Thấy bàn tay có dấu hiệu này cẩn thận bị gan nhiễm mỡ mà không biết

Nếu muốn biết gan của một người có khỏe mạnh không, ngoài việc quan sát đôi mắt hay màu da, chúng ta có thể nhìn vào lòng bàn tay.

Gan nhiễm mỡ là tình trạng lượng mỡ trong gan dư thừa quá nhiều, gây ảnh hưởng đến chức năng của gan. Ở người bình thường, lượng mỡ trong gan chỉ chiếm từ 2 - 4% trọng lượng gan. Nhưng với người bị gan nhiễm mỡ, mỡ sẽ chiếm ít nhất từ 5-10% trọng lượng của lá gan.

Mặc dù thường không gây hại trong giai đoạn đầu, nhưng nếu không được điều trị sớm, gan nhiễm mỡ sẽ biến chứng thành xơ gan thậm chí là ung thư gan, vô cùng nguy hiểm.

Ở giai đoạn đầu gan nhiễm mỡ thường không gây ra các triệu chứng rõ ràng. Những biểu hiện đầu tiên thường chỉ là bụng ấm ách và hơi khó chịu. Khi đi khám, bác sĩ có thể thấy gan của bạn hơi to ra một chút.

Lòng bàn tay đỏ có thể là dấu hiệu cảnh báo tình trạng gan nhiễm mỡ.

Lòng bàn tay đỏ có thể là dấu hiệu cảnh báo tình trạng gan nhiễm mỡ.

Tuy nhiên gan nhiễm mỡ có thể tiến triển thành viêm gan nhiễm mỡ. Đây là tình trạng khi lượng mỡ trong gan đạt đến một mức độ nhất định. Lúc đó có thể xuất hiện một số triệu chứng bao gồm lòng bàn tay đỏ, còn được gọi là “bàn tay bệnh gan”. Điều này xảy ra do các mạch máu giãn nở phản ứng lại sự mất cân bằng hormone do gan bị hư hại.

Khi các tế bào gan bị tổn thương, không thể kịp thời xử lý các estrogen trong cơ thể sẽ dẫn đến sự tích tụ gây ra triệu chứng động mạch nhỏ trong cơ thể phình ra, biểu hiện rõ nhất chính là vùng da tay bị đỏ.

Tuy nhiên khi có dấu hiệu đỏ ửng lòng bàn tay chưa chắc bạn bị bệnh gan. Có không ít người khỏe mạnh lòng bàn tay vẫn bị ửng đỏ. Muốn biết chính xác bạn cần phải kết hợp với lịch sử tình trạng sức khỏe, kết quả xét nghiệm hoặc siêu âm gan và lá lách, tuyến tụy và những kết quả kiểm tra khác.

Ngoài ra bạn nên lưu ý một số dấu hiệu của tình trạng gan nhiễm mỡ qua các giai đoạn như sau:

- Giai đoạn 1

Ở giai đoạn này, lượng mỡ chiếm từ 5 - 10% tổng trọng lượng lá gan. Đây là sự tích tụ mỡ hầu như vô hại trong tế bào gan, người bệnh không có biểu hiện cụ thể nên thường được phát hiện trong khi đi khám bệnh khác. Do đó nên làm các xét nghiệm và khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm nhất gan nhiễm mỡ ở giai đoạn đầu. Phát hiện và điều trị bệnh ở giai đoạn này, tình trạng gan nhiễm mỡ sẽ hoàn toàn có thể khỏi.

-Giai đoạn 2:

Đây là dạng bệnh gan nhiễm mỡ nghiêm trọng hơn, khi gan đã bị viêm và lượng mỡ trong gan chiếm từ 10 - 20% tổng trọng lượng lá gan. Bệnh nhân khi đi xét nghiệm sẽ thấy các mô mỡ đã xuất hiện rõ trên nhu mô gan và cơ hoành. Lúc này, người bệnh bắt đầu có các biểu hiện rõ hơn như chán ăn, khó tiêu, đầy bụng, buồn nôn, thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, có thể kèm hiện tượng lòng bàn tay đỏ. Các triệu chứng này khá phổ biến nên rất nhiều người không để ý khiến bệnh càng có cơ hội phát triển và nặng thêm.

Đây là giai đoạn tích tụ, nuôi bệnh và chưa có phương pháp để điều trị triệt để. Cách tốt nhất để giảm tình trạng gan nhiễm mỡ là ăn uống theo chế độ khoa học, đặc biệt không nên sử dụng các chất kích thích (như rượu, bia,...) và tăng cường thể dục thể thao tạo sự miễn dịch tốt cho gan.

-Giai đoạn 3

Tỷ lệ mỡ trong gan lên đến hơn 30% tổng trọng lượng gan là biểu hiện của gan nhiễm mỡ ở giai đoạn nặng.

Tỷ lệ mỡ trong gan lên đến hơn 30% tổng trọng lượng gan là biểu hiện của gan nhiễm mỡ ở giai đoạn nặng.

Giai đoạn này là giai đoạn nguy hiểm và nặng nhất của gan nhiễm mỡ khi tỷ lệ mỡ trong gan lên đến hơn 30% tổng trọng lượng gan. Khi có kết quả xét nghiệm, người bệnh có thể thấy rõ độ lây lan các nhu mỡ tại gan tăng lên nhanh chóng và rõ rệt. Các biểu hiện đặc trưng của bệnh gan cũng rõ ràng hơn bao gồm đau tức hạ sườn bên phải, vàng da, vàng mắt, u mạch nổi lên trên da, chán ăn, mệt mỏi, sút cân,...

Từ đây, bệnh có thể biến chứng thành xơ gan, ung thư gan một cách nhanh chóng nếu không được điều trị đúng cách. Ngoài ra, người mắc gan nhiễm mỡ có thể có các biểu hiện rối loạn nội tiết tố. Một số ít trường hợp nam giới mắc bệnh này có thể phát triển tuyến vú, hoặc gặp các vấn đề về cương dương, teo tinh hoàn trong giai đoạn cuối. Nữ giới có thể tăng, giảm cân bất thường hoặc tắc rong kinh, rối loạn kinh nguyệt,...

Nếu nghi ngờ mình bị gan nhiễm mỡ, hãy đi khám càng sớm càng tốt, nhất là đối với nhóm người có nguy cơ cao bao gồm: Người béo phì hoặc thừa cân, đặc biệt nhiều mỡ quanh eo; người bị tiểu đường loại 2; người bị huyết áp cao; bị mỡ máu cao (cholesterol cao); người mắc hội chứng chuyển hóa (kết hợp của bệnh tiểu đường, huyết áp cao và béo phì), trên 50 tuổi và người hút thuốc.

Minh Hoa (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/thay-ban-tay-co-dau-hieu-nay-can-than-bi-gan-nhiem-mo-ma-khong-biet-a505789.html