Thay 'áo mới' cho những dòng kênh

Sau nhiều năm thi công, đầu năm nay hàng loạt công trình nạo vét, chỉnh trang đoạn tuyến kênh rạch trên địa bàn TPHCM hoàn thành đã giúp khơi thông dòng chảy, giảm ô nhiễm môi trường, góp phần chỉnh trang đô thị.

Niềm vui khi dự án hoàn thành

Đầu năm nay, người dân quận 5 và 6 vui mừng khi đoạn kênh Hàng Bàng dài 250m đã cơ bản hoàn thành, đưa vào sử dụng. Không gian sống xanh sạch, thoáng mát cùng những cải thiện về giao thông và môi trường đã mang lại niềm phấn khởi cho cộng đồng dân cư hai bên bờ kênh.

 Kênh Hàng Bàng sau khi được chỉnh trang

Kênh Hàng Bàng sau khi được chỉnh trang

Bà Nguyễn Thị Mai, nhà gần khu vực kênh Hàng Bàng, chia sẻ: “Từ khi kênh được cải tạo, nhà tôi không còn mùi hôi thối như trước. Cảnh quan hai bên bờ cũng đẹp hơn rất nhiều, không chỉ sạch sẽ mà còn có không gian để con cháu vui chơi. Cảm giác như cả khu vực này vừa được thay “áo mới”. Ông Lê Văn Hùng, một người dân sống trên đường Bãi Sậy, cho biết: “Trước đây, kênh này ô nhiễm nặng, nước đen kịt khiến người dân khổ sở. Bây giờ kênh sạch đẹp, thoáng mát, còn có đường đi bộ và cây xanh. Đây là thành quả lớn, chúng tôi sẽ vận động bà con không vứt rác xuống kênh nữa để giữ mãi vẻ đẹp này”.

Đoạn kênh Hàng Bàng được cải tạo thành tuyến kênh hở, với bề rộng mặt kênh 12m, đáy kênh rộng 4m và chiều sâu 4,5m. Hai bên bờ kênh trồng cây xanh, tạo không gian thoáng mát và làm đẹp cảnh quan đô thị. Đồng thời, hệ thống thoát nước mưa và nước thải đã được xây dựng, góp phần giảm tình trạng ngập úng trong khu vực. Bên cạnh đó, các tuyến đường Phan Văn Khỏe và Bãi Sậy cũng được cải tạo, nâng cấp, giúp việc đi lại được thuận lợi. Theo kế hoạch, thành phố sẽ cải tạo đoạn kênh tiếp theo dài 1,7km, góp phần khôi phục dòng chảy, cải thiện môi trường và làm đẹp cảnh quan đô thị.

Đến nay, thành phố đã hoàn thành đưa vào sử dụng rạch Đầm Sen đoạn từ chùa Giác Viên đến kênh Tân Hóa, quận 11; thực hiện dự án lắp đặt cống hộp thay thế đoạn kênh hở với chiều dài khoảng 400m (đoạn từ Chùa Giác Viên đến hẻm 152 Lạc Long Quân); xây dựng đường bên trên rộng 16m. Cùng với đó, dự án bờ tả sông Sài Gòn (đoạn còn lại) từ rạch cầu Ngang đến Khu đô thị Thủ Thiêm cũng đã hoàn tất, góp phần chống ngập hiệu quả, nâng cao đời sống và tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội tại TP Thủ Đức.

Nhộn nhịp khởi công

Cuối tháng 4 này, thành phố sẽ cho thông xe đoạn đường hai bên bờ kênh thuộc quận Gò Vấp; trong năm nay cũng sẽ hoàn thành dự án nạo vét trên toàn tuyến kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên dài 31,46km, kè bờ toàn tuyến tổng chiều dài 63,11km, xây dựng tuyến đường giao thông hai bên bờ kênh dài 63,41km. Cùng với đó là hoàn thiện hạ tầng thoát nước, công viên, cây xanh, chiếu sáng và 12 bến thuyền. Đây là công trình có ý nghĩa dân sinh rất lớn với tổng vốn đầu tư hơn 9.000 tỷ đồng.

 Kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên trong giai đoạn nước rút về đích. Ảnh: QUỐC HÙNG

Kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên trong giai đoạn nước rút về đích. Ảnh: QUỐC HÙNG

Một dấu mốc quan trọng khác là trong tháng này, thành phố khởi công thực hiện dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật) qua quận Bình Thạnh và quận Gò Vấp. Dự án được chia làm 3 gói thầu xây lắp: gói thầu đầu tiên là đoạn từ đường Lương Ngọc Quyến đến sông Vàm Thuật (Gò Vấp); 2 gói thầu cải tạo đoạn từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến cầu Bùi Đình Túy và đoạn từ cầu Bùi Đình Túy đến đường Lương Ngọc Quyến bao gồm các nhánh rạch Bình Lợi, Bình Triệu và rạch Cầu Sơn (Bình Thạnh). Dự án có tổng mức đầu tư hơn 17.229 tỷ đồng.

Tiếp đó, dự án nạo vét, xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường bờ Bắc kênh Đôi trên địa bàn quận 8, dự kiến khởi công vào quý 3 năm nay và hoàn thành sau 3 năm triển khai. Dự án sẽ xây dựng 4,3km bờ kè; nạo vét lòng kênh; mở rộng các tuyến đường dọc bờ kênh; xây mới đường Nguyễn Duy nối dài và cầu Hiệp Ân 2; lắp đặt hệ thống thoát nước, chiếu sáng; xây dựng bến khách dọc kênh... với tổng mức đầu tư 7.400 tỷ đồng.

Ông Đậu An Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị thành phố, cho biết: “TPHCM đặt mục tiêu cải tạo toàn bộ hệ thống kênh rạch trên địa bàn đến năm 2030, không chỉ giảm thiểu ô nhiễm mà còn biến những tuyến rạch thành điểm nhấn xanh của thành phố. Điều này không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn đưa TPHCM trở thành đô thị đáng sống và phát triển bền vững”.

Tại lễ khánh thành kênh Hàng Bàng vào đầu năm nay, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ đã yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố cùng các sở ngành phối hợp các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai các dự án chỉnh trang đô thị, bảo vệ môi trường, nâng cấp các tuyến đường, chống ngập do triều, ngập do mưa trong khu vực.

Trong đó, sớm triển khai Dự án Cầu đường Bình Tiên, Dự án đường nối Võ Văn Kiệt với đường Vành đai 2, Vành đai 3 và kết nối Long An để tạo điều kiện thuận lợi về giao thông, bảo vệ môi trường, phát triển đô thị, phát triển kinh tế xã hội, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập và chất lượng sống cho người dân.

QUỐC HÙNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/thay-ao-moi-cho-nhung-dong-kenh-post792164.html