Thay đổi cách đánh giá học sinh có giúp giáo dục cất cánh?
Qua trao đổi về những thay đổi trong đánh giá, xếp loại học sinh các giáo viên rất ủng hộ vì cách đánh giá hiện nay đang quá nặng về kiểm tra kiến thức.
Thay đổi về kiểm tra, đánh giá học sinh
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12/12/2011.
Có nhiều điểm mới đáng chú ý tại dự thảo như tăng cường kết hợp đánh giá định tính và định lượng, tức kết hợp đánh giá bằng nhận xét và đánh giá bằng điểm số.
Thay đổi cách thức kiểm tra đánh giá học sinh là phù hợp với đổi mới giáo dục hiện nay (ảnh Minh Triết).
Việc đánh giá bằng nhận xét không chung chung mà bằng những biểu hiện cụ thể về thái độ, hành vi, kết quả, sản phẩm học tập của học sinh gắn với từng bài học, theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh.
Đổi mới cách ra đề theo hướng thay vì kiểm tra sự ghi nhớ kiến thức của học sinh thì đánh giá học sinh sử dụng kiến thức để giải quyết một nhiệm vụ học tập cụ thể nào đó.
Có nhiều hình thức kiểm tra đánh giá như: hỏi - đáp, thuyết trình, kiểm tra viết trên giấy hoặc trên máy tính, đặc biệt chú trọng kiểm tra đánh giá thông qua các sản phẩm học tập, sản phẩm thực hành.
Ngoài ra, số đầu điểm đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ cho mỗi môn học, theo hướng giảm số đầu điểm so với quy định hiện hành.
Dự thảo thông tư được ban hành đã nhận được nhiều ý kiến đánh giá cao của giáo viên. Họ cho rằng, cách đánh giá, kiểm tra như vậy rất thiết thực, học sinh sẽ hứng thú hơn trong học tập.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) – ông Hà Xuân Nhâm cho rằng, căn cứ vào đổi mới phương pháp giảng dạy cũng như đổi mới về chương trình phổ thông thì thông tư mới rất tốt. Đáp ứng được đa dạng hóa hình thức đánh giá đối với học sinh, phù hợp với dạy học hiện nay khi chủ yếu xem xét kỹ năng thay vì đánh giá mang nặng kiểm tra kiến thức.
“Cái mình mong ước từ lâu cho phép các nhà trường đa dạng hóa hình thức đánh giá” – thầy Nhâm nhấn mạnh.
Trường THPT Phan Huy Chú Hà Nội là trường công lập tự chủ tài chính. Hoạt động dạy học của nhà trường rất linh hoạt, trong đó có nhiều hoạt động trải nghiệm. Do đó, nhiều năm nay nhà trường đã áp dụng nhiều hình thức đánh giá đối với học sinh.
Mỗi hoạt động trải nghiệm thường yêu cầu học trò lên kế hoạch chi tiết, chuẩn bị trước, triển khai và báo cáo kết quả. Khi đánh giá học sinh là đánh giá cả quá trình, tiến trình, thái độ, năng lực và hoạt động nhóm.
Mỗi học sinh đều có nhóm năng lực khác nhau, mỗi em đảm nhận một nhiệm vụ cùng nhau hợp tác hoàn thành mục tiêu chung. Do đó, khi thay đổi hình thức đánh giá thầy Hà Xuân Nhâm rất ủng hộ.
Rất ủng hộ sự thay đổi trong kiểm tra đánh giá học sinh
Đồng quan điểm, cô giáo Phan Thị Tú Anh - giáo viên dạy văn Trường THPT Phạm Hồng Thái, Hà Nội cho biết rất tán thành cách đánh giá mới của Bộ GD&ĐT. Hiện nay, việc kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn rất nặng, quá nhiều bài.
Cách kiểm tra đánh giá nặng về kiểm tra kiến thức khiến việc học tập trở thành gánh nặng mệt mỏi đối với học sinh (ảnh Minh Triết).
Một học kỳ môn Ngữ văn có 8 đầu điểm trong đó có 4 bài hệ số 1; 3 bài hệ số 2 và 1 bài học kỳ. Nên quá trình dạy học liên tục kiểm tra. Các bài kiểm tra thường chạy theo khuôn mẫu đề thi THPT quốc gia của bộ nên khô cứng, ít tạo hứng thú cho học sinh.
Để thay đổi được cách kiểm tra đánh giá như trong dự thảo cần thiết phải cải cách chương trình. Vì chương trình hiện hành nặng lý thuyết. Trong khi môn Ngữ văn không chỉ dạy về kiến thức mà dạy đạo đức để làm người.
Cần tăng cường các bài học áp dụng môn Ngữ văn trong dạy học thực tế để cho học sinh học nên người, đúng với nghĩa người.
Hiện có nhiều bài giảng văn không mang tính thực tế, không phản ánh hiện thực xã hội, không bài học rút ra để học sinh hoàn thiện bản thân. Nhìn nhận cuộc sống điểm nào tích cực, tiêu cực để rút ra cách sống, đối nhân xử thế.
Rất nhiều bài văn, tập làm văn, tiếng Việt không vận dụng được vào thực tế vì toàn lý thuyết. Để đổi mới kiểm tra, đánh giá thành công, Bộ GD&ĐT cần đổi mới chương trình. Kiểm tra, đánh giá phải đánh giá được học sinh áp dụng bài học vào thực tế, vận dụng vào cuộc sống.
Bây giờ, dạy Văn vẫn mang nặng tính lý thuyết nên cô Tú Anh rất ủng hộ đổi mới. Cách kiểm tra đánh giá mới sẽ không áp lực đối với giáo viên.
Việc đổi mới, đánh giá học sinh sẽ tạo được sự phát triển năng lực tư duy của học sinh, làm bộc lộ sự phát triển nhân cách của các em rất dễ và rèn luyện cho học sinh tính tự giác, tự chủ, không bị thụ động trong công việc học tập.
Học sinh sẽ hiểu văn học là nhân học, không chỉ học kiến thức mà học tri thức để làm người. Môn Văn quan trọng nhất là dạy tri thức làm người chứ không phải dạy kiến thức.