Thay đổi cấu trúc đề kiểm tra định kỳ theo CV 7991: Giúp học thật, đánh giá thật

Các câu hỏi 'đúng - sai' nếu được thiết kế theo đúng ma trận, mức độ ở từng câu có thể tạo ra áp lực đáng kể cho học sinh.

Ngày 17/12/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành văn bản số 7991/BGDĐT-GDTrH về việc thực hiện kiểm tra, đánh giá đối với cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Theo đó, đề kiểm tra định kỳ của các môn đánh giá bằng điểm số cấp trung học phổ thông sẽ có ma trận mới, gồm 2 phần: trắc nghiệm khách quan (chiếm 7/10 điểm) và tự luận (chiếm 3/10 điểm). Trong đó, những môn học không có dạng câu hỏi "trả lời ngắn", toàn bộ số điểm của phần này sẽ chuyển sang cho dạng "đúng - sai". Ngoài ra, mức độ nhận thức đề kiểm tra sẽ có 40% câu hỏi ở mức độ nhận biết, 30% câu hỏi ở mức độ thông hiểu và 30% câu hỏi ở mức độ vận dụng.

Theo đánh giá của lãnh đạo một số trường trung học phổ thông, sự thay đổi này sẽ mang lại nhiều tác động tích cực, giúp học sinh "học thật - thi thật".

 Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Có thể phát huy năng lực thực sự học sinh, nhưng là thách thức cho giáo viên khi ra đề

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Hà Văn Hải - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Mỹ Tho (Nam Định) đã có những chia sẻ về việc thay đổi cấu trúc đề kiểm tra định kỳ đối với học sinh trung học.

“Thay đổi này giúp đánh giá năng lực một cách sát thực hơn, phù hợp với nhận thức và tình hình thực tế của học sinh. Để thực hiện, đội ngũ cán bộ và giáo viên phải có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Riêng tại tỉnh Nam Định, lãnh đạo phòng chuyên môn tại Sở Giáo dục và Đào tạo (Phòng Giáo dục trung học và Phòng Quản lý chất lượng giáo dục - phóng viên) đã triệu tập các giáo viên cốt cán, nhóm trưởng, và tổ trưởng chuyên môn, để xây dựng một ngân hàng đề kiểm tra định kỳ dùng chung trong nội bộ tỉnh. Việc này nhằm đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả trong việc triển khai phương thức kiểm tra mới”, thầy Hải cho biết.

Theo thầy Hải, việc thay đổi cấu trúc đề kiểm tra giúp phân loại học sinh tốt hơn, nhưng cũng là thách thức với người ra đề: “Việc điều chỉnh cấu trúc đề kiểm tra với tỷ lệ mới không chỉ giúp phân loại học sinh rõ nét, mà còn tạo điều kiện cho học sinh dễ dàng đạt mức điểm trung bình. Tuy nhiên, sự thay đổi trong phần trắc nghiệm, đặc biệt là việc sử dụng câu hỏi "đúng - sai" thay cho "câu trả lời ngắn", đặt ra thách thức lớn cho giáo viên trong quá trình thiết kế đề thi.

Loại câu hỏi này đòi hỏi sự đầu tư kỹ lưỡng về thời gian và công sức, bởi nếu quá dễ, sẽ không phản ánh đúng năng lực học sinh; ngược lại, nếu quá khó, lại gây áp lực không cần thiết.

Mặc dù một số môn như Ngoại ngữ đã áp dụng dạng câu hỏi này từ lâu, việc mở rộng sử dụng trên nhiều môn học vẫn cần sự tập huấn và chuẩn bị kỹ càng để đảm bảo tính hiệu quả và công bằng trong đánh giá năng lực toàn diện của học sinh”.

Đồng quan điểm trên, cô Bùi Thị Anh - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) nhận định, việc thay đổi cấu trúc đề kiểm tra mới sẽ tác động đáng kể tới học sinh lẫn giáo viên.

Đặc biệt, cô Bùi Thị Anh cho biết: "Đề kiểm tra định kỳ mới sẽ đánh giá được năng lực toàn diện của học sinh. Cấu trúc đề mới này đòi hỏi học sinh phải "học thật - thi thật", tránh tình trạng học tủ, học lệch do đề có tính phân loại cao. Để đạt được số điểm tốt trong đề kiểm tra, học sinh cần phải tư duy nhiều hơn do khó có thể dùng mẹo, nhất là với phần câu hỏi dạng "đúng - sai" chuyển sang dạng câu hỏi "trả lời ngắn".

Đối với các trường học nằm ở vùng điều kiện kinh tế khó khăn, việc tiếp cận với các chuyên gia, giáo viên cốt cán là không nhiều. Do đó, việc triển khai, phổ biến những kiến thức về sự thay đổi này sẽ là thách thức với nhiều nhà trường nói chung và đội ngũ giáo viên nói riêng. Với cấu trúc đề kiểm tra mới, các trường học cùng đội ngũ giáo viên cần liên tục nghiên cứu, cập nhật những thay đổi để có hướng ôn tập tới học sinh một cách phù hợp".

Cùng bàn về vấn đề này, cô Phan Thị Thu Lan - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đông Anh (Hà Nội) cho hay, việc thay đổi cấu trúc đề kiểm tra định kỳ có những lợi ích nhất định tới học sinh.

Trong đó, với sự thay đổi các câu hỏi "đúng - sai" thay cho "câu trả lời ngắn", có thể đảm bảo công bằng trong các bài kiểm tra định kỳ và có thể phát huy năng lực thực sự học sinh. Tuy nhiên, theo cô Lan, học sinh khó đạt được điểm tối đa trong bài kiểm tra của mình.

“Các câu hỏi "đúng - sai" nếu được thiết kế theo đúng ma trận, mức độ ở từng câu có thể tạo ra áp lực đáng kể cho học sinh. Trong đó, mỗi câu hỏi thường bao gồm ít nhất một ý nằm ở mức độ vận dụng hoặc vận dụng cao, đòi hỏi học sinh không chỉ nắm vững kiến thức cơ bản, mà còn phải có khả năng áp dụng kiến thức vào các tình huống cụ thể.

Điều này khiến phần nội dung kiểm tra này trở nên thách thức, đặc biệt đối với những học sinh ở mức trung bình hoặc khá. Hơn nữa, việc đạt điểm trọn vẹn trong phần này là rất khó, bởi chỉ cần một sai sót nhỏ trong phân tích hoặc lựa chọn đáp án, học sinh sẽ mất điểm”, cô Phan Thị Thu Lan bày tỏ.

Cần có kế hoạch cụ thể để giáo viên và học sinh làm quen

Theo cô Phan Thị Thu Lan, hiện tại, Trường Trung học phổ thông Đông Anh vẫn áp dụng hình thức ma trận cũ cho tới hết học kỳ 1. Sang học kỳ 2, nhà trường sẽ ra đề theo ma trận mới, tuy nhiên, cân đối mức độ phù hợp, nhằm khích lệ sự nỗ lực, cố gắng của học sinh, không làm ảnh hưởng đến kết quả đánh giá quá trình học tập của các em.

"Đối với việc thay đổi cấu trúc đề kiểm tra định kỳ của học sinh trung học phổ thông, nhà trường sẽ lên kế hoạch cụ thể để triển khai và cho học sinh tiếp cận dần với cấu trúc đề kiểm tra, đánh giá mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Cùng với đó, nhà trường sẽ hỗ trợ giáo viên tiếp cận việc xây dựng ma trận, bản đặc tả, đề kiểm tra và hướng dẫn chấm đề kiểm tra định kỳ mới qua các chuyên đề, hội thảo với các chuyên gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.

Điều này giúp cho học sinh và giáo viên có sự chuẩn bị tốt nhất khi áp dụng hình thức này từ học kỳ 2 năm học 2024-2025", cô Lan chia sẻ thêm.

 Học sinh Trường Trung học phổ thông Đông Anh (Hà Nội). Ảnh: website trường.

Học sinh Trường Trung học phổ thông Đông Anh (Hà Nội). Ảnh: website trường.

Tương tự, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Mỹ Tho (Nam Định) cho biết, hiện nhà trường đã có những phương án cụ thể để đáp ứng quy định đổi mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

“Nhà trường đã có thông báo và tiến hành tuyên truyền đến học sinh, để các em nắm rõ cấu trúc trong đề kiểm tra mới. Trước đó, nhà trường cũng đã triển khai thử nghiệm trong kỳ kiểm tra giữa học kỳ 1 vừa qua.

Cùng với đó, để hỗ trợ giáo viên thích nghi với thay đổi, nhà trường đã tổ chức các buổi hội thảo và tập huấn chuyên môn. Quá trình tập huấn được chia thành hai giai đoạn: ban đầu, giáo viên tham gia làm việc trực tiếp với các chuyên viên của Sở Giáo dục và Đào tạo.

Sau đó, lực lượng giáo viên này sẽ quay về trường để tiếp tục tổ chức hội thảo và chia sẻ kinh nghiệm trong các tổ nhóm chuyên môn. Những nỗ lực này nhằm đảm bảo đội ngũ giáo viên có đủ kiến thức và kỹ năng để thực hiện tốt phương pháp kiểm tra mới", thầy Hải chia sẻ.

Cũng theo thầy Hải, với việc áp dụng hình thức kiểm tra và đánh giá mới này, chất lượng thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông tới đây rất đáng kỳ vọng.

Trước sự thay đổi này, cô Bùi Thị Anh cho hay, Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Quý Đôn đã có sự chuẩn bị từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo có dự thảo và đang triển khai kế hoạch cụ thể để áp dụng cấu trúc đề kiểm tra, đánh giá mới vào học kỳ tới.

"Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Quý Đôn có nhiều giáo viên cốt cán của tỉnh Điện Biên, vì vậy, trường gặp nhiều thuận lợi trong việc tiếp cận và làm quen với đề kiểm tra, đánh giá mới.

Về kế hoạch triển khai, nhà trường đã tiến hành họp các tổ chuyên môn nhằm đánh giá những thay đổi của phương pháp kiểm tra, đánh giá thông qua ma trận, cấu trúc mới trong đề kiểm tra định kỳ. Từ đó, nhà trường sẽ đưa ra những định hướng, phương án cụ thể để có thể áp dụng đề kiểm tra mới vào học kỳ tới", nữ Hiệu trưởng chia sẻ.

 Theo cô Bùi Thị Anh (áo đỏ) - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên), nhà trường đã có sự chuẩn bị từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo có dự thảo và đang triển khai kế hoạch cụ thể để áp dụng cấu trúc đề kiểm tra, đánh giá mới vào học kỳ 2 năm học 2024-2025. Ảnh: website trường.

Theo cô Bùi Thị Anh (áo đỏ) - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên), nhà trường đã có sự chuẩn bị từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo có dự thảo và đang triển khai kế hoạch cụ thể để áp dụng cấu trúc đề kiểm tra, đánh giá mới vào học kỳ 2 năm học 2024-2025. Ảnh: website trường.

Cô Bùi Thị Anh cũng nhấn mạnh, cấu trúc đề kiểm tra mới tiệm cận với đề thi của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, nên việc triển khai sớm các hình thức kiểm tra này sẽ có lợi cả nhà trường, học sinh lẫn giáo viên, giúp các bên làm quen với phương thức mới.

Bên cạnh đó, nữ hiệu trưởng cũng bày tỏ mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ có thêm hướng dẫn cụ thể hơn, cũng như sớm có ngân hàng đề mẫu, để làm cơ sở tham khảo cho nhà trường, từ đó nâng cao hiệu quả hướng dẫn và ôn tập, nhằm tạo thuận lợi cho việc kiểm tra, đánh giá học sinh của nhà trường.

Mạnh Dũng

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/thay-doi-cau-truc-de-kiem-tra-dinh-ky-theo-cv-7991-giup-hoc-that-danh-gia-that-post248035.gd