'Thầy bói xem voi'

Với 70,3% dân số sử dụng internet, Việt Nam đã trở thành một trong các quốc gia có tỷ lệ người dùng internet cao nhất thế giới. Sử dụng internet đã trở thành nhu cầu thiết yếu của người dân, đồng thời cũng là nền tảng quan trọng để phát triển kinh tế số, xã hội số. Thế nhưng, một số cá nhân, tổ chức xấu, chống đối, cơ hội chính trị lại cố tình không nhìn thẳng vào sự thật, đưa ra những báo cáo không đúng về tình hình internet tại Việt Nam.

Dân gian Việt Nam có câu chuyện ngụ ngôn đầy sâu sắc mang tên “Thầy bói xem voi”. Trong câu chuyện này, 5 ông thầy bói mù rủ nhau đi xem voi. Kết quả, người thì bình phẩm voi như con đỉa cực lớn, người lại cho rằng voi như cái quạt to tướng, ông khác thì mô tả voi như một cái chổi xể, như cái đòn càn, như cái cột nhà. Chỉ vì sự tối tăm, mù mịt, ấu trĩ, thiển cận của bản thân mà 5 ông thầy bói đã trở thành chuyện cười của thiên hạ. Câu chuyện châm biếm một cách sâu cay những kẻ tự cho mình là tài giỏi, thông minh, tinh tường mọi thứ nhưng thực chất lại là những kẻ chẳng biết gì.

Tương tự như 5 ông thầy bói trong truyện “Thầy bói xem voi”, những năm qua, tổ chức Freedom House - Ngôi nhà tự do cũng liên tục thể hiện sự ấu trĩ khi đưa ra các bản báo cáo sai sự thật về tình hình dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam nói chung và về vấn đề tự do internet nói riêng. Gần đây nhất, với cái gọi là Báo cáo tự do trên mạng internet năm 2022, tổ chức này tiếp tục tung ra những đánh giá không khách quan đối với Việt Nam. Họ quy chụp rằng: “Việt Nam đứng thứ năm trong nhóm sáu quốc gia có điểm số thấp nhất toàn cầu về tự do internet”, “Việt Nam không có tự do internet”, “từ đầu năm đến nay, có ít nhất 40 nhà hoạt động và Facebooker bị bắt hoặc bị kết án, phần lớn trong số này bị cầm tù với những tội danh mơ hồ như tuyên truyền chống nhà nước hay lợi dụng quyền tự do dân chủ”… Đây là những luận điệu hoàn toàn sai trái.

Đối với bất kỳ sự vật, hiện tượng gì, muốn đánh giá một cách chính xác thì người đánh giá phải có sự khách quan, công tâm, đủ năng lực, trình độ; phải nhìn nhận sự việc một cách tổng thể, có sự kết hợp giữa tai nghe, mắt thấy và suy nghĩ kỹ càng. Vậy nhưng với Freedom House khi đánh giá về tự do internet tại Việt Nam hoàn toàn không có các yếu tố nêu trên. Những báo cáo được tổ chức này tung ra xây dựng dựa trên những dữ liệu không chính thống, không khách quan, không phản ánh đúng tình hình thực tế. Đồng thời, bản thân Freedom House cũng có cái nhìn phiến diện, thiếu thiện cảm đối với Việt Nam. Bởi vậy, những thông tin được đưa ra là không đúng thực tế. Với những thông tin sai sự thật này, Freedom House đang cố tình tô vẽ một bức tranh tiêu cực, đen tối về đời sống internet tại Việt Nam. Đằng sau bản báo cáo này là mưu đồ kích động bất ổn, phá vỡ an ninh quốc gia, chống phá chế độ, tấn công Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Các quyền tự do, dân chủ nói chung và tự do internet nói riêng luôn được Đảng, Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật. Hiện nay, khoảng 70,3% dân số Việt Nam sử dụng internet. Internet đã thâm nhập vào mọi mặt, lĩnh vực của đời sống xã hội. Người dùng internet tại Việt Nam không những có thể truy cập, thu thập các thông tin trong nước mà còn dễ dàng tiếp cận thông tin từ các website nước ngoài. Việc kết nối, chia sẻ thông tin xuyên biên giới được thực hiện một cách thuận lợi. Mọi người dân ở Việt Nam đều có thể tự do chia sẻ, bày tỏ thông tin, quan điểm cá nhân thông qua internet. Với sự phát triển của mạng xã hội, mỗi người dùng mạng internet đều dễ dàng trở thành những “nhà báo công dân”. Cùng với đó, các cơ quan hành chính nhà nước cũng đã xây dựng các tài khoản mạng xã hội để tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân. Nhiều kiến nghị phản ánh, vụ việc phạm tội, vi phạm hành chính đã được tiếp nhận và giải quyết qua mạng xã hội. Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy sự tự do internet tại Việt Nam.

Internet đã trở thành nền tảng quan trọng để phát triển kinh tế số, xã hội số. Ngày 31-3-2022, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 411/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu của chiến lược là tích hợp công nghệ số một cách tự nhiên và mặc định vào mọi mặt đời sống, người dân được kết nối, có khả năng tương tác và thành thạo kỹ năng số để sử dụng các dịch vụ số, từ đó hình thành các mối quan hệ mới trong môi trường số, hình thành thói quen số và văn hóa số. Với chiến lược này, Việt Nam đặt ra các chỉ tiêu cơ bản đến năm 2025 là: tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 80%, tỷ lệ hộ gia đình được phủ mạng internet băng rộng cáp quang đạt 80%...; các chỉ tiêu cơ bản đến năm 2030 là tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 95%, tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản đạt trên 80%, tỷ lệ hộ gia đình được phủ mạng internet băng rộng cáp quang đạt 100%… Để hoàn thành mục tiêu đề ra, Chính phủ đã đưa ra những giải pháp đồng bộ từ hoàn thiện thể chế đến phát triển hạ tầng, nền tảng số, dữ liệu số, an toàn thông tin mạng và an ninh mạng, nhân lực số, kỹ năng số, công dân số, văn hóa số, doanh nghiệp…

Cũng cần nhấn mạnh thêm, tự do internet phải đi liền với việc tuân thủ các quy định của pháp luật. Không chỉ riêng Việt Nam mà nhiều quốc gia, liên minh khu vực trên thế giới như Mỹ, Ủy ban châu Âu (EU) cũng đã ban hành các quy định của pháp luật để ngăn chặn, xử lý những hành vi lợi dụng internet xâm phạm đến lợi ích của các cá nhân, tổ chức khác. Những luận điệu cho rằng Việt Nam “ngăn cản tự do internet”, “bắt giữ người dân chỉ vì thực hiện quyền tự do trên mạng” là sự vu khống một cách trắng trợn. Và dưới vỏ bọc “tự do internet”, Freedom House đã xuyên tạc đời sống internet, xâm phạm đến lợi ích của Việt Nam. Đây là điều không thể chấp nhận.

Bảo An

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/33/138196/thay-boi-xem-voi