'Thật tuyệt khi có con, nhưng tôi không đủ tiền nuôi dạy chúng'
Chính phủ Hàn vẫn thất bại trong việc khuyến khích người dân sinh đẻ nhiều hơn. Đằng sau thực tế đó là chuyện phụ nữ chịu áp lực giới sâu sắc, chi phí nuôi dạy trẻ quá tốn kém.
Zing trích dịch bài đăng trên The Guardian, đề cập đến lý do phụ nữ Hàn Quốc bỏ ngoài tai mọi lời khuyên sinh con, dù chính quyền tìm nhiều cách khuyến khích sinh đẻ.
"Bạn nên dọn tủ lạnh từ trước, chuẩn bị 3-4 món ăn kèm mà người thân yêu thích. Nhờ đó, chồng bạn vẫn có cơm nước tươm tất khi bạn nằm viện chờ sinh”.
"Vì thời gian nằm viện sẽ kéo dài 3-7 ngày, bạn nên soạn sẵn đồ lót, tất, quần áo sạch sẽ để bạn đời và con cái thay đổi trong thời gian bạn vắng nhà".
“Treo quần áo có kích thước nhỏ để có thêm động lực ép cân, lấy lại sắc vóc sau khi sinh con”.
Những lời khuyên do chính quyền thành phố Seoul (Hàn Quốc) dành cho các sản phụ - bao gồm cả những cách đáp ứng mọi yêu cầu của chồng - mới đây làm dấy lên cuộc tranh luận về lý do phụ nữ ở nước này lại chọn không sinh con.
Dân số giảm bất chấp nỗ lực tăng cường sinh đẻ
Áp lực phải tuân thủ các vai trò giới truyền thống chỉ là một lý do khiến phái nữ ở xứ kim chi xa lánh cuộc sống hôn nhân và gia đình.
Về lâu dài, ai cũng hiểu điều này sẽ đặt gánh nặng lên dân số và tình hình kinh tế của cả đất nước. Các nhà chức trách, lãnh đạo đang đau đầu giải quyết bài toán này.
Tuy nhiên, phụ nữ vẫn chọn "lắc đầu" khi nhắc đến chuyện mang bầu, đẻ con.
Thái độ tức giận về lời khuyên dành cho phụ nữ mang thai của chính quyền Seoul xảy ra chỉ vài tuần sau khi số liệu chính phủ cung cấp cho thấy dân số Hàn Quốc lần đầu trong lịch sử ghi nhận sự sụt giảm, với chỉ 275.815 ca sinh vào năm ngoái. Trong đó, con số tử vong là 307.764 người.
Tháng trước, cục Thống kê Hàn Quốc chỉ ra gần 20% cặp vợ chồng kết hôn vào năm 2015 vẫn chưa có con. Năm 2012, tỷ lệ ở mức dưới 13%. Năm 2019, tỷ lệ sinh của nước này ở mức 0,92, thấp nhất trong số các nước OECD.
Điều rõ ràng là chính phủ Hàn Quốc đã không thành công trong việc khuyến khích các cặp vợ chồng sinh thêm con, bất chấp nhiều nỗ lực kích thích sinh đẻ, chăm sóc hậu thai kỳ.
Theo chính sách, các bà mẹ tương lai được chi trả 1 triệu won và 6 triệu won cho các cặp đã kết hôn, nếu họ nghỉ làm 3 tháng để trông con.
“Ngày nay, nhiều phụ nữ Hàn Quốc đi làm không muốn có con vì cân bằng giữa kiếm tiền và nuôi con là điều vô cùng khó khăn”, Kim Seong Kon, giáo sư tiếng Anh tại Đại học Quốc gia Seoul, cho biết.
Mặt khác, phụ nữ có thai phải đối mặt với những bất lợi nghiêm trọng trong công việc tại Hàn Quốc. Chưa hết, nhiều trường mẫu giáo, cơ sở chăm sóc trẻ em tại Hàn Quốc không đáng tin cậy, trong khi những nơi đảm bảo chất lượng lại quá đắt đỏ.
"Có con đòi hỏi phải hy sinh quá nhiều thứ"
Choi Mi Yeon, một phụ nữ 32 tuổi đến từ Seoul, buộc phải suy nghĩ lại về kế hoạch xây dựng sự nghiệp lẫn cuộc sống gia đình ngay khi bắt đầu tìm việc.
Sau khi du học ở châu Âu về, Mi Yeon bị choáng váng trước những câu hỏi mà nhà tuyển dụng đặt ra.
“Tôi nộp hồ sơ vào một số công ty cỡ trung tại quê nhà. Họ hỏi tôi có dự định kết hôn hay không. Vài người nói thẳng rằng sẽ rất khó cho họ bởi nếu tôi lấy chồng, họ sẽ phải cho tôi nghỉ thai sản có lương”, cô kể lại.
“Bây giờ tôi không chắc về việc có con, vì nhiều khả năng chồng tương lai của tôi sẽ giao tất cả việc nuôi dạy con cái lẫn việc nhà cho tôi. Tôi biết đàn ông Hàn Quốc đang thay đổi, nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu tôi về sống với một người vẫn theo các quan niệm cổ hủ”, Mi Yeon nói.
Yoo Nara, một cư dân khác ở Seoul, cho biết các biện pháp khuyến khích của chính phủ dành cho vợ chồng trẻ thoạt nghe có vẻ khả thi, nhưng lại bỏ qua trở ngại lớn nhất. Đó là vấn đề tài chính.
Tiền học, chi phí cho giáo dục tốn kém và giá nhà đắt đỏ là những lý do khiến nhiều đôi vợ chồng không muốn có con bởi không đủ khả năng gánh vác các khoản tiền bắt buộc đó.
“Thật tuyệt nếu có con và bắt đầu một gia đình, nhưng tôi quyết định từ chối nó. Có con đòi hỏi tôi phải hy sinh và chịu đựng quá nhiều thứ. Thật tiếc, vì tôi yêu trẻ con, nhưng chúng giống như thứ xa xỉ phẩm mà tôi không có đủ tiền để mua. Tôi sẽ chăm sóc cháu của mình để bù đắp lại”, người phụ nữ 37 tuổi cho hay.
Bên cạnh áp lực tài chính, Yoo cho biết cô sợ hôn nhân sẽ buộc mình phải chấp nhận vai trò của người nội trợ trong gia đình, giống như mẹ cô từng làm.
“Tôi nhớ cảnh mẹ mình làm việc nhà không ngưng tay, nhất là những lúc gia đình nhà chồng đến thăm. Bố tôi và họ hàng chỉ ngồi ăn, trò chuyện với nhau, trong khi bà ấy làm mọi thứ”, cô kể lại.
“Lời khuyên của thành phố Seoul đối với phụ nữ mang thai không có gì mới. Nhiều đàn ông và phụ nữ Hàn Quốc vẫn nghĩ như vậy. Đặc biệt là thế hệ lớn tuổi và lớp người trẻ tuổi tin rằng người lớn nói gì cũng đúng, dù chúng nghe ngu ngốc đến đâu”, Yoo kết luận.