Thay đổi chiến lược để thành công ở Olympic: Chọn môn mũi nhọn để đầu tư trọng điểm
Hai kỳ Olympic liên tiếp 'trắng' huy chương nên được xem là vấn đề lớn của thể thao Việt Nam. Khi nhóm môn trọng điểm chưa được đầu tư đúng tầm mức, thành tích chững lại và thậm chí còn thụt lùi, chúng ta rất mong giới quản lý ngành định hình lại chiến lược phát triển.
1.
Năm 2023, Việt Nam đứng nhất toàn đoàn SEA Games 32 tại Campuchia với tổng cộng 355 huy chương, trong đó có 136 huy chương vàng (HCV), nhiều hơn đoàn Thái Lan tới 28 HCV, đánh dấu lần thứ hai liên tiếp đứng đầu bảng tổng sắp tại đại hội khu vực.
Tuy nhiên, thành tích ở Asiad và Olympic ngược lại. Tại Asiad 2022, Việt Nam chỉ đứng thứ 6 khu vực Đông Nam Á. Ở Olympic 2024, Việt Nam là đoàn duy nhất không có huy chương trong nhóm 6 nước mạnh nhất Đông Nam Á về số lượng HCV giành được trong lịch sử SEA Games.
Thành công của các quốc gia Đông Nam Á tại Olympic Paris 2024 đã chứng minh việc đặt ra chiến lược giành huy chương tại đấu trường này không hề bất khả thi. Thực tế, Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia Đông Nam Á từng có HCV Olympic, điều mà Malaysia chưa làm được. Thế nhưng việc chật vật tìm vé đến Paris 2024 cũng như không đủ tự tin để đặt mục tiêu huy chương cho thấy vấn đề lớn nhất của thể thao Việt Nam là không hề có một nền tảng vững vàng nào để hiện thực hóa tham vọng.
Khi nói về khả năng thành công tại những đấu trường lớn như Olympic, Asiad, thường người ta sẽ nói về yếu tố tài chính. Điều này không sai. Trong giai đoạn 2017-2020, thể thao Philippines đầu tư 40 triệu USD cho mục tiêu huy chương vàng Olympic Tokyo 2020. Số tiền này gấp 18 lần so với giai đoạn trước Rio de Janeiro 2016. Kết quả là Philippines trở thành quốc gia Đông Nam Á thành công nhất ở 2 kỳ Olympic gần nhất.
Khi có nguồn kinh phí đầy đủ, việc đầu tư cho VĐV sẽ thuận lợi hơn. Từ việc hình thành ê-kíp chuyên môn hỗ trợ đến chế độ dinh dưỡng và tập huấn lâu dài tại những cường quốc thể thao thế giới. Hiểu một cách đơn giản, để có huy chương Olympic, điều tiên quyết là có tiền, thậm chí là rất nhiều tiền. Chúng ta đã từng đầu tư hàng chục tỷ đồng cho 3 năm tập huấn ở Mỹ của kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên và cũng đã nhận được kết quả tương xứng.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, ngay trường hợp được đầu tư “khủng” như Ánh Viên, khả năng chiến thắng tại Olympic cũng không cao. Trong khi đó, nguồn lực đầu tư của thể thao Việt Nam hiện chỉ nằm ở mức đủ để duy trì hoạt động của toàn ngành, với tổng ngân sách được phân bổ mỗi năm vào khoảng gần 900 tỷ đồng. Con số này chỉ vừa đủ để chi trả chế độ dinh dưỡng, chi cho các chuyến thi đấu ở các giải quốc tế diễn ra ở nước ngoài, không thể xem là nguồn đầu tư trọng điểm cho các mục tiêu cụ thể như giành huy chương Olympic.
Bên cạnh đó, những giải pháp mà thể thao Việt Nam có thể áp dụng được ngay trước mắt và cả lâu dài, đó chính là từ cách làm của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.
Việc đầu tư trọng điểm và việc áp dụng khoa học - công nghệ vào công tác chuyên môn huấn luyện của chúng ta còn hạn chế
- Cục trưởng Cục TDTTĐẶNG HÀ VIỆT
2.
Đầu tiên và quan trọng nhất, theo các chuyên gia thể thao, là quy hoạch lại thể thao thành tích cao. Với 3 lần đứng đầu bảng tổng sấp SEA Games (2003, 2021, 2023), đấu trường SEA Games không còn là mục tiêu ưu tiên của thể thao Việt Nam nên không cần dàn trải nguồn lực chỉ để thâu tóm càng nhiều HCV càng tốt ở sân chơi này.
SEA Games vẫn là sự kiện không thể xem nhẹ nhưng nếu có quy hoạch phân môn rõ ràng, chúng ta sẽ không pha loãng nguồn lực. Ví dụ như phải xã hội hóa 100% các môn thi không phải thế mạnh của chúng ta. VĐV tham gia các môn này sẽ được nhận thưởng theo quy định nhưng ngân sách không phải bỏ ra cho công tác tập luyện, chuẩn bị. Trong khi đó, các môn thế mạnh, trọng điểm cho Asiad, Olympic, ưu tiên cử các VĐV trẻ, tiềm năng đến SEA Games để tăng tính cọ xát.
Nếu làm được điều này, ngân sách đầu tư cho SEA Games sẽ giảm mạnh, dư ra được nguồn lực cho công tác đầu tư trọng điểm. Asiad và Olympic được tổ chức xen kẽ theo chu kỳ 2 năm cho mỗi sự kiện. Quãng thời gian này về lý thuyết là chưa đủ để biến một VĐV tài năng thành ngôi sao thế giới. Thế nên nếu họ phải nhận thêm nhiệm vụ tại SEA Games sẽ bị trục trặc chu kỳ tập huấn.
Kế đến, là lựa chọn những môn có thể đạt đến tầm vóc thế giới. Cường quốc thể thao như Trung Quốc cũng không đủ sức “tấn công” vào các môn như điền kinh, bơi lội cự ly tốc độ mà cố gắng giành huy chương ở các môn thế mạnh như nhảy cầu, bóng bàn...
Đông Nam Á đã giành huy chương Olympic ở 13 môn thi, trong đó hầu hết chia theo hạng cân như cử tạ, quyền Anh, taekwondo… hoặc các môn không yêu cầu đặc biệt về thể chất như bóng bàn, cầu lông, thể dục dụng cụ, nhảy cầu, bắn súng hay bắn cung. Đấy đều là những môn thi đấu mà Việt Nam có thể xem là thế mạnh của mình vì chúng ta đã có thành tích tốt ở SEA Games trong 30 năm qua.
Giải pháp và bài học không thiếu nhưng thực hiện ra sao, chỉ riêng một ngành thể thao thôi thì không thể. Chúng ta không thiếu cơ sở vật chất nhưng tính tự chủ của những nơi này lại không có vì đó là tài sản công, có liên quan đến từng địa phương với nhiều mục đích khác nhau.
Để xây dựng một trường bắn súng tiêu chuẩn quốc tế, một sân điền kinh có đường chạy chuyên biệt, ngân sách nhà nước không kham nổi nếu không có sự hỗ trợ từ quỹ đất, tài chính của những đơn vị liên quan. Ngay cả khi có quỹ đất, vẫn còn đó bài toán cơ chế hợp tác đầu tư, khai thác kinh doanh với tư nhân.
Xây nền tảng từ thể thao học đường
Ở các nước có nền thể thao phát triển, họ luôn tận dụng tốt nguồn lực thể thao học đường để xây dựng lực lượng nền tảng. Thể thao học đường giúp các em nhỏ có tài năng và đam mê tiếp tục con đường thể thao trước khi trở thành những VĐV chuyên nghiệp.
Ví dụ như cách Hàn Quốc xây dựng vị thế hùng mạnh ở môn bắn cung, một hệ thống đào tạo bài bản, nghiêm khắc và khắc nghiệt mà thể thao học đường là nền tảng. Bắn cung là môn học tự chọn ngay từ tiểu học, học sinh học văn hóa buổi sáng và tập bắn cung buổi chiều. Sức mạnh tinh thần hay sự điềm tĩnh là yếu tố tiên quyết mà các học sinh được hướng dẫn luyện tập. Chỉ mới cấp độ tiểu học, các "ngọc thô"; đã bắn từ 300 đến 500 mũi tên mỗi ngày.
Thể thao học đường ở Việt Nam có phát triển nhưng lại chưa thật sự hiệu quả trong việc tạo ra nguồn lực lượng cho thành tích cao sau này. Hiện cả nước chỉ có khoảng 960 VĐV tại các đội tuyển trẻ quốc gia, chưa kể số lượng đào tạo trẻ của một số môn thể thao, nội dung mũi nhọn còn rất hạn chế.
Thể thao Việt Nam cần một quá trình với hệ thống bài bản ở khắp các tỉnh thành, từ việc phát triển giáo dục thể chất đến xác định trọng điểm, gần như từ cấp tiểu học đã phải có hệ thống tập luyện và thi đấu nghiêm ngặt.
NGUYỄN ANH