Thất thu mùa cá bông lau

Nghề săn cá bông lau từng giúp nhiều gia đình có cuộc sống sung túc. Sau Tết Nguyên đán, trên sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Nao náo nhiệt xuồng câu của ngư dân thả lưới, bắt cá.

Nghề săn cá bông lau được truyền qua nhiều thế hệ, trở thành cần câu cơm của hàng trăm gia đình. Từ tháng 11 đến tháng 4 âm lịch, người dân cù lao Năm Xã thuộc huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) và huyện Phú Tân (An Giang) bước vào mùa săn cá bông lau.

Để đặt chân được tới cù lao Năm Xã, chúng tôi phải… lụy phà, vượt sông Tiền. Hàng chục năm nay, các hộ dân sống ven sông ở cù lao này theo nghề thả lưới, bắt cá. Sau Tết Nguyên đán, các ngư dân vào mùa săn cá bông lau. Trời chạng vạng, ngư dân Hai Suyệt (ngụ xã Tân Bình) lái chiếc xuồng chạy máy đuôi tôm đến bến sông gần nhà, bắt đầu cuộc mưu sinh đêm.

Để bắt được nhiều cá, Hai Suyệt cho biết ông chọn thời điểm nước rong (lớn), nhất là vào ban đêm ít ghe xuồng, sà lan lưu thông. Trong đêm tối, Hai Suyệt bơi xuồng chọn địa điểm lý tưởng để thả lưới. Sau 30 phút, tay lưới dài 200m được ngư dân này thả xong.

“Việc săn cá bông lau có rất nhiều điều thú vị, chủ yếu là có tay sát cá hay không. Vào thời điểm nước lớn mạnh, cứ khoảng 30 phút mình cuốn lưới một lần, còn nước chảy ít thì khoảng một tiếng”, Hai Suyệt nói khi ngồi canh tàu ghe và đợi đến giờ cuốn lưới. Nghề giăng cá bông lau buộc ngư dân phải thức sáng đêm. 21h, Hai Suyệt cuốn dạo lưới đầu nhưng không dính con cá nào.

Không bỏ cuộc, ngư dân này tiếp tục di chuyển đến địa điểm khác thả lưới vì không muốn về tay không. Một giờ đồng hồ sau, Hai Suyệt kéo lưới nhưng chỉ dính con cá vồ đém hơn 2kg. “Nghề này là thế, đâu phải mẻ nào cũng có cá. Hôm nay không có thì hy vọng vào những chuyến đánh bắt hôm sau”, Hai Suyệt tự an ủi sau đêm thả lưới thất thu.

Cặp vợ chồng săn cá bông lau ban đêm trên sông.

Cặp vợ chồng săn cá bông lau ban đêm trên sông.

Gắn bó với nghề săn cá bông lau hơn 15 năm nay, ông Nguyễn Văn Quyền (ngụ xã Tân Quới) cho biết, ông thả lưới từ tháng 11 âm lịch đến nay chỉ được 6 con cá bông lau. “Con nặng nhất 8kg, còn nhỏ chỉ hơn 3kg. Mọi năm thả đến thời điểm này là hơn 20 con. Từ trước Tết đến nay, ngày nào tôi cũng thả lưới nhưng chỉ dính cá cóc, vồ đém, còn cá bông lau thì vắng bóng”, ông Quyền nói và cho biết nếu tình trạng không khá hơn có thể bỏ nghề lên bờ mưu sinh.

Cũng như ông Quyền, đêm nào ông Nguyễn Văn Lem cũng cùng vợ tranh thủ thả vài tay lưới. Tuy nhiên cá dính rất ít, lỗ tiền xăng. “Mình nghỉ vài bữa nữa mới thả lại chứ Tết đến giờ toàn thấy thất thu. Ở xóm này hơn 20 xuồng câu nhưng năm nay chỉ còn lại 2 xuồng đi thả lưới”, ông Lem nói. Trước kia nguồn thu nhập chính của gia đình ông là từ việc săn cá bông lau, còn nay tập trung chính vào chăm sóc 5 công đất rẫy trồng hoa màu.

“Khúc sông Tiền đoạn qua ấp Hạ trước đây có nhiều cá bông lau đã giúp không ít gia đình làm nghề có cuộc sống sung túc. Có hôm, vợ chồng tôi bắt được hàng chục con, còn bây giờ giảm đáng kể. Mỗi chuyến bắt được 1 con là mừng lắm rồi”, Hai Hậu - ngư dân nhiều năm sống bằng nghề săn cá bông lau ở cù lao Năm Xã tiếc nuối.

Ông Phan Văn Giữ (70 tuổi, ngụ xã Tân Huề, huyện Thanh Bình) kể rằng gia đình ông có hàng chục năm sống với nghề săn cá bông lau. Nghề này truyền từ ông và đến đời con trai thì đứt đoạn. Một năm trước, con ông là Phan Văn Đệ bỏ ra hơn 40 triệu đồng mua 500m lưới và mướn người làm chì, phao... Sau một mùa đánh bắt lỗ tiền xăng nên con trai ông cùng vợ bỏ lên Bình Dương làm công nhân xưởng gỗ.

Ông Phạm Văn Hoa, tài xế lái xe tải ở TP Hồ Chí Minh kể, trước đây năm nào cũng tranh thủ thời gian nghỉ sau Tết Nguyên đán để về cù lao Năm Xã thả lưới săn cá. “Thời kỳ thịnh hành, mỗi mùa cá bông lau cho thu nhập gấp mấy lần lương lái xe. Năm nay, thấy bà con đánh bắt thất thu nên tôi bám trụ lại thành phố”, ông Hoa nói.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hữu Hiệp, cá bông lau là loại cá da trơn cùng họ cá tra nhưng sống ngoài tự nhiên, thịt rất thơm ngon. Cá bông lau xuất hiện nhiều ở thượng nguồn sông Hậu, sông Tiền, Vàm Nao và kéo dài từ các tỉnh như: An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh. Cá bông lau thuộc loài di trú, đặc sản của dòng sông Cửu Long. “Gọi là cá bông lau bởi màu da cá giống màu của bông cây lau. Mùa nước chảy mạnh đánh bắt mới có và loài này không bao giờ vô kênh rạch”, ông Nguyễn Hữu Hiệp nói. Năm nay, sản lượng cá ít nên giá tăng cao kỷ lục. Tại các chợ đầu mối ở Long Xuyên, Châu Thành (An Giang), Thốt Nốt (Cần Thơ), Lai Vung, Thanh Bình (Đồng Tháp), cá bông lau có giá dao động từ 400.000 đến 420.000 đồng/kg, có nơi bán 500.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với năm ngoái.

Như Anh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/that-thu-mua-ca-bong-lau-582143/