Thật đây rồi, vẫn cứ nghĩ như mơ!
Như cái bản lề lịch sử khép lại đau thương, chia ly, sự kiện miền Nam giải phóng (1975) mở ra chân trời kỷ nguyên độc lập, tự do, hạnh phúc của đất nước. Là tiếng nói của cảm xúc, thơ và nhạc nói hay hơn cả về niềm vui vô bờ, niềm tự hào cao cả, thiêng liêng ấy.
Ôi, buổi trưa nay, tuyệt trần nắng đẹp
Trưa ngày 30/4/1975 trời Sài Gòn rất đẹp. Một hiện thực không gian trong sáng được ánh xạ vào thơ càng thêm lung linh trong sáng, khoáng đạt lạ lùng. Trong “Khoảng lặng yên tháng Tư”, Ngô Thế Oanh thốt lên: “Tôi chưa bao giờ gặp đâu một bầu trời như thế/ Bầu trời trong cao rộng khác thường”.
Trời vui, lòng người còn vui hơn, nhất là người lính, vì với họ, quãng đời đẹp nhất phải cầm súng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do cho Tổ quốc, nên niềm khát khao lớn nhất là hòa bình. Không ngẫu nhiên, viết hay, trung thực, chân thành, sâu đằm cảm xúc về sự kiện này, phần lớn là các nhà thơ mặc áo lính.

Đồng bào rước ảnh Bác Hồ trong Lễ Duyệt binh tại Sài Gòn ngày 15/5/1975.
Người lính tăng Hữu Thỉnh cùng đồng đội: “Bỏ lại đằng sau bao trận đánh/ Kịp vào thành phố sáng tên Người” để có “Bữa cơm chiều trong Dinh Độc Lập” (tên bài thơ). Một không gian tự do, hòa bình mở ra: “Tự do xanh quá, mênh mông quá”. Thiêng liêng lá cờ cắm trên nóc Dinh Độc Lập là biểu tượng cho TỰ DO sinh động, tươi mới nhất, cũng cảm động nhất: “Cờ treo trên đỉnh nước non ơi/ Ta trẻ như cờ ta trẻ lắm/ Ta reo trời đất cũng reo cùng/ Ta no cười nói, say đôi mắt…”.
Tâm trạng vui say náo nức, nhìn cái gì cũng náo nức, vui say. Ở rừng đã lâu, nay được nghe tiếng chim hót giữa Sài Gòn, với Nguyễn Đức Mậu thật khác: “Trong giọng hót ngày hòa bình vui lạ/ Có phải chim từ nơi súng nổ bay ra/ Tôi cứ nghĩ đàn chim ở tay người cầm súng/ Trái tim vui suốt dải đất hai miền” (Trường ca Sư đoàn).
Bác Hồ ơi! Toàn thắng về ta
Nhạc sĩ Phạm Tuyên kể lại, tối 28/4/1975, nghe tin Sài Gòn sắp giải phóng, chỉ chưa đầy 2 tiếng đồng hồ, từ 9 giờ đến 11 giờ đêm, nhạc sĩ đã viết xong bài “Như có Bác trong ngày đại thắng”. Sáng 29/4, ông mang bản nhạc lên Đài Phát thanh, Ban Giám đốc lưỡng lự chưa “duyệt”, vì chưa “đại thắng”. 17h ngày 30/4 Trung ương công bố giải phóng miền Nam, dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Cao Việt Bách, đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam đã thu âm bài hát. Từ người chỉ huy đến người hát đều khóc vì vui sướng.
Không chỉ là một ca khúc về niềm vui thống nhất, lời tri ân với Bác, với đồng bào Nam Bắc, cao hơn, còn là nguyên lý thắng lợi, là chân lý lịch sử, là đạo lý dân tộc: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng/ Lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng/ Ba mươi năm đấu tranh giành toàn vẹn non sông/ Ba mươi năm dân chủ cộng hòa kháng chiến đã thành công/ Việt Nam - Hồ Chí Minh…”. Từ đó, bài hát trở thành tài sản văn hóa Việt Nam, ai cũng có thể hát, từ người lớn đến trẻ em, trong những ngày vui, trong những ngày lễ trọng đại!
Trong “Nhớ lại một thời”, Tố Hữu kể “Toàn thắng về ta” được làm vào một ngày đầu tháng 5/1975 với cảm xúc tươi nguyên về chiến thắng: “Ôi, buổi trưa nay, tuyệt trần nắng đẹp/ Bác Hồ ơi! Toàn thắng về ta/ Chúng con đến, xanh ngời ánh thép/ Thành phố tên Người lộng lẫy cờ hoa”.
Trong niềm vui chiến thắng, tiếng gọi Bác ân tình biết bao. Nơi đây, 64 năm trước (1911), Bác ra đi... Nhưng Bác chưa được hưởng niềm vui đất nước đoàn tụ. Được viết ngay tại sân bay Tân Sơn Nhất ngày 2/5/1975, trong “Trận thắng cuối cùng”, nhà thơ Lê Đức Thọ nhớ về Bác, cũng là nỗi nhớ chung của hàng triệu người con nhớ về vị Cha già: “Lời Bác dặn đã hoàn thành trọn vẹn/ Giờ này đây Bác ngủ hẳn yên lòng”.
Thật đây rồi, vẫn cứ nghĩ như mơ
Những bài thơ có tứ thường neo cảm xúc vào sự kiện nào đó. Sự kiện càng lớn, cảm xúc cũng lớn theo. Với một dân tộc trải qua hàng nghìn năm bị đô hộ, bị giặc giã xâm lăng, thì giải phóng là sự kiện lớn nhất cũng là cảm xúc lớn nhất để trở thành suối nguồn cảm hứng tuôn trào. Với thi sĩ, ngoài tài năng, còn cần đến may mắn. Sự kiện non sông thống nhất là may mắn lớn giúp nhiều nhà thơ tựa vào cái tứ GIẢI PHÓNG để thăng hoa cảm xúc.
Xuân Sách nói thay nhiều tâm trạng: “Đường phố xôn xao đỏ rợp cờ/ Người đi vừa thật lại vừa mơ/ Nửa đời cầm súng đi đánh giặc/ Nay bỗng hồn nhiên như trẻ thơ” (Trên đường phố). Bằng Việt cũng có ý thơ tương tự: “Đi giữa phố khóc cười như trẻ nhỏ/ Cái giây phút một đời người mới có/ Thật đây rồi vẫn cứ ngỡ như mơ” (Đêm 30/4/1975). Những trường hợp gần gũi ngẫu nhiên này, chỉ có thể giải thích là do tương đồng ý tưởng, cảm xúc.
Niềm vui quá lớn, những đêm ấy cả Sài Gòn không ngủ. Cái xốn xang, xao xuyến trong tâm trạng, cái lóng ngóng đáng yêu trong hành động chưa quen không gian mới, được Anh Ngọc đưa vào thơ, thật và tinh tế: “Ru anh như chiếu như giường/ Đệm chăn đầu không bén gối/ Trong mơ chợt nghe tiếng suối/ Mở mắt quạt trần đang quay” (Mắc võng ở Sài Gòn).
Kính chào Anh, con người đẹp nhất!
Nổi bật trong ngày vui là hình tượng người lính - những người trực tiếp cầm súng làm nên chiến thắng. Học tập, kế thừa âm hưởng chiến thắng từ “Thơ chúc Tết năm 1968” của Bác Hồ, trong “Toàn thắng về ta”, Tố Hữu tái hiện sinh động bước hành quân thần tốc trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử: “Chặt Buôn Mê Thuật, rụng cả Tây Nguyên/ Quét Huế - Thừa Thiên, đổ nhào Đà Nẵng…”. Nâng lên phạm trù cái cao cả, nhà thơ kiến tạo hình tượng anh giải phóng quân theo hướng kết tinh những giá trị văn hóa lịch sử, thời đại và hào khí non sông: “Tổ quốc cho anh dòng sữa tự hào/ Thời đại cho anh ánh sao trí tuệ…/ Khí phách anh là Trường Sơn thanh cao”.

Bộ đội ta trong Dinh Độc lập.
Cái khéo của Hữu Thỉnh trong “Bữa cơm chiều trong Dinh Độc Lập” là từ chi tiết đời thường (bữa cơm) đã nâng tầm hình tượng người lính ngang tầm vũ trụ. Hàng cây vốn uy nghi trong Dinh Độc Lập được nhìn như là những đôi đũa để người lính “so” trước khi ăn: “Hàng cây so đũa cùng ta đó”. Chi tiết “anh nuôi bận” vì mải “chia thêm” thức ăn cho “tổng thống ngụy đầu hàng” đưa hình tượng bước vào không gian văn hóa của vẻ đẹp nhân văn, tình người lớn lao.
Vương Trọng lại đặt hình tượng quen thuộc - cô giao liên Trường Sơn năm xưa, vào không gian mới, làm sáng bừng những nét dung dị, tự nhiên mà cao cả, sáng ngời: “Vẫn nguyên vành mũ lá sen/ Vẫn đôi dép lốp vốn quen đường rừng/ Vẫn quân phục cũ nửa chừng/ Dáng em không lẫn giữa rừng người chen” (Trên đường phố Sài Gòn).
Từ nay thỏa nỗi chờ mong
Sinh thời, niềm mong ước lớn nhất của Bác, cũng là của dân tộc, của lịch sử, của hơn ba chục triệu con tim là Nam Bắc một nhà. Phải mấy chục năm ròng, mất bao hy sinh, chia ly, niềm mong ước ấy mới thành hiện thực, như một chân lý nghệ thuật, THỐNG NHẤT trở thành tứ thơ đẹp nhất của thời đại: Từ nay thỏa nỗi chờ mong. Chỉ có thơ, nhạc mới đủ biên độ, cao độ, trường độ ngân vang được cảm xúc này: “Từ nay thỏa nỗi chờ mong/ Hai mươi năm một dòng sông nối liền/ Một trăng rằm buổi đoàn viên/ Một dây đàn đã rung lên ngọt lành” (Nguyễn Đức Mậu - "Thỏa nỗi chờ mong").
Trong bản tổng phổ âm thanh niềm vui say bất tận, cất lên tiếng thơ cũng là tiếng lòng, có tráng ca, hoan ca, cả sự vang vọng âm hưởng của hùng ca sử thi: “Từ đây hết nỗi đêm Nam, ngày Bắc/ Dây đàn bầu thôi đứt ở Hiền Lương/ Gửi lại sau lưng sáu ngàn ngày đánh giặc/ Non nước này xanh mặt nước Hồ Gươm” (Tô Hà - "Viết trong ngày toàn thắng").
Từ “Khoảng lặng yên tháng Tư”… nhắn đến mai sau!
Trong những ngày vui nhất này, Ngô Thế Oanh nhớ về những đồng đội đã anh dũng ngã xuống không được chứng kiến phút giây lịch sử: “Đồng đội của tôi, đồng đội của tôi/ Nói gì được nữa đây trong buổi mai toàn thắng/ Bỗng thấm thía hơi ấm bàn tay bạn/ Đất dịu mát dưới chân không sao thốt lên lời” (Khoảng lặng yên tháng Tư). Nguyễn Đức Mậu trong “Trường ca sư đoàn” có những câu thơ nghẹn ngào ám ảnh: “Nếu hôm nay tất cả về đông đủ/ Sư đoàn tôi thành mấy sư đoàn”.
Lê Văn Vọng ghi lại hình ảnh “Người chiến sĩ trong trận đánh cuối cùng” (tên bài thơ) thật xúc động, xót xa: “Anh ngã xuống phút cuối cùng chiến dịch/ Chỉ một tầm tay thôi là chiến tranh kết thúc/ Anh là người cuối cùng nhận về mình cái chết/ Để ngày vui bạn bè đủ mặt”. Người Việt có truyền thống quý người: “Người ta là hoa đất”. Với con người, có gì quý hơn thân thể mình đâu. Thế mà người lính đã hy sinh cái quý giá nhất của mình vì đất nước. Văn học đã điêu khắc tượng đài anh bộ đội Cụ Hồ bất tử cùng lịch sử!
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/truyen-thong/that-day-roi-van-cu-nghi-nhu-mo--i767067/