Thay đổi cách đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12/12/2011.

Theo Bộ GDĐT, Chương trình Giáo dục phổ thông mới (2018) được thực hiện từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1 và từ năm học 2021-2022 đối với lớp 2, lớp 6. Do đó, Bộ GDĐT ban hành Thông tư mới thay thế Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT về đánh giá, xếp loại học sinh THCS, THPT cho học sinh học theo Chương trình mới 2018.

Đối với học sinh đang học theo Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05/5/2018 của Bộ trưởng Bộ GDĐT hiện vẫn đang thực hiện việc kiểm tra, đánh giá theo Thông tư 58 cho đến hết năm học 2023-2024.

Theo đánh giá, Thông tư 58 còn một số hạn chế như, nhiều môn học chỉ có hình thức đánh giá bằng bài kiểm tra và cho điểm; nhiều đầu điểm; chưa tiếp cận đánh giá phẩm chất và năng lực học sinh...

Để đổi mới kiểm tra, đánh giá, đa dạng hóa các hình thức đánh giá; tăng cường đánh giá quá trình; khen thưởng toàn diện hoặc theo từng lĩnh vực; bước đầu tiếp cận đánh giá phẩm chất, năng lực học sinh... Bộ GDĐT đã dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 58.

Trong Dự thảo, đối với đánh giá sẽ kết hợp giữa đánh giá bằng nhận xét và điểm số đối với các môn học (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ… trừ Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục), đánh giá bằng điểm số kết quả thực hiện các yêu cầu về chuẩn kiến thức, kĩ năng đối với môn học quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ GDĐT ban hành. Đánh giá bằng nhận xét sự tiến bộ về thái độ, hành vi, kết quả thực hiện các nhiệm vụ học tập theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh trong quá trình học tập môn học quy định trong Chương trình GDPT.

Cách đánh giá, xếp loại học sinh sẽ thay đổi (ảnh minh họa)

Cách đánh giá, xếp loại học sinh sẽ thay đổi (ảnh minh họa)

Dự thảo hướng dẫn, đối với các môn học kết hợp giữa đánh giá bằng nhận xét và điểm số cần nhận xét sự tiến bộ về thái độ, hành vi, kết quả học tập môn học sau mỗi học kì, cả năm học; tính điểm trung bình môn học và tính điểm trung bình các môn học sau mỗi học kì, cả năm học.

Việc kiểm tra đánh giá gồm, kiểm tra đánh giá thường xuyên quá trình và kết quả thực hiện các nhiệm vụ học tập theo chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong Chương trình GDPT. Và kiểm tra đánh giá định kì kết quả giáo dục học sinh sau một giai đoạn học tập, rèn luyện, nhằm xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ học tập của học sinh theo chương trình môn học, hoạt động giáo dục quy định trong Chương trình GDPT. Kiểm tra đánh giá định kì gồm có kiểm tra đánh giá giữa kì và kiểm tra đánh giá cuối kì.

Trong mỗi học kì, số bài kiểm tra đánh giá thường xuyên đối với môn học có từ 35 tiết trở xuống/năm học là 2 bài; môn học có từ trên 35-70 tiết/năm học là 3 bài; và môn học có từ trên 70 tiết/năm học là 4 bài. Mỗi môn học có 1 bài đánh giá giữa kỳ và 1 bài đánh giá cuối kỳ.

Đối với các môn học kết hợp giữa đánh giá bằng nhận xét và điểm số, điểm trung bình môn học kì là trung bình cộng của điểm kiểm tra đánh giá thường xuyên, điểm kiểm tra đánh giá giữa kì và điểm kiểm tra đánh giá cuối kì với các hệ số quy định.

Dự thảo quy định, giáo viên bộ môn phải thực hiện kiểm tra đánh giá thường xuyên; tham gia kiểm tra đánh giá định kì theo phân công của Hiệu trưởng…

Trong Dự thảo cũng thay thế từ hoặc cụm từ như, thay "yếu (Y)"bằng "cần rèn luyện thêm"; thay "cho điểm"bằng "điểm số"; thay "sổ gọi tên và ghi điểm" bằng "sổ theo dõi và đánh giá học sinh"…

Dự thảo lấy ý kiến góp ý đến ngày 16/7/2020.

P.Anh

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/thay-doi-cach-danh-gia-xep-loai-hoc-sinh-trung-hoc-co-so-trung-hoc-pho-thong-20200517184819336.htm