Thầy dạy cho tôi hiểu rằng 'đôi khi phải biết cách sống chung với lũ'

Khi đặt bút viết những dòng này, trong tôi hỗn độn nhiều cảm xúc, những kỉ niệm cách đây 22 năm lại ùa về. Thầy mãi là nguồn động lực để tôi vượt qua rất nhiều khó khăn trên con đường phía trước.

Vẫn cái cảm giác hồ hởi mong đợi ngày sẽ bước chân vào giảng đường đại học, vẫn là biết bao lo lắng vì sắp rời xa gia đình đến một chân trời mới. Cùng nỗi nhớ nhung tháng ngày đã qua là những mảnh vỡ kí ức bỗng ùa về hòa vào những con mưa dai dẳng của mảnh đất Kon Tum càng khiến lòng người trở nên rối bời, nghẹn ngào, đầy tiếc nuối, đầy hi vọng.

Ngày ấy tôi sợ, không phải là sợ những vấp ngã, sợ những thử thách, thiếu thốn của đời sống sinh viên. Tôi chỉ sợ một điều thôi, là một ngày nào đó, tôi bỗng nhiên thấy chán với những gì tôi đang làm, thấy nản lòng, thấy ghét giấc mơ mà tôi đã theo đuổi. Tôi sợ tôi sẽ bỏ cuộc vì những cảm xúc như thế. Tôi sợ mình không đủ can đảm, không đủ nhiệt huyết để theo đuổi con đường đã chọn. Tôi tự nhắc nhở với lòng mình rằng, nếu như điều ấy xảy ra, tôi phải luôn nhớ đến thầy để có thêm sức mạnh và tiếp tục bước tới…

Đó là Nhà giáo Ưu tú Văn Đức Thảo. Hình ảnh của thầy đã, đang và sẽ mãi là nguồn động lực cho tôi vượt qua rất nhiều khó khăn trên con đường phía trước.

Thầy Thảo và các thầy cô tổ Toán (tác giả đứng hàng sau, thứ 2 tính từ bên phải)

Thầy Thảo và các thầy cô tổ Toán (tác giả đứng hàng sau, thứ 2 tính từ bên phải)

Ngày ấy, thầy là Hiệu phó Trường THPT Kon Tum. Thầy dạy Toán lớp tôi. Chưa đến 50 tuổi mà tóc thầy bạc trắng gần hết.

Có nhiều điều khiến tôi mãi băn khoăn về thầy. Đầu tiên là đôi mắt của thầy, một đôi mắt dường như có lửa. Hơn nữa, không hiểu sao ở thầy tôi luôn cảm nhận được sự ấm áp đến lạ, khiến tôi bình yên trong lòng, đầy yêu thương, đầy trìu mến mỗi khi thấy bóng dáng thầy đi ngang qua lớp học.

Thầy là một trong những người thuộc thế hệ tiên phong cho sự nghiệp giáo dục của tỉnh Kon Tum. Gần 40 năm đứng lớp, thầy đã đào tạo biết bao thế hệ học sinh. Trong số ấy, có rất nhiều người sau này là đồng nghiệp của thầy, là hiệu trưởng những trường khác, là lãnh đạo của Kon Tum. Nhiều người ở đây đã gọi thầy Thảo là “thầy của những người thầy, hiệu trưởng của các hiệu trưởng”...

Đôi khi tôi tự hỏi, điều gì đã giữ chân thầy gắn bó với mảnh đất Kon Tum xa xôi và khô cằn sỏi đá này? Nguồn năng lượng nào và xuất phát từ đâu đã khiến thầy gắn bó với nghiệp trồng người suốt mấy mươi năm như thế?

Câu trả lời chỉ một từ thôi: Lòng yêu nghề!

“Thầy tôi!” - tôi hay tự gọi trong lòng về thầy Thảo như thế, như cái cách thầy hay gọi tôi là "con trai". Thầy đã dạy tôi phải biết sống như thế nào cho phải đạo làm người, phải biết cách vượt qua những toan tính đời thường, phải biết mở rộng tâm hồn, sống vì mọi người, sống sao cho thật có ý nghĩa và luôn là chính mình.

Thầy đã dạy cho tôi hiểu rằng hạnh phúc không phải là nơi đích đến mà hạnh phúc ở chính trên con đường mà tôi đang đi. Thầy dạy tôi sống là phải biết cách chấp nhận sự không hoàn hảo...

Thầy dạy cho tôi biết rằng “đôi khi ta phải biết cách sống chung với lũ”, “nghề nghiệp không chỉ đơn giản là thu nhập, mà còn là nơi để ta thể hiện bản ngã, giá trị bản thân và tìm kiếm giá trị cuộc sống"…

Với tôi, thầy còn là một người cha, người anh, người bạn, bởi những lúc khó khăn, bế tắc nhất, tôi lại tìm đến thầy để chia sẻ và nhận được những lời khuyên quý báu. Nhờ vậy, tôi biết cách vượt qua khó khăn và lại vững tin vào cuộc sống, vững tin trong tư thế của một người làm công việc trồng người.

Hiện nay, cuộc sống của thầy cô giáo vẫn còn nhiều trăn trở: Đồng lương chưa tương xứng, vai trò của người thầy không còn được xã hội xem trọng, hồ sơ sổ sách còn nhiều, các cuộc thi còn rất áp lực, bệnh thành tích rất nặng nề… Nhưng mỗi khi nghĩ đến thầy Thảo, tôi lại vững tin với nghề, bởi 40 năm trước, khi đời sống còn rất khó khăn mà thầy còn làm được thì bây giờ tôi cũng sẽ làm được.

Phạm Bình Nguyên (Giáo viên Toán, Trường THPT Phan Chu Trinh, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum)

Những ngày này, nghề giáo lại trở thành tâm điểm của cả dư luận và nghị trường, khi những vấn đề muôn thuở như lương và những sự vụ phát sinh trong mối quan hệ giáo viên - học trò, giáo viên - phụ huynh đang gây bức xúc.

Nhưng giữa muôn vàn thở than, ca thán, cả triệu giáo viên vẫn đang ngày ngày cặm cụi làm việc. Và vẫn còn đó ký ức về những người thầy "không thể quên", mà những người đã trải qua tuổi học trò luôn mang trong tim.

VietNamNet xin mở một "góc nhỏ" - diễn đàn để độc giả chia sẻ về "Những thầy cô mãi trong tim tôi". Bài viết xin gửi về bangiaoduc@vietnamnet.vn . Xin chân thành cảm ơn!

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/thay-day-cho-toi-hieu-rang-doi-khi-phai-biet-cach-song-chung-voi-lu-2080445.html