Thay đổi cấu trúc đề trong Kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt

Cấu trúc bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt từ năm 2025 ở Trường ĐH Sư phạm TPHCM cải tiến dạng thức câu hỏi trắc nghiệm và câu hỏi tự luận đóng/mở.

GS.TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TPHCM đánh giá việc giới thiệu cấu trúc đề thi tại hội nghị. (Ảnh: HCMUE).

GS.TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TPHCM đánh giá việc giới thiệu cấu trúc đề thi tại hội nghị. (Ảnh: HCMUE).

Những thay đổi trong cấu trúc đề thi

Theo ông Nguyễn Ngọc Trung, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TPHCM, từ năm 2025, Kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt vẫn tiếp tục được thực hiện với các bài thi Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn và Tiếng Anh.

Kỳ thi năm nay có quy mô mở rộng dự kiến không chỉ phục vụ cho công tác tuyển sinh của Trường mà còn cho các trường đại học khác.

Trong đó có Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng; Trường Đại học Công thương, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Trường Đại học Văn Lang, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, Trường Đại học Y Dược Huế, Trường Đại học Y Dược Tây Nguyên…

Ông Trung cho biết, các nội dung kiến thức sử dụng để đánh giá năng lực của thí sinh được đề cập trong các bài thi sẽ bám sát chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Trong đó, phần nội dung kiến thức của chương trình lớp 12 chiếm tỷ lệ khoảng 70-80%, còn lại là nội dung kiến thức thuộc chương trình lớp 10, 11.

Nguyễn Ngọc Trung, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM chia sẻ phương hướng kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt từ năm 2025. (Ảnh: HCMUE).

Nguyễn Ngọc Trung, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM chia sẻ phương hướng kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt từ năm 2025. (Ảnh: HCMUE).

Bài thi đánh giá năng lực Tiếng Anh vẫn giữ hướng tiếp cận theo định dạng bài thi đánh giá năng lực từ bậc 3 đến bậc 5 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

"Các môn còn lại có nhiều điểm cải tiến trong cấu trúc các bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt áp dụng từ năm 2025 với dạng thức câu hỏi áp dụng cho các bài thi gồm câu hỏi trắc nghiệm và câu hỏi tự luận đóng/mở, thời gian làm bài là 90 phút", ông Trung nói.

Các bài thi đánh giá năng lực Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, số lượng câu hỏi sẽ có 40 câu và được chia làm 3 phần. Phần 1: câu hỏi đơn, phần 2: câu hỏi tổng hợp, phần 3: câu hỏi điền đáp án đúng. Bài thi đánh giá năng lực Ngữ văn bao gồm phần Đọc hiểu và phần Viết.

Mở rộng xét tuyển

Tại hội nghị, GS.TS. Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TPHCM đánh giá tiếp cận của tổ công tác và các bộ phận chuyên môn trong việc giới thiệu cấu trúc bài thi mới phù hợp, đáp ứng tốt mục tiêu đánh giá và phát triển năng lực của học sinh với các yêu cầu cần đạt của chương trình phổ thông 2018.

"Đề nghị Tổ công tác tiếp tục lắng nghe những góp ý, những ý kiến phản hồi để hoàn thiện cấu trúc đề thi và sớm công bố đề thi minh họa các bài thi để thí sinh có thời gian tiếp cận và chuẩn bị", GS.TS. Huỳnh Văn Sơn nói.

Thí sinh được kiểm tra trước khi vào phòng thi đánh giá năng lực chuyên biệt tại Trường ĐH Sư phạm TPHCM năm 2022. (Ảnh: Lê Nam).

Thí sinh được kiểm tra trước khi vào phòng thi đánh giá năng lực chuyên biệt tại Trường ĐH Sư phạm TPHCM năm 2022. (Ảnh: Lê Nam).

Tại hội nghị, GS.TS. Huỳnh Văn Sơn cho rằng Trường cần nghiên cứu bổ sung môn thi theo lộ trình và mở rộng sử dụng kết quả để tuyển sinh vào nhiều ngành học của Trường hơn nữa cũng như mở rộng biên độ và nội hàm của thi đánh giá năng lực chuyên biệt.

Trường Đại học Sư phạm TPHCM tiếp tục sẽ có những báo cáo phân tích về Kỳ thi, chất lượng của Kỳ thi và mức độ đáp ứng các mục tiêu trong thời gian tới.

Khi nhiều thí sinh trúng tuyển bằng phương thức này sẽ hoàn thành các chương trình đào tạo của trường để kết quả đối sánh khách quan và mang tính thuyết phục hơn, hướng đến các yêu cầu đảm bảo chất lượng.

Theo GS.TS. Huỳnh Văn Sơn, để đảm bảo tiết kiệm nguồn lực xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho các em thí sinh, Trường đề nghị các trường trong khối sư phạm, khối sức khỏe và các trường khác nghiên cứu việc khai thác, sử dụng kết quả thi cho công tác xét tuyển vào cao đẳng, đại học.

Đồng thời, xem xét việc phối hợp, hỗ trợ với nhà trường để mở rộng các điểm thi trên địa bàn TPHCM và các tỉnh lân cận.

"Trường sẽ tiến hành làm việc cụ thể với một số trường về các nội dung này để lắng nghe các đề xuất phối hợp và các dự án đồng đầu tư, chuyển giao đảm bảo hiệu quả từ các bên. Tiếp đó, đầu tư nguồn lực với sự chi tiết hóa kinh phí và hiệu quả tài chính để đảm bảo phát triển, duy trì hoạt động này một cách hiệu quả", GS.TS. Huỳnh Văn Sơn nói.

Trường Đại học Sư phạm TPHCM cũng sẽ đầu tư để phát triển các giáo trình, tài liệu tham khảo có liên quan để truyền thông tích cực, nâng cao chất lượng đội ngũ.

Từ đó thúc đẩy việc nghiên cứu - ứng dụng – đào tạo và bồi dưỡng cho sinh viên sư phạm và giáo viên các cấp cũng như các giảng viên có nhu cầu về nội dung này góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nói chung.

Cẩm Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thay-doi-cau-truc-de-trong-ky-thi-danh-gia-nang-luc-chuyen-biet-post688194.html