Thay đổi căn bản cách nhận thức, tiếp cận và cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại Việt Nam
Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số vừa tổ chức phiên họp chuyên đề về 'Thay đổi căn bản cung cấp dịch vụ công trực tuyến' nhằm nâng cao chất lượng cung cấp và hiệu quả sử dụng.
Đây là lần đầu tiên Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số tổ chức phiên họp tập trung vào một chủ đề cụ thể - dịch vụ công trực tuyến. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số chủ trì phiên họp.
Dự thảo Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng dịch vụ công trực tuyến
Tại phiên họp, ông Đỗ Lập Hiển - Giám đốc Trung tâm Công nghệ số quốc gia, Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông đã giới thiệu dự thảo Bộ tiêu chí đánh giá, phương pháp đánh giá, kết quả đánh giá chất lượng dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, tỉnh.
Theo đó, Bộ tiêu chí được xây dựng trên cơ sở tham chiếu, cập nhật, đồng bộ với hành lang pháp lý mới nhất đến thời điểm tháng 3/2023, gồm 3 trụ cột:
Đánh giá chức năng: Phản ánh mức độ đầy đủ các chức năng của Cổng dịch vụ công theo quy định pháp luật để phục vụ người sử dụng;
Đánh giá hiệu năng: Phản ánh thời gian đáp ứng khi người sử dụng truy cập vào giao diện trang chủ của Cổng dịch vụ công và giao diện điền thông tin hồ sơ (eForm) của một thủ tục hành chính;
Đánh giá khả năng truy cập thuận tiện (theo chuẩn WCAG 2.0).
Từ ngày 10/6/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chính thức đánh giá Cổng dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương và công bố kết quả vào cuối tháng 6/2023. Đồng thời, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đề nghị các doanh nghiệp cung cấp giải pháp hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính khẩn trương cập nhật, nâng cấp phiên bản đang triển khai ở các bộ, tỉnh lên phiên bản mới nhất. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đánh giá và công bố xếp hạng chất lượng giải pháp công nghệ do doanh nghiệp cung cấp.
Quyết tâm thay đổi căn bản việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến
Tại phiên họp, đại diện đến từ các bộ, ngành, địa phương đã chia sẻ những bài học kinh nghiệm hay liên quan đến việc thúc đẩy, khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến thông qua chính sách miễn giảm phí, lệ phí, rút ngắn thời gian xử lý; mang dịch vụ công trực tuyến đến gần người dân hơn thông qua ứng dụng di động và mạng xã hội Việt Nam.
Phát biểu kết luận phiên họp, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá cao những cách làm hay, bài học kinh nghiệm quý trong đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại các địa phương.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, sau hơn 20 năm làm dịch vụ công trực tuyến, bây giờ là lúc thay đổi căn bản cách cung cấp, cách nhận thức, tiếp cận dịch vụ công trực tuyến Việt Nam.
Theo đó, hai điều căn bản nhất là trực tuyến toàn trình và chất lượng dịch vụ trực tuyến. Trực tuyến toàn trình là người dân tự làm từ nhà và không đến cơ quan nhà nước. Chất lượng dịch vụ công trực tuyến là sự đơn giản, thuận tiện và nhanh. Hai yếu tố này phải dẫn đến kết quả cuối cùng là đại đa số người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Tiếp sau dịch vụ công trực tuyến - trọng tâm của Chính phủ điện tử là đến Chính phủ số. Việt Nam phải sớm kết thúc để chuyển toàn lực sang Chính phủ số. Trước đây, các nước đi trước ứng dụng công nghệ thông tin để làm chính phủ điện tử, dịch vụ công trực tuyến, nên tốn kém hơn, chậm hơn. Hiện nay, chúng ta có cơ hội dùng công nghệ số, cách tiếp cận chuyển đổi số để làm Chính phủ điện tử, dịch vụ công trực tuyến, nên sẽ nhanh hơn, rẻ hơn.
Vì vậy, chúng ta phải quyết tâm thay đổi căn bản việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Kết thúc giai đoạn Chính phủ điện tử vào năm 2025 và bắt đầu giai đoạn Chính phủ số. Giai đoạn 2023-2025 là lai ghép chính phủ điện tử và chính phủ số.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, thay đổi căn bản dịch vụ công trực tuyến Việt Nam là nỗ lực của các bộ, ngành và địa phương. Trong đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đóng vai trò dẫn dắt, điều phối, chỉ ra cách làm mới đột phá, tháo gỡ khó khăn, giới thiệu các bài học hay, cách làm tốt, hỗ trợ trực tiếp khi cần.
Cuối cùng, Bộ trưởng kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ số nhìn xa hơn với tầm nhìn một Việt Nam số, vừa kinh doanh vừa giúp đất nước phát triển, giúp người dân được hưởng các dịch vụ công tốt hơn.
Với tinh thần Make In Vietnam, các doanh nghiệp công nghệ số hãy cung cấp giải pháp dịch vụ công trực tuyến dưới dạng nền tảng số dùng chung, triển khai nhanh, nâng cấp nhanh, giá rẻ và chất lượng cao.