Thầy cô trong tâm trí học trò

20-11 - Ngày nhà giáo Việt Nam, ngày tri ân các thầy, cô giáo, những người được nói đến bằng ngôn từ vô cùng đẹp đẽ: Kỹ sư tâm hồn, người đưa đò thầm lặng...

Trong kho tàng tri thức và tâm trí người Việt Nam, trải qua lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, trân quý hiền tài là những giá trị nhân văn đặc biệt của dân tộc Việt Nam. Truyền thống tốt đẹp ấy được tiếp nối qua các thế hệ, tỏa sáng trong mọi thời đại, bền bỉ nuôi dưỡng tinh thần hiếu học, coi trọng giáo dục của người Việt Nam. Truyền thống tốt đẹp ấy góp phần quan trọng xây dựng nên trí tuệ, đạo đức, văn hóa Việt Nam, góp phần vào sự trường tồn của dân tộc Việt Nam.

Văn hóa Trung Hoa có thành ngữ “Nhất tự vi sư” (Một chữ cũng là thầy), “Nhất nhật vi sư, chung thân vi phụ” (Một ngày cũng là thầy, suốt đời mới là cha). Thế nhưng với người Việt Nam, đó còn là “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy).

“Tôn sư” là tôn kính, biết ơn thầy cô giáo, những người đã dạy dỗ mình. “Trọng đạo” là coi trọng học vấn, đạo lý và những điều học được. Dẫu ở đâu đó, thỉnh thoảng vẫn có những câu chuyện xấu về mối quan hệ thầy - trò. Thế nhưng “Tôn sư, trọng đạo” vẫn là đạo lý đẹp và sâu sắc, được cả xã hội trân trọng từ bao đời nay.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần khẳng định vai trò của giáo dục, của nhà giáo. Ngày nay, ở khuôn viên nhiều trường sư phạm trong cả nước vẫn trang trọng trích dẫn lời dạy của Người: “Vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người”.

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo. Các thầy, cô giáo không những dạy chữ mà còn dạy người, họ cứ như cây thông trên núi cao, cây quế giữa rừng sâu, lặng lẽ tỏa hương dâng hiến trí tuệ, sức lực cho đời”.

Mỗi năm chỉ có một ngày 20-11, nhưng hằng ngày hai tiếng “thầy cô” thiêng liêng vẫn vang lên ở khắp các mái trường và cả trong sâu thẳm tâm hồn bao người. Đạo lý thầy - trò đã ăn sâu trong tâm thức, được lưu truyền từ đời này sang đời khác, như một mạch nguồn cho tâm hồn người Việt Nam ngày một phong phú, đẹp đẽ hơn.

Một học giả nổi tiếng của Trung Quốc từng nói: “Mặt trời mọc rồi lặn, trăng khuyết rồi trăng lại tròn, nhưng ánh sáng người thầy chiếu rọi vào chúng ta sẽ còn mãi trong suốt cuộc đời”. Một học giả nổi tiếng của Ấn Độ thì khẳng định: “Giáo dục một người đàn ông được một người đàn ông, giáo dục một người đàn bà được một gia đình, giáo dục một người thầy được cả một xã hội”…

Dù phố thị phồn hoa hay nơi hẻo lánh, xa xôi, biên giới; dù được đóng học phí mỗi năm 400-900 triệu đồng như nhiều trường mầm non, tiểu học, trung học quốc tế tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… hay những đứa trẻ ngày ngày quen với vườn tiêu, rẫy điều, rẫy cà phê, rừng cao su... Dù đồng lương cao hay thấp, có thầy cô còn dành một phần ít ỏi trong đó để mua gạo, mua áo đem tới nhà vận động học trò mình tới trường… Dù 4.0 đang đặt ra thách thức chưa từng có với nghề giáo khi trí tuệ nhân tạo (AI) có thể làm thay, làm tốt nhiệm vụ của người đứng trên bục giảng. Dù nhiều điều khác nữa… Nhưng tất cả lắng xuống, 20-11, còn lại sẽ là điều ý nghĩa nhất: Tri thức, tâm hồn, cốt cách của các thầy, cô trong tâm trí của bao thế hệ học trò!.

Trần Phương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/165481/thay-co-trong-tam-tri-hoc-tro