%C3%B4n-v%C3%A0-%C4%91%C3%A0o-t%E1%BA%A1o-b%E1%BB%93i-d%C6%B0%E1%BB%A1ng-l%C3%BD-lu%E1%BA%ADn-ch%C3%ADnh-tr%E1%BB%8B