Thật trái ngang khi thuốc giả làm tem chống giả còn đẹp hơn cả tem thật
Một chuyên gia y tế chua chát nhận định: 'Thật trái ngang khi thuốc giả đã làm giả cả tem chống giả và còn đẹp hơn cả tem chống giả thật'.
Liên tục phát hiện thuốc giả, người tiêu dùng khó phân biệt
Ngày 22/8, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế thông báo 4 lô thuốc viên nén Ophazidon điều trị giảm đau, hạ sốt bị làm giả. Trước đó, Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Hà Nội lấy mẫu 4 lô số 290621, 390721, 540921 và 691121 thuốc trên nhãn có ghi Viên nén Ophazidon, do Công ty Cổ phần Dược phẩm Hà Nội sản xuất.
Kết quả kiểm nghiệm cho thấy các mẫu không đạt tiêu chuẩn chất lượng về các chỉ tiêu định tính, định lượng cafein và định lượng paracetamol. Cơ quan chức năng đối chiếu các mẫu thuốc giả và thuốc thật do Công ty Cổ phần Dược phẩm Hà Nội cung cấp, phát hiện những điểm khác biệt.
Trước đó không lâu, Cục Quản lý Dược phát hiện mẫu thuốc kháng sinh Cefuroxim 500 chuyên trị viêm đường tiết niệu, viêm đường hô hấp, nhiễm khuẩn tiêu hóa đã bị làm giả tinh vi.
Tại Hội thảo về Thuốc giả, thực phẩm chức năng (TPCN) giả: Thực trạng và giải pháp” vào sáng 23/8, bà Nguyễn Diệu Hà, Tổng thư ký chánh văn phòng Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam cho biết, 0,04% trong tổng số thuốc được lấy mẫu kiểm nghiệm được phát hiện thuốc giả, chủ yếu là thuốc đông dược, kháng sinh và giảm đau.
Trong nhiều năm qua, số lượng thuốc giả, xâm nhập vào hệ thống cung ứng thuốc và đến tay bệnh nhân đang ngày càng gia tăng. Thuốc giả được sản xuất khá tinh vi, chỉ có thể phát hiện những điểm khác nhau khi so sánh vỏ hộp, tờ hướng dẫn sử dụng, thuốc thật và giả khi để cạnh nhau, tuy nhiên điều này người tiêu dùng rất khó để phân biệt.
"Để bảo vệ lợi ích khách hàng và uy tín của doanh nghiệp dược, nhiều công nghệ chống hàng giả đang được các công ty Dược phẩm áp dụng, tuy nhiên, hiệu quả mang lại không đạt được như mong đợi. Thật trái ngang khi công nghệ làm giả đã làm giả cả tem chống giả và còn đẹp hơn cả tem chống giả thật", bà Hà cho biết.
Còn theo ông Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế: Vấn nạn thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe… hiện diện khắp mọi nơi trên thế giới, nhưng đặc biệt nghiêm trọng ở các nước đang phát triển, ở đó các kênh phân phối “phi chính thức” phát triển rất mạnh và không an toàn, nhất là qua kênh trực tuyến.
“Đặc biệt trong đại dịch Covid-19 vừa qua, sự thiếu hụt và khan hiếm hàng hóa do đứt gẫy nguồn cung ứng càng trầm trọng hơn do tâm lý mua sắm hoảng loạn. Người tiêu dùng tích trữ thuốc men, thực phẩm, sản phẩm bảo vệ sức khỏe quá mức cần thiết, đặc biệt là thuốc điều trị các bệnh mạn tính… càng là cơ hội cho thuốc giả, TPCN giả hoành hành”, ông Truyền nói.
Nhận định về thực trạng thuốc, TPCN giả hiện nay, ông Nguyễn Đức Lê, Phó cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết: “Tất cả nhưng gì có thể mang lại lợi nhuận đều có nguy cơ làm giả, trong đó, có cả thuốc, hóa mỹ phẩm, thực phẩm chức năng…
Quy mô làm hàng giả (gồm cả thuốc và TPCN) hiện không chỉ giới hạn trong nước với cách thức sản xuất thủ công mà nguy hiểm hơn là đặt hàng sản xuất giả từ nước ngoài chỉ vận chuyển về Việt Nam tiêu thụ, rất khó kiểm soát.
Từ đầu năm đến nay, QLTT đã phát hiện và xử lý 60 vụ giả về chất lượng công dụng; giả mạo về chỉ địa lý, nhãn hiệu 35 vụ; Tem nhãn, bao bì, hàng hóa giả 36 vụ; Hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ 982 vụ xử phạt 6,6 tỷ đồng.
Làm gì để kiểm soát thuốc giả, TPCN giả?
Theo ông Truyền, để chống thuốc giả, thực phẩm chức năng giả, các nhà sản xuất chân chính cần đầu tư các giải pháp khoa học-công nghệ để giúp người tiêu dùng và nhà quản lý nhận diện thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bảo vệ hình ảnh nhà sản xuất và sản phẩm, chống giả mạo...
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, giới tội phạm đã sử dụng công nghệ cao trong sản xuất và buôn bán hàng giả, các nhà quản lý và sản xuất cũng cần sử dụng các công nghệ tiên tiến khác nhau để tự bảo vệ sản phẩm của mình
Theo một số chuyên gia, cần áp dụng các công nghệ tiên tiến như: công nghệ chuỗi khối truyền tải dữ liệu an toàn trên hệ thống mã hóa, internet vạn vật, nhận dạng qua tần số vô tuyến, xử lý ảnh kỹ thuật số …
Đặc biệt là sử dụng trường điện từ tự động nhận dạng và theo dõi các thẻ hỗ trợ được gắn vào sản phẩm để theo dõi sản phẩm từ khâu sản xuất và quá trình phân phối đến tận người tiêu dùng là hết sức có hiệu quả.
Còn theo ông Hùng, các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước, đặc biệt là công tác hậu kiểm, kịp thời phát hiện, xử lý hành vi vi phạm. Phát hiện, xử lý kịp thời và đúng pháp luật các hành vi vi phạm trong quảng cáo TPCN, đặc biệt cần tăng cường sự hướng dẫn sử dụng của cơ quan chuyên môn.
Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, vì sự phát triển bền vững của chính mình, cần bảo đảm các quyền của người tiêu dùng theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó là quyền được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản; quyền được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về hàng hóa, dịch vụ; quyền được lựa chọn; quyền được góp ý về giá cả, chất lượng hàng hóa; quyền được bồi thường thiệt hại; quyền được tư vấn, hỗ trợ.
Và một điều quan trọng nữa là chính người tiêu dùng chỉ nên mua thuốc, TPCN có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; cần có tư vấn khi sử dụng và thông tin cho cơ quan nhà nước có liên quan khi phát hiện TPCN lưu thông trên thị trường không bảo đảm an toàn.