Thắt chặt quản lý nền tảng trung gian để kiểm soát sách lậu

Cắt giảm thủ tục hành chính, thắt chặt xử lý nền tảng trung gian để kiểm soát sách lậu... là những điều được kỳ vọng trong lần sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản sắp tới.

 Cụ trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên (trái) và Phó chủ tịch chuyên trách Hội Xuất bản Việt Nam Đỗ Quang Dũng chủ trì tọa đàm. Ảnh: P.K.

Cụ trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên (trái) và Phó chủ tịch chuyên trách Hội Xuất bản Việt Nam Đỗ Quang Dũng chủ trì tọa đàm. Ảnh: P.K.

Tọa đàm lấy ý kiến Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản sáng 22/4 tại TP.HCM đề xuất những đổi mới trong hoạt động quản lý xuất bản nhằm thích nghi với bối cảnh phát triển hiện tại của ngành và yêu cầu của đất nước trong kỷ nguyên mới.

Đưa các gian hàng trên sàn thương mại điện tử vào phạm vi quản lý

Một điểm nhấn trong Dự thảo Đề cương Sửa đổi Luật Xuất bản là đưa doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian vào trong phạm vi quản lý. Nhiều năm nay, cơ chế vận hành còn lỗ hổng trên nền tảng số đã tạo ra môi trường cho vấn nạn sách giả, sách lậu thêm trầm trọng trong thời đại Internet; song đến nay chưa có luật định ràng buộc các đơn vị này chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Dẫn trường hợp trước đây xe công nghệ nằm trong "vùng xám", song cuối cùng được quản lý như hãng taxi thay vì đơn thuần là đơn vị cung cấp nền tảng, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên chỉ ra rằng các sàn thương mại điện tử về bản chất cũng là bên thu lợi từ hoạt động kinh doanh xuất bản phẩm, do đó cần đồng chịu trách nhiệm với gian hàng như tất cả các đơn vị phát hành khác. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng công tác bảo vệ bản quyền vẫn cần sự chủ động từ các đơn vị xuất bản trong việc phát hiện, tố giác vi phạm với cơ quan chức năng và tuyên truyền đến người đọc.

Trước câu hỏi về quản lý xuất bản phẩm trên nền tảng số trong quan hệ với các nền tảng ebook có bản quyền hay thư viện, ông Nguyễn Nguyên cho rằng điều này có thể được quy định trong hợp đồng giữa bên cung cấp và bên phát hành, cho mượn sách điện tử về số lượt truy cập tại cùng một thời điểm, thay vì cần đến luật hóa phức tạp.

 Sách giả vẫn khó kiểm soát trên các nền tảng số. Ảnh: Quỳnh Trang.

Sách giả vẫn khó kiểm soát trên các nền tảng số. Ảnh: Quỳnh Trang.

Hóa giải những chồng chéo, bất cập

Dự thảo lần này cũng đề xuất giản lược những thủ tục hành chính và giải quyết những bất cập trong công tác quản lý xuất bản, in, phát hành, trên tinh thần thực hiện Nghị quyết số 66/NQ-CP nhằm cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 30% thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thay vì thông qua bước cấp phép xuất bản thì Cục Xuất bản sẽ quản lý thông qua chỉ số ISBN (International Standard Book Number, Mã số tiêu chuẩn quốc tế cho sách), để giảm thiểu thủ tục chồng chéo và tối ưu hoạt động quản lý, tiết kiệm được thời gian đưa sách đến tay bạn đọc. Sách nộp lưu chiểu sẽ dành cho công tác hậu kiểm.

Bên cạnh đó, một quy định đang "trói chân" nhà xuất bản bấy lâu nay là buộc phải đăng ký phát hành sách do chính mình xuất bản, trong khi đáng lý "không đơn vị nào lại phải đi đăng ký để kinh doanh chính sản phẩm do mình sản xuất", ông Nguyễn Nguyên nói.

Hoạt động liên kết xuất bản, nơi khối tư nhân thời gian qua đã tích cực tham gia đóng góp, cho ngành "luồng sinh khí mới", được kỳ vọng sẽ có thêm không gian để phát huy được vai trò. Đơn cử, hiện nay tuy nhà xuất bản đã cấp phép xuất bản nhưng để in sách lại cần hợp đồng 3 bên (nhà xuất bản, đơn vị liên kết và cơ sở in) - điều được đánh giá là "phi kinh tế, phi thị trường". Bởi lẽ nhà xuất bản hoàn toàn có thể kiếm soát nội dung và số lượng sách in thông qua quyết định xuất bản, quyết định phát hành.

Dự thảo cũng đề xuất mở rộng hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng, hiện đại hóa cơ sở vật chất, ứng chuyển giao công nghệ - kỹ thuật tiên tiến tại các nhà xuất bản cũng như bổ sung ưu đãi về tiền thuê nhà, thuê đất thuộc sở hữu nhà nước cho các nhà xuất bản.

 Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ Phan Thị Thu Hà (bên phải) chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: P.K.

Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ Phan Thị Thu Hà (bên phải) chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: P.K.

Mô hình hoạt động của nhà xuất bản là mối quan tâm của bà Phan Thị Thu Hà, Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ. Bên cạnh những đơn vị sự nghiệp và đơn vị sự nghiệp có thu, nhiều nhà xuất bản vận hành ở mô hình doanh nghiệp hiện phải xoay xở với bài toán nguồn kinh phí tái đầu tư cho hoạt động kinh doanh và cả phúc lợi cho các cấp quản lý, nhân viên.

Thảo luận về yêu cầu bằng cấp, chứng chỉ đối với tổng biên tập, phó tổng biên tập và biên tập viên thu hút nhiều ý kiến khác nhau trong tọa đàm. Có những biên tập viên lâu năm được đào tạo chính quy, bài bản đúng với chuyên môn song theo quy định mới cần có chứng chỉ biên tập viên, lại phải học khóa nghiệp vụ ngắn hạn mới được đứng tên biên tập trong sách. Trái lại, nếu thả lỏng không ràng buộc thì "ai cũng có thể làm biên tập viên", ảnh hưởng đến chất lượng xuất bản phẩm.

Tâm huyết học hỏi từ các mô hình báo chí - xuất bản - truyền thông trên thế giới, Phó vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thị Mỹ Linh đặt ra câu hỏi về mở rộng biên khái niệm xuất bản, tìm kiếm mô hình hoạt động tối ưu cho đơn vị xuất bản và đào tạo, bồi dưỡng nhân sự cho các mô hình đó trong bối cảnh xuất bản hiện đại.

Trước ý kiến mở rộng hành lang cho doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào ngành xuất bản, in ấn, Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam Nguyễn Văn Dòng bày tỏ quan ngại sẽ gây ra thế khó cho doanh nghiệp trong nước; do đó cần được cân nhắc kỹ lưỡng.

Phong Khang

Nguồn Znews: https://znews.vn/that-chat-quan-ly-nen-tang-trung-gian-de-kiem-soat-sach-lau-post1547856.html