Thầy của nữ võ sĩ giành HCĐ ASIAD tiết lộ chi tiết đầy xúc động
Bạc Thị Khiêm, nữ võ sĩ vừa giành HCĐ taekwondo ở ASIAD 19 có tuổi thơ đầy cơ cực. Và chính sự cơ cực này đã tôi rèn lên một cô gái kiên cường, không sợ hãi.
Tài không đợi tuổi
Trong số các VĐV Việt Nam giành huy chương tại ASIAD 19, Bạc Thị Khiêm nhận được nhiều sự quan tâm bởi đây mới là lần đầu tiên cô gái dân tộc Thái tham dự một kỳ Á vận hội.
Tại tứ kết, Khiêm thi đấu xuất sắc, vượt qua đối thủ Hàn Quốc - quê hương môn võ này nhưng vào tới bán kết, võ sĩ Việt Nam không thể làm nên bất ngờ trước VĐV Trung Quốc, chấp nhận vị trí thứ 3 chung cuộc.
Chia sẻ với Báo Giao thông, Khiêm cho biết, vì là lần đầu thi đấu tại ASIAD nên dù được ban huấn luyện chuẩn bị kỹ càng về chiến thuật, chuyên môn nhưng nhiều thời điểm cô vẫn cảm thấy hồi hộp, căng thẳng.
"Các đối thủ rất mạnh, đẳng cấp hàng đầu châu lục, có kinh nghiệm trận mạc dày dặn nên mỗi trận đấu đều rất khó khăn. Dù không thể tiến vào trận chung kết nhưng tôi đã nỗ lực hết sức và tạm hài lòng với kết quả này. Tuy nhiên, chắc chắn tôi sẽ không dừng lại, tiếp tục cố gắng để chinh phục những cột mốc mới", nữ võ sĩ 23 tuổi nói.
Bạc Thị Khiêm vốn là một võ sĩ quen mặt trong làng taekwondo Việt Nam. Cô từng khiến giới chuyên môn ngỡ ngàng khi giành HCV SEA Games 30 ở tuổi 19 và kể từ đó luôn là trụ cột của đội tuyển taekwondo. Nhưng ít người biết, cô từng lên đội tuyển từ năm 15 tuổi.
Cơ duyên đưa Khiêm đến với taekwondo cũng đặc biệt khi một cô giáo ở trường cấp 2 giới thiệu cho các thày tại Trung tâm Huấn luyện TDTT Sơn La. Nhờ thể hình, sức bật tốt, cô được tuyển chọn và chỉ mất một năm để ghi dấu ấn với 6 tấm HCV ở các giải đấu trong nước. Lúc đó cô mới 13 tuổi.
HLV Quàng Văn Lịch, người trực tiếp huấn luyện Khiêm tại Trung tâm Huấn luyện TDTT Sơn La cho biết, nữ võ sĩ sinh năm 2000 có ý chí vô cùng tuyệt vời.
"Về tố chất, bạn ấy sở hữu thể hình, sức bền tốt nhưng kỹ thuật còn đôi chút hạn chế. Tuy nhiên, nhờ chịu khó tập luyện cùng ý chí vươn lên mạnh mẽ nên đã gặt hái được thành công. Ở đội, bạn ấy luôn là tấm gương sáng cho các em noi theo, không chỉ về chuyên môn mà cả trong sinh hoạt", ông Lịch nói.
Ông Lịch cũng nhận định, ở tuổi 23, cô học trò nhỏ vẫn còn tiềm năng phát triển: "Khiêm hiện tại tập luyện và sinh hoạt ở đội tuyển là chủ yếu. Tôi cũng thường xuyên trao đổi với các thày trên đội tuyển với mong muốn làm sao giúp bạn ấy phát huy được tối đa tiềm năng. Tôi cho rằng, với tinh thần không từ bỏ, bạn ấy sẽ còn tiến xa hơn trong tương lai".
Người con hiếu thảo
Bạc Thị Khiêm sinh ra, lớn lên ở xã Mường Giôn, huyện Quỳnh Nhai, Sơn La. Trong cuộc trò chuyện cùng Báo Giao thông, Khiêm cho hay, gia đình cô có hoàn cảnh rất khó khăn: "Trước đây, hàng ngày tôi đều phải đi bộ đường đồi núi khoảng 8km để đến trường.
Ngoài thời gian học, tôi phụ giúp bố mẹ làm nương rẫy. Cuộc sống vất vả lắm, quanh năm thiếu thốn. Chính bởi vậy, khi được tuyển chọn tập luyện thể thao chuyên nghiệp tôi đã đồng ý ngay, phần vì muốn bố mẹ bớt gánh nặng, phần muốn phấn đấu để có tương lai tươi sáng hơn".
Theo HLV Quàng Văn Lịch, năm vào Trung tâm Huấn luyện TDTT Sơn La, Khiêm mới 12 tuổi nhưng rất tự giác, chăm chỉ và gần như không bao giờ bỏ dở bài tập. Có lẽ chính tuổi thơ cơ cực đã trui rèn nên ý chí vững vàng cho nữ võ sĩ vừa giành HCĐ ASIAD.
"Đã có lúc tôi muốn từ bỏ con đường này khi chấn thương, những cơn đau, những bài tập nặng khiến tôi kiệt sức. Tuy nhiên, nghĩ về gia đình và nhờ các thày động viên, tôi lại phấn chấn và bước tiếp", Khiêm bộc bạch.
Theo tìm hiểu, cô gái sinh năm 2000 hiện là trụ cột của cả gia đình. Mẹ cô bị bệnh hở van tin cần điều trị thuốc men thường xuyên. Hai em đang đi học tại Hà Nội cũng đều do cho chu cấp, lo lắng.
"Vì hoàn cảnh nên Khiêm tiết kiệm lắm, toàn bộ tiền lương, thưởng, phụ cấp bạn ấy gần như không tiêu gì cho mình ngoài một vài bộ quần áo. Bạn ấy dành dụm từng đồng mua thuốc cho mẹ, đóng học cho em. Căn nhà sàn ở quê cũng nhờ tiền bạn ấy gửi về để sửa sang lại", ông Lịch nói thêm.
Khi được hỏi về ước mơ, Khiêm cười hiền đáp: "Tôi chỉ ước bố mẹ được khỏe mạnh, các em học hành đến nơi đến chốn. Còn với bản thân, tôi sẽ thi đấu tới khi nào có thể bởi ngoài taekwondo tôi chẳng còn đam mê gì đặc biệt".