Thất vọng với Black Hawk, Afghanistan tái sử dụng Mi-17

Bất chấp sức ép từ Mỹ, Không quân Afghanistan vẫn tiếp tục sử dụng trực thăng quân sự Mi-17 do thất vọng với máy bay UH-60A Black Hawk do Mỹ chuyển giao.

Quyết định tái sử dụng Mi-17 được Không quân Afghanistan (AAF) dưa ra sau khi cân nhắc kỹ tính hiệu quả cùng khả năng hoàn thành nhiệm vụ của trực thăng quân sự Mi-17 và Black Hawk.

"Trong điều kiện khắc nghiệt như tại Afghanistan, trực thăng do Nga sản xuất đã chứng minh được sức mạnh và độ tin cậy trước trực thăng huyền thoại đến từ Mỹ. Vì vậy, Mi-17 tiếp tục được tin dùng", đại diện của AAF cho biết trong một tuyên bố.

Trực thăng Mi-17 và Mi-35của Không quân Afghanistan.

Trực thăng Mi-17 và Mi-35của Không quân Afghanistan.

Dù không đưa ra điểm yếu cụ thể của Black Hawk khi hoạt động tại Afghanistan nhưng theo nguồn tin trang Air Recognition có được, trực thăng Black Hawk "không thể mang theo được lượng hàng hóa lớn như Mi-17.

Thực tế làm nhiệm vụ trên chiến trường Afghanistan cho thấy, phải cần gần 2 chiếc Black Hawk mới mang hết số hàng của 1 chiếc Mi-17 có thể chuyên chở.

Nguồn tin này cho biết thêm, Mỹ đã mua trực thăng Black Hawk trang bị cho Không quân Afghanistan để làm nhiệm vụ thay thế Mi-17, nhưng một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của trực thăng là sức nâng và vận chuyển hàng hóa thì Black Hawk lại không thực sự mạnh và thua kém hơn hẳn Mi-17.

"Trực thăng Black Hawk không có khả năng nâng như Mi-17", nguồn tin cho biết. Thông tin này cũng được coi là thừa nhận cay đắng đầu tiên được Mỹ đưa ra kể từ khi Chính phủ và Bộ Quốc phòng Mỹ bằng nhiều cách khác nua đã ép Afghanistan phải bỏ Mi-17 chuyển sang dùng Black Hawk của Mỹ.

Hồi năm 2016, Lầu Năm Góc thông báo rằng thay vì mua máy bay trực thăng Nga Mi-17 cho các lực lượng Afghanistan, họ đang có kế hoạch rút khỏi hệ trang bị của quân đội Mỹ 53 máy bay trực thăng Black Hawk và nâng cấp chúng để giao cho quân đội Afghanistan.

Theo các thành viên của Quốc hội, các lực lượng vũ trang Mỹ sẽ được nhận máy bay Black Hawk trong kho bởi những chiếc trực thăng này bị loại biên này vẫn có thể sử dụng được hàng chục năm nữa, đây là nguồn cung không tồi cho quân đội Afghanistan.

Ngoài ra, vào tháng 6/2016, Quốc hội Mỹ cũng ban hành lệnh cấm chính phủ Afghanistan không được dùng ngân sách viện trợ quân sự của Mỹ để mua trực thăng Mi-35 của Nga, buộc Kabul phải tạm dừng kế hoạch này để tìm nguồn kinh phí mua sắm mới từ Moscow.

Ngược lại thời gian trước đây khoảng gần 1 thập kỷ, Lầu Năm Góc đã bất chấp những phản đối của Quốc hội nước này để mua máy bay trực thăng Mi-17 Nga cho quân đội Afghanistan.

Quân đội Mỹ đã bắt đầu mua Mi-17 cho các đồng minh từ khá lâu. Vào tháng 6/2010, quân đội Mỹ đã chi 648 triệu USD cho hợp đồng mua 31 trực thăng Mil Mi-17 của Nga cho quân đội Afghanistan. Sang năm 2011, Lầu Năm Góc tiếp tục mua thêm 10 chiếc nữa.

Ngoài ra, vào năm 2010, Mỹ còn mua tiếp 8 chiếc cho quân đội Iraq và 14 chiếc khác để viện trợ cho quân đội Pakistan.

Hợp đồng gần đây nhất là vào ngày 17/6/2013, Lầu Năm Góc đã thông qua quyết định chi khoản tiền 572 triệu USD để mua 30 trực thăng quân sự của Nga trang bị cho Afghanistan. Bản hợp đồng còn bao gồm cả các linh kiện thay thế, trang thiết bị thử nghiệm và hỗ trợ về kĩ thuật.

Lô trực thăng Mi-17 được mua thông qua Tập đoàn xuất nhập khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport sẽ được chuyển giao cho Đội đặc nhiệm thuộc Các lực lượng an ninh quốc gia Afghanistan, để thực thi các nhiệm vụ chống khủng bố, chống buôn lậu ma túy và các nhiệm vụ đặc biệt khác.

Sau đó, công tác thử nghiệm đã được tiến hành tại Nga và bản hợp đồng này đã được hoàn thành vào năm 2014.

Tuy nhiên, đã không có thương vụ mua bán mới nào loại trực thăng này kể từ năm 2014 đến nay bởi sự ngăn cản của Mỹ và nước này buộc Afghanistan phải dùng Black Hawk.

Nhưng bất chấp sức ép từ Mỹ, Black Hawk vẫn bị thất sủng tại Afghanistan và thay vào đó là trực thăng do Nga sản xuất.

Theo Thùy Dung/Báo Đất Việt

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/that-vong-voi-black-hawk-afghanistan-tai-su-dung-mi-17/20200207022409942