Thấu hiểu và chung tay

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV khai mạc ngày 22-5 dự kiến sẽ bàn thảo và quyết nghị những vấn đề quan trọng của đất nước, nhất là trong lĩnh vực kinh tế.

Trong đó, Quốc hội sẽ bỏ phiếu thông qua Luật Giá (sửa đổi); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam... cùng một số luật khác. Ðặc biệt, tại kỳ họp này, Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM và Nghị quyết về giảm thuế GTGT cũng sẽ được thảo luận và bỏ phiếu thông qua.

Những nhóm giải pháp, đề xuất mà Chính phủ đưa ra tại kỳ họp này đều xuất phát từ nhu cầu thật của nền kinh tế, từ công tác điều hành thực tế của các bộ, ngành, địa phương và đó đều là những ưu tiên lớn của đất nước. Do vậy, Chính phủ và các địa phương rất cần sự đồng thuận, ủng hộ từ phía các đại biểu Quốc hội bên cạnh vai trò thẩm tra của các ủy ban của Quốc hội.

Cộng đồng doanh nghiệp đang rất khó khăn. Báo cáo của Chính phủ cho thấy sản xuất của một số ngành công nghiệp chủ lực như dệt may, điện tử, đồ gỗ... vẫn giảm hoặc tăng thấp. Nhiều doanh nghiệp trong những ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực như chế biến thủy sản, da giày, vật liệu xây dựng... đang sụt giảm đơn hàng, tồn kho có xu hướng tăng.

Trong khi đó, doanh nghiệp vừa thiếu vốn vừa đối mặt với chi phí lãi vay cao. Khó cầm cự thêm, đã có một số doanh nghiệp lớn hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực phải bán tài sản với giá trị thấp, bị mua lại hoặc sáp nhập để giảm bớt khó khăn.

Cử tri mong chờ tại kỳ họp này, Quốc hội có phản ứng mạnh mẽ trước những vấn đề lớn, quan trọng của đất nước, mà cụ thể là tình hình khó khăn của doanh nghiệp kéo theo khó khăn chung của nền kinh tế. Cử tri cũng mong chờ Quốc hội có phản ứng rõ ràng hơn trước những khó khăn của người dân, của toàn xã hội, trong đó có vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế, giá cả hàng hóa tăng cao, vướng mắc trong dịch vụ công...

Trong chương trình kỳ họp, dự kiến Nghị quyết về giảm thuế GTGT sẽ được thông qua. Ðây là nỗ lực đáng ghi nhận của Chính phủ trong việc cân đối nguồn thu ngân sách để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, việc giảm thuế GTGT chỉ có ý nghĩa với những doanh nghiệp đang hoạt động. Còn với những doanh nghiệp ngấp nghé bờ vực phá sản, chính sách cần hướng vào tạo sức cầu lớn trên thị trường và khơi thông dòng vốn tín dụng với lãi suất hợp lý.

Với riêng TP HCM, Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố được kỳ vọng sẽ tạo động lực, sức bật để thành phố hồi phục, phát triển và giữ vững vai trò đầu tàu.

Từ nghị quyết này, cần tiếp tục hình thành các khung thể chế thí điểm để TP HCM được thí điểm những nội dung mới mà không bị ràng buộc bởi quy định hiện hành với những quy định rõ ràng về phạm vi, điều khoản thí điểm, điều kiện để kiến nghị nhân rộng. Chỉ khi có thể chế cụ thể như vậy, thành phố mới có thể tận dụng được cơ hội từ nghị quyết mới. Ðây cũng là mô hình mà nhiều quốc gia phát triển đã áp dụng như Mỹ, Hàn Quốc...

Phương Nhung ghi

TS NGUYỄN SĨ DŨNG (nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội)

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/thau-hieu-va-chung-tay-20230521223123688.htm