Thấy bố chồng đầu trần đạp xe giữa trưa nắng, tôi lén theo dõi thì bàng hoàng với ngôi nhà mà ông ấy dừng chân
Khi tìm hiểu đầu đuôi câu chuyện, tôi mới vỡ lẽ nhiều điều về bố chồng mình.
Mẹ chồng tôi mất vì bệnh tật từ trước khi tôi về làm dâu nhà này. Nhiều người cho rằng số tôi thế có khi lại sướng vì không phải đối mặt với các vấn đề mẹ chồng - nàng dâu. Nhưng họ nào biết bố chồng mới đích thị là một cơn ác mộng, chính ông ấy còn đáng sợ hơn gấp 10 lần các bà mẹ chồng khác.
Nhà chồng tôi có tất thảy 4 anh em 2 trai 2 gái, chồng tôi là trưởng. Từ nhỏ tới lúc trưởng thành, các anh em trong nhà hầu như đều được bố chồng dạy dỗ, mẹ chồng chỉ có nhiệm vụ cơm nước, nội trợ trong nhà. Ông ấy tỉ mỉ, nghiêm khắc và mang nặng tư tưởng của những bậc lão thành thế hệ cũ. Song đó chẳng phải kiểu gia phong phép tắc mà theo hướng bảo thủ nhiều hơn.
Chồng tôi tuy là trưởng nhưng lại kết hôn muộn nhất. Lúc đó bố chồng tuyên bố chắc nịch: "Trong 4 đứa con bất kể trai gái, phải có một đứa ở cạnh nhà với tôi để lỡ tôi có xảy ra mệnh hệ gì thì còn cứu giúp kịp. Con ở xa quá tôi không thể cầu cứu được ai. Đấy, anh chị tự phân chia nhau".Tôi nghe xong mà hoảng hồn, không hề muốn từ bỏ thành phố để về quê sinh sống. Lúc đấy phải rất chật vật, bên ngoại tôi giúp đỡ nói vài lời, cộng thêm "nịnh" nhà chú út ở cạnh ông thì mọi chuyện mới suôn sẻ toại nguyện.
Thi thoảng 1-2 tháng/lần, vợ chồng tôi sẽ về quê thăm bố chồng và cho ông ấy ít tiền tiêu. Người già thường thích được cho tiền, vợ chồng tôi cũng chẳng tiếc gì. Vì kinh tế gia đình tôi khá giả, vợ chồng đều ăn nên làm ra nên về phần chăm bố, chúng tôi sẽ lo hết khoản tiền bạc.
Khoảng nửa tháng trước, vợ chồng tôi về quê vào một hôm giữa tuần. Vì em dâu bị tai nạn phải khâu vết thương trong bệnh viện nên chúng tôi mới sốt sắng về gấp đến vậy. Thực ra cũng không nặng lắm, bác sĩ bảo vết thương ngoài da chút thôi nhưng là người thân trong nhà, lúc hoạn nạn nên có nhau.
Khi đó là gần buổi trưa, chúng tôi về quê trên chiếc ô tô của nhà mình. Khi đi đến đầu làng, bỗng đằng xa có bóng dáng một người đàn ông đạp xe giữa trời nắng đổ lửa. Nhìn qua là tôi với chồng có thể đoán được đó chính là bố chồng. Nhưng kỳ lạ làm sao, giữa ban trưa thế này mà ông ấy lại đạp xe bên ngoài, đã vậy còn không đội mũ nón gì nữa. Chồng tôi chẹp miệng, thế này thì nguy to.
Thực ra vài năm gần đây, bố chồng đã bắt đầu có những dấu hiệu của nhớ nhớ quên quên, nhưng nghiêm trọng hơn là bệnh lãng tai. Dù có đi xe đạp trên đường làng thì cũng rất nguy hiểm. Bởi bố chồng đôi khi không nghe thấy tiếng còi xe, lỡ gặp tai nạn thì sẽ rất khổ. Trời nắng nóng thế này, ở nhà có điều hòa mát lạnh không ngồi, thế mà bố chồng lao ra ngoài thì tức là có lý do.
Tôi bảo chồng đi chậm lại để xem bố chồng đạp xe đi đâu. Tiến lên được thêm đoạn thì thấy ông ấy vào nhà của một người phụ nữ trong làng. Đến gần mới bàng hoàng làm sao, đó chính là nhà của bà Thu, đã góa chồng từ lâu và sống một mình không con không cái. Với linh cảm của phụ nữ, tôi cũng nghĩ tới trường hợp hay là bố chồng có... nhân tình? Song vì đang vội vào viện để thăm em dâu nên vợ chồng tôi đã quay xe và để chuyện kia tìm hiểu sau.
Khi mọi thứ đã xong xuôi, chúng tôi về nhà bố chồng để chào ông ấy một câu, không hề đả động gì chuyện đã nhìn thấy bố chồng đạp xe giữa trời nắng nóng. Chồng tôi chỉ nhắc giờ bố tuổi đã cao cần giữ sức khỏe, hạn chế ra ngoài.
Vợ chồng tôi sớm quay trở lại thành phố nhưng trên đường đi, tôi có bảo chồng dừng xe ở nhà người phụ nữ mà bố chồng tới đó. Sau khi giới thiệu là con dâu ông ấy, may mắn sao người phụ nữ kia cũng rất xởi lởi, vui vẻ. Bà ấy kể tất cả mọi chuyện và tôi còn thêm bàng hoàng gấp bội.
Giữa hai người họ không hề có mối quan hệ tình cảm mà đơn giản chỉ là bạn bè, tình làng nghĩa xóm lâu năm. Đặc biệt, bố chồng còn gửi tiền nhờ người phụ nữ này giữ hộ. Bà ấy nói: "Bác cũng chẳng muốn cầm hộ đâu nhưng mà bố mày không tin tưởng con cái, cứ phải nhờ người ngoài cơ. Đành phải cầm hộ cho ông già yên tâm".
Về đến nhà, trong lòng tôi cảm thấy có điều gì đó rất khó chịu. Bố chồng suy nghĩ và hành động như vậy, thì liệu ông ấy có để tâm tới các con mình hay không. Chồng tôi bảo kệ ông ấy đi vì người già đôi lúc suy nghĩ tiêu cực, mà tôi thì cứ thấy ấm ức!