Tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc
Ngày 24/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét Báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024.
Gần 63 nghìn cơ sở nhà, đất chưa được phê duyệt phương án sắp xếp lại
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, công tác quản lý, mua sắm tài sản công tại các bộ, ngành và địa phương năm 2024 tiếp tục chuyển biến, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm. Đến ngày 31/12/2024, tổng số tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đã đăng nhập thông tin vào cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công là 67.480 tài sản, với tổng nguyên giá 3,8 triệu tỷ đồng, giá trị còn lại 2,7 triệu tỷ đồng. Tổng chiều dài các tuyến đường, cầu đường đã đăng nhập là 915,2 nghìn km; tổng số tài sản là công trình nước sạch nông thôn tập trung đã đăng nhập thông tin vào cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công là 15.460 công trình, tổng giá trị 38.388 tỷ đồng, giá trị còn lại là 20.014 tỷ đồng.
Trong quản lý đầu tư xây dựng, đầu tư công, đến hết ngày 31/12/2024, tổng số vốn giải ngân của 09 dự án quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải là 70.743,08 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 72,9% kế hoạch năm 2024 được giao (96.991,66 tỷ đồng). Việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công còn 30/46 bộ, cơ quan Trung ương, và 26/63 địa phương có có tỷ lệ ước giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng báo cáo tại phiên họp. Ảnh: Phạm Thắng.
Kết quả thực hiện sắp xếp, xử lý nhà đất của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước cho thấy, tính đến ngày 26/12/2024 số cơ sở nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý trong phạm vi cả nước 205.862 cơ sở; số cơ sở nhà, đất chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý theo quy định là 62.739 cơ sở. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn phát sinh vướng mắc, bất cập ảnh hưởng đến tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất dẫn đến tiến độ sắp xếp còn chậm, kéo dài thời gian, số lượng các cơ sở nhà, đất của một số Bộ, ngành, địa phương chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất tương đối lớn.
Trong tổ chức bộ máy, quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động trong khu vực nhà nước, theo ông Thắng, kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy (tính đến ngày 30/10/2024) tại 63 tỉnh, thành phố: tiếp tục giảm 12 tổ chức chi cục, phòng và tương đương của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; giảm 29 tổ chức phòng và tương đương thuộc UBND cấp huyện, lũy kế đến nay, giảm 13 Sở và tương đương; 2.613 tổ chức cấp phòng và tương đương ở địa phương.
Năm 2024, ngành Thanh tra đã triển khai 6.673 cuộc thanh tra hành chính và 118.983 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Phát hiện vi phạm về kinh tế 157.585 tỷ đồng, 245 ha đất; kiến nghị thu hồi 85.403 tỷ đồng và thu hồi 41 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 72.183 tỷ đồng, 204 ha đất; ban hành 105.108 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân, với số tiền 4.150 tỷ đồng; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính đối với 2.360 tập thể và 9.017 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 269 vụ, 173 đối tượng.
Nợ đọng thuế cao, giải ngân chậm chưa được khắc phục triệt để
Theo đánh giá của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Tài chính Lê Quang Mạnh, tình hình nợ đọng thuế cao, có xu hướng tăng so với năm 2023. Tình trạng giải ngân chậm chưa được khắc phục triệt để; chi chuyển nguồn còn lớn, chậm được khắc phục, gây lãng phí và giảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn.
Còn tồn tại tình trạng một số Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp chưa quan tâm, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất; chưa phân cấp kiểm tra hiện trạng nhà, đất; việc lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất còn chậm.
Việc xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu đất đai không đạt tiến độ, chưa đáp ứng được yêu cầu. Tình trạng lãng phí, vi phạm trong quản lý, sử dụng tài nguyên đất, đất đai của các dự án chậm đưa vào sử dụng; đất của các nông, lâm trường để hoang hóa sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán còn diễn ra ở nhiều nơi.
Ông Mạnh cũng chỉ rõ, tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, không rõ trách nhiệm; việc sắp xếp, kiện toàn tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian còn một số bất cập, đang được xem xét, giải quyết rất quyết liệt.
Việc rà soát, sắp xếp lại các doanh nghiệp Nhà nước, tạo lập cơ chế phù hợp để doanh nghiệp Nhà nước hoạt động có hiệu quả chậm được hoàn thiện. Tình hình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp chưa chuyển biến tích cực. Công tác sắp xếp đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp còn nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn trong khi các doanh nghiệp này đang quản lý diện tích rừng lớn, hoạt động không hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực của nhà nước.