'Thắt lưng buộc bụng' trong cơn 'bão giá'
Xăng, thực phẩm, ga… đều lần lượt tăng giá đang khiến cho một bộ phận lớn trong xã hội như giới sinh viên, người lao động nghèo… phải chật vật phải tìm cách chi tiêu hợp lý hơn.
Hàng hóa lần lượt tăng giá, trong khi đó tiền lương vẫn “dậm chân tại chỗ” khiến cho bất kì người lao động nào cũng phải cân nhắc chi tiêu.
Anh Lương Văn Mạnh (29 tuổi) từ Thanh Hóa ra Hà Nội làm nghề shipper, trung bình mỗi tháng anh kiếm được 8,5 triệu đồng, hơn nửa số tiền đó anh gửi về cho vợ nuôi 2 con nhỏ ở quê. Tuy nhiên, giữa thời “bão giá”, nghề shipper (vận chuyển) bị ảnh hưởng nặng nề khiến thu nhập của anh bị giảm sút đáng kể.
“Mỗi cuốc xe của tôi trung bình được tầm 15.000 - 17.000 đồng, xăng tăng mạnh khiến cho tôi chỉ thu về tầm 10.000 đồng/cuốc. Tôi phải chạy 3,4 cuốc xe thì mới kiếm nổi 1 bát phở, thế nên hơn 1 tuần nay tôi đều dậy sớm mang cơm đi làm, vừa chắc bụng lại có thể tiết kiệm một chút tiền”- anh Mạnh chia sẻ.
Chợ dân sinh có phần “im ắng” vì người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu.
Cùng chung cảnh ngộ, anh Bùi Tiến (26 tuổi, Hà Nội) cũng phải làm đủ nghề để kiếm tiền nhưng thu nhập vẫn bấp bênh: “Bình thường tôi đổ tầm 80.000 đồng là đầy bình, giờ hơn 120.000 đồng mới đầy chiếc Air Blade 2010. Tôi đã từng chạy shipper trong khoảng 2 tháng, vất vả mưa gió mà kiếm không nhiều lắm, nên đã làm lại sale cũng như thêm môi giới BĐS, chưa bán được căn nào vì thật thà quá. Nên bây giờ mỗi khi đi đâu xa xa, mở cái app lên tìm cuốc xe về xem như gỡ tiền xăng, cũng coi như tiết kiệm chút”.
Cũng trong cơn “bão giá” ấy, sinh viên là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất. Chỉ mới lên Hà Nội chưa đầy 1 tháng nhưng Thu Hiền (sinh viên năm 1, trường Đại học Sư Phạm Hà Nội) lao đao mỗi lần đi chợ bởi giá thịt, giá gạo tăng đột biến.
“Tôi cũng chóng mặt vì hàng hóa giá tăng, ra chợ mặt hàng nào cũng tăng. Từ gạo rau, đến chai nước mắm, dầu ăn tăng đến mức bất ngờ. Tôi đã phải mua dự trữ 1 thùng mì tôm để ăn, chắc giờ chỉ còn mì tôm là sự lựa chọn hợp lý nhất, chẳng biết sống sao cho những ngày tháng tới”
Ngoài việc học, Hiền còn làm thêm ngoài giờ tại siêu thị để trang trải chi phí sinh hoạt đắt đỏ ở thành phố. Cô cho biết, thời điểm này, tiền lương cả ngày đi làm của nhân viên thu ngân như cô chỉ đủ mua 1 túi nước giặt và 1 khay thịt. Đến đi chợ cũng phải suy nghĩ thật kĩ trước khi mua hàng. Từ đó mà cô cũng có thói quen ghi chép chi tiêu hàng tháng.
Tình trạng “bão giá” chưa biết khi nào mới hết, chỉ biết rằng người dân đang phải oằn mình để gánh các chi phí đang ngày càng tăng cao.
Bài và ảnh: Nguyễn Linh
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/that-lung-buoc-bung-trong-con-bao-gia-post185568.html